Quản trị chiến lược theo Balanced Scorecard: Để không chỉ là một trào lưu!

Sau khi áp dụng phương pháp quản trị chiến lược doanh nghiệp bằng hệ thống “Thẻ điểm cân bằng” (Balanced Scorecard - BSC), rất nhiều công ty đã ra quyết định hiệu quả hơn và đưa doanh nghiệp đạt đến tầm cao mới dù vẫn là với tổ chức đó, với những con người đó.

 


Ông Howard Rohm (trái), Chủ tịch Balanced Scorecard Hoa Kỳ, và TS. Michael Court (phải) trao đổi với các doanh nhân tại hội thảo quốc tế “Hoạch định và triển khai chiến lược theo Balanced Scorecard”, do Công ty TNHH Balanced Scorecard Việt Nam tổ chức ngày 24-10-2015 tại TPHCM.


Ví dụ, nhờ BSC, Ban Quản lý dự án Baltimore nhận thấy nếu giảm sự chểnh mảng thì có thể tiết kiệm chi phí vận hành lên tới 13,2 triệu đô la Mỹ; chuỗi cửa hàng tiện ích Store 24 đã can đảm hủy bỏ chiến lược trải nghiệm dịch vụ giải trí tốn hàng trăm triệu tiền đầu tư sau khi phát hiện hoạt động này không mang lại hiệu quả như họ vẫn nghĩ. Tương tự, 80% công ty trong top Fortune 500, rất nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa trên khắp thế giới, cũng như các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức phi lợi nhuận cũng đã áp dụng phương pháp này và gặt hái được những thành công đáng kinh ngạc.

Trên đây là một vài ví dụ về sự thay đổi ở một số tập đoàn lớn trong việc áp dụng BSC, được ông Howard Rohm, Chủ tịch Balanced Scorecard Institute Hoa Kỳ (BSI), chia sẻ với doanh nhân tại hội thảo quốc tế mang tên “Hoạch định và triển khai chiến lược theo Balanced Scorecard”, diễn ra ngày 24-10-2015 tại TPHCM và ngày 27-10-2015 tại Hà Nội, được tổ chức bởi Công ty TNHH Balanced Scorecard Việt Nam (BSV) (một đơn vị thành viên của PACE), đại diện độc quyền của BSI tại Việt Nam, Lào và Campuchia.

Sự có mặt chính thức của BSI tại Việt Nam với phương pháp hoạch định và triển khai chiến lược độc quyền được xem là dấu ấn riêng và đặc sắc nhất của đơn vị này mang tên “9 bước đến thành công” (Nine Steps to Success) đã làm dấy lên một hy vọng rằng: BSC không chỉ là một trào lưu áp dụng công nghệ quản trị ưu việt của thế giới, mà sẽ mang lại những giá trị thực chất cho cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam.

Giúp tổ chức chuyển mình

Khái niệm “Thẻ điểm cân bằng” lần đầu tiên được giới thiệu rộng rãi là vào năm 1992, thông qua một bài viết nổi tiếng của hai tiến sĩ Kaplan và Norton trên tạp chí Harvard Business Review. Và từ đó, Balanced Scorecard đã tạo nên một cuộc cách mạng sâu rộng trên toàn thế giới về phương pháp hoạch định và triển khai chiến lược, cũng như về phương pháp đo lường kết quả công việc.

Ông Howard Rohm cho biết việc áp dụng BSC đã giúp các tổ chức thiết lập được hệ thống quản lý hữu hiệu vượt trội thông qua việc: (1) Xác lập và đo lường được những mục tiêu trọng yếu nhất của cả tổ chức, của từng phòng ban/bộ phận và của từng nhân viên; (2) Đồng bộ những hoạt động thường nhật của từng nhân viên với tầm nhìn, sứ mệnh, mục tiêu và chiến lược chung của cả tổ chức; (3) Giúp từng nhân viên, từng phòng ban/bộ phận và cả tổ chức sống với những mục tiêu này. Ngoài ra, BSC không chỉ thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của tổ chức, mà còn bảo đảm được tính bền vững trong sự phát triển đó, do hệ thống luôn “cân bằng” được: mục tiêu tài chính và mục tiêu phi tài chính; mục tiêu ngắn hạn và mục tiêu dài hạn; mục tiêu hữu hình và mục tiêu vô hình; mục tiêu của tổ chức và mục tiêu của xã hội...

