Để hội nhập, doanh nghiệp nhỏ cần hiệp lực

(TBKTSG Online) – Nhiều người thường viện dẫn phần lớn doanh nghiệp chúng ta có quy mô vừa và nhỏ và cho đó là lý do gây khó khăn khi hội nhập. Tuy vậy, theo chuyên gia kinh tế Bùi Văn, đó không phải là suy nghĩ hợp lý.

Ý kiến trên được ông Văn đưa ra trong hội thảo báo cáo Kết quả nghiên cứu khảo sát về nhận thức hội nhập kinh tế quốc tế của doanh nghiệp Việt Nam do trường Doanh nhân PACE tổ chức ngày 28-12.

Bảo vệ cho luận điểm của mình, ông Văn chỉ ra rằng trên 90% doanh nghiệp Nhật Bản là vừa và nhỏ (SMEs); Đài Loan cũng tương tự như vậy, thế nhưng họ vẫn phát triển tốt.

Vì sao? Đơn giản là vì họ có những hiệp hội doanh nghiệp hoạt động rất tốt. Một doanh nghiệp có thể không đủ nguồn lực để thuê luật sư tư vấn về những hiệp định, quy định khi hội nhập, tìm hiểu về một thị trường mới … nhưng nhiều doanh nghiệp trong cùng hiệp hội có thể chung tay nghiên cứu, cùng làm marketing, nghiên cứu chuyển giao công nghệ; ngoài ra hiệp hội còn có thể đứng ra bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn, ông Văn phân tích.

Lời khuyên của ông Văn dành cho các doanh nghiệp nhỏ vẫn là phải hiệp lực lại, đi cùng nhau trong hiệp hội trong sân chơi hội nhập.

Tiếp nối ý ông Văn, ông Giản Tư Trung, Hiệu trưởng trường PACE, kể lại câu chuyện năm 1997, khi kinh tế châu Á rơi vào tình trạng khủng hoảng thì các doanh nghiệp SMEs Đài Loan vẫn không bị ảnh hưởng nhiều.

Và hai lý do được ông Trung đưa ra đó là các SMEs Đài Loan dựa vào thị trường ngách để phát triển; đồng thời doanh nghiệp của họ sớm tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Họ có thể chỉ làm một bộ phận nhỏ của chiếc xe ô tô, như pít tông (piston) chẳng hạn, nhưng họ làm giỏi nhất để bán cho thế giới.

Theo ông Trung, câu chuyện Đài Loan luôn là một bài học mà các doanh nghiệp Việt Nam cần tham khảo khi hội nhập.

Kết quả khảo sát về nhận thức hội nhập của doanh nghiệp Việt do trường PACE thực hiện với sự tham gia của 493 doanh nhân, phần lớn là lãnh đạo cấp cao (chiếm 82,7%) các doanh nghiệp tại khu vực phía Nam, đặc biệt tại TPHCM, được công bố sáng 28-12 không có nhiều bất ngờ.

Và tình trạng chung là doanh nghiệp Việt Nam ít quan tâm đến hội nhập quốc tế. Cụ thể tỉ lệ doanh nghiệp Việt Nam chưa biết đến và hầu như không quan tâm đến Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) là 56,8%, con số tương ứng dành cho TPP và WTO lần lượt là 40,9% và 33,4%. Có đến 71,4% lãnh đạo cấp cao trả lời sai về năm hình thành AEC, 56% doanh nghiệp không biết một trong những nội dung của TPP là cắt giảm thuế suất thuế nhập khẩu giữa các nước thành viên…

“Đáng lưu ý, trong khi doanh nghiệp chúng ta biết đến TPP qua báo chí thì ở nhiều nước khác, doanh nghiệp biết và hiểu về TPP thông qua sự tư vấn của các luật sư. Nếu chúng ta chỉ ngồi đọc báo mà cố nghĩ, cố hiểu những điều khoản TPP mà hàng trăm luật sư viết ra trong nhiều năm thì rõ ràng doanh nghiệp chúng ta vẫn chỉ là những kẻ nghiệp dư mà thôi”, ông Văn bổ sung.

Một vị khách tham dự hội thảo đặt câu hỏi: Tại sao doanh nghiệp Việt Nam lại ít quan tâm đến hội nhập như vậy?

Theo ông Trung, điều đó có lẽ do tâm thế của doanh nghiệp chúng ta là tâm thế đối phó chứ không phải tâm thế đi chinh phục và như vậy sẽ khó có thể đi chinh phục những thị trường khác. Chừng nào doanh nghiệp Việt vẫn xem thị trường các quốc gia ASEAN là nước ngoài thì đừng nói đến hội nhập. Họ chỉ là nước ngoài khi xét về mặt chính trị. Còn trên phương diện kinh tế, chúng ta là một thị trường chung. Đây là nhận thức mà doanh nghiệp cần thay đổi, ông Trung nói.

Một câu hỏi quen thuộc khác được đặt ra, liệu việc hội nhập sẽ giúp Việt Nam thoát khỏi sự phụ thuộc vào Trung Quốc?

Trả lời câu hỏi này, ông Trung cho rằng những ai có suy nghĩ thoát Trung cần phải xem lại nhận thức của mình.

Ông phân tích, thứ nhất, không ai bắt buộc mình phải phụ thuộc. Thứ hai, Trung Quốc với 1,4 tỷ dân, chiếm 20% dân số thế giới, lại ngay sát chúng ta về mặt địa lý, “thoát” họ thì uổng lắm. Thị trường của họ lớn và đa dạng đến mức có gì bán cho họ cũng được. Ngoài ra họ cũng không đòi hỏi quá gắt gao về chất lượng.

“Các bạn thấy đấy, hàng Trung Quốc vào Việt Nam còn phải dán nhãn Việt Nam, ví như khoai tây Trung Quốc đội lốt Đà Lạt. Rõ ràng uy tín của chúng ta khá hơn”, ông Trung kể câu chuyện vui nhưng cũng là một chi tiết đáng lưu ý cho các doanh nghiệp khi bán hàng cho Trung Quốc.

Cái cần thoát Trung Quốc, theo ông Trung, đó là thoát khỏi sự lệ thuộc về tư tưởng và tinh thần, còn kinh tế thì bản thân nó có quy luật thị trường riêng.

(Đức Tâm - The Saigontimes)

Bài viết được quan tâm

Bài viết mới nhất

Trang trên 319