Cho đến nay, BSC đã phát triển và tích hợp thành một phương pháp/công nghệ quản trị đa năng: vừa là công cụ để hoạch định chiến lược (strategic planning), vừa là công cụ để triển khai chiến lược (strategy execution), vừa là công cụ để quản trị kết quả công việc (performance management), vừa là công cụ để quản trị sự thay đổi (change management).

Ở Việt Nam, khái niệm BSC cũng đã được biết đến khá nhiều trong cộng đồng doanh nghiệp và cộng đồng tư vấn (tư vấn quản lý và tư vấn chiến lược) thông qua nhiều kênh, đặc biệt là qua hai cuốn sách nổi tiếng về

BSC là Thẻ điểm cân bằng và Bản đồ chiến lược do PACE mua bản quyền, biên dịch và phát hành từ năm 2006. Từ đó đến nay, nhiều doanh nghiệp cũng đã nỗ lực tìm hiểu BSC để áp dụng, nhưng khá ít doanh nghiệp thành công, kể cả việc đã thuê tư vấn quản lý từ bên ngoài hỗ trợ. Vì sao vậy? Bởi lẽ, dù BSC là một phương pháp quản trị hữu hiệu và phổ biến nhưng nếu không am hiểu đủ sâu sắc về BSC thì không dễ áp dụng thành công. Và sau một vài lần không thành công, có thể dẫn đến nản chí và mất lòng tin về nó.

Để BSC thực sự là giải pháp căn cơ và thực chất, chứ không chỉ là một trào lưu, BSV đã đưa toàn bộ “công nghệ tư vấn triển khai BSC” và các chương trình đào tạo của BSI về Việt Nam. Cụ thể là, song song với hoạt động tư vấn triển khai BSC và KPI (Key Performance Indicator - chỉ số hiệu quả công việc) cho các doanh nghiệp, BSV còn giúp đào tạo đội ngũ chuyên gia nội bộ của các doanh nghiệp nhằm triển khai thành công BSC và KPI cho doanh nghiệp của mình.

Nói đến quản trị chiến lược là nói đến BSC, và nói đến BSC là nói đến phương pháp “9 bước” của BSI. Do vậy, các giải pháp tư vấn hay các chương trình đào tạo của BSV đều dựa trên nền tảng là phương pháp độc quyền này từ BSI. Bất cứ tổ chức hay cá nhân nào sử dụng phương pháp “9 bước” để đào tạo hay tư vấn BSC nhằm mục đích thu lợi mà không được sự đồng ý bằng văn bản của BSI hay BSV đều là bất hợp pháp.

Năng lực cho hội nhập

Theo ông Giản Tư Trung, Hiệu trưởng trường Doanh nhân PACE, “Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với thế giới, nhưng chúng ta có tự hỏi ta sẽ sống và thành công trong bối cảnh mà ta chưa từng hình dung? Nếu ta vẫn coi mình ở bên ngoài cuộc chơi này thì rủi ro là rất lớn”.

Ông cho rằng, chúng ta đã nói nhiều về cơ hội và thách thức của hội nhập, mà còn ít bàn với nhau câu chuyện làm thế nào để có năng lực hội nhập. Có thể thấy rằng, hội nhập toàn cầu thì dẫn đến cạnh tranh toàn cầu (canh tranh ngay trong nhà của mình); cạnh tranh toàn cầu sẽ cần đến năng lực toàn cầu; và để có năng lực toàn cầu thì cần đến các giải pháp quản trị toàn cầu. Nhưng câu hỏi đặt ra là trong vô vàn giải pháp đang được hô hào rầm rộ, “anh” chọn cái nào?

Chia sẻ quan điểm của ông Trung, ông Đinh Việt Lân - Trưởng đại diện PACE tại Hà Nội, cho biết: “Tôi cho rằng câu trả lời cho việc năng suất và chất lượng ở nhiều nước cao hơn người Việt là do họ được trang bị giải pháp hỗ trợ đầy đủ và đúng chỗ. Có cái gì đó trục trặc trong quy trình của chúng ta khiến năng suất và hiệu quả của chúng ta kém hơn họ rất nhiều dù người Việt Nam rất cần cù, thông minh. Từ lâu, kiến tạo văn hóa và triển khai chiến lược luôn là hai vấn đề đau đầu nhất đối với bất kỳ nhà lãnh đạo nào trong quá trình phát triển và liên tục tái tạo tổ chức.

Chính vì thế, PACE chọn ra hai giải pháp quản trị để giúp doanh nghiệp giải quyết “mối đau đầu” này: 7 Habits (7 thói quen) của FranklinCovey để giúp doanh nghiệp kiến tạo văn hóa và Balanced Scorecard (Thẻ điểm cân bằng) của BSI để giúp doanh nghiệp triển khai chiến lược hiệu quả. Đây đều là những công cụ, giải pháp quản trị được xem là đặc sắc và phổ biến bậc nhất của thế giới trong hai lĩnh vực này.

Với doanh nghiệp Việt Nam, trong bối cảnh Hiệp định TPP vừa chính thức đàm phán thành công và Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) cũng cận kề, câu chuyện năng lực hội nhập, tái tạo doanh nghiệp lại càng trở nên “nóng” hơn bao giờ hết. Vì đi kèm với TPP hay AEC là cả cơ hội lẫn thách thức: cơ hội mở rộng thị trường, khả năng tiếp cận nguồn vốn, công nghệ, tri thức tăng lên đáng kể, nhưng các doanh nghiệp cũng có thể bị “cuốn trôi” nếu như thiếu nội lực, cũng như không đưa ra được những chiến lược đúng đắn, phù hợp với lợi thế cạnh tranh của mình, hay có chiến lược hay ho nhưng chiến lược vẫn nằm trên giấy”.

Theo ông Lân, 7 Habits (nhằm kiến tạo văn hóa) và Balanced Scorecard (nhằm triển khai chiến lược) là hai trong số rất ít những giải pháp quản trị ưu việt của thế giới mà PACE muốn “nhập khẩu” vào Việt Nam nhằm góp phần giúp các doanh nghiệp hình thành được năng lực toàn cầu cho công cuộc đua tranh toàn cầu của riêng mình.

Chính hệ thống cánh buồm chứ không phải là hướng gió giúp doanh nghiệp xác định hướng đi. BSC là một phương pháp chuyên biệt giúp mọi nhân viên sử dụng một ngôn ngữ chung, gắn kết mọi hoạt động của họ với chiến lược và tầm nhìn của công ty nhờ đo lường được mọi hành động theo nguyên lý cái gì quản lý được thì cái đó phải đo lường được và ngược lại, từ đó, lựa chọn ra sáng kiến và hành động phù hợp.

Vô số doanh nghiệp đang vận hành công ty theo kinh nghiệm và trực giác trong khi để thành công bền vững thì phải quản trị theo khoa học nhiều hơn, và chiến lược đúng đắn không phải là “lựa chọn làm cái gì” mà là “chọn không làm cái gì”. Trong tổ chức, chúng ta phải biết mọi người kỳ vọng gì và phải quản trị được sự kỳ vọng đó. Các bộ phận, con người riêng lẻ thông qua BSC sẽ được kết nối với nhau theo một cách rõ ràng dễ hiểu, có kỷ luật, và giúp mọi người cùng đi trên một chuyến xe mà mỗi bánh xe đều đưa cỗ máy đến đích. Đó còn là hệ thống giúp chúng ta thay đổi trái tim.

(Tiến sĩ Michael Court - Chuyên gia Tư vấn trưởng của Balanced Scorecard Việt Nam)


(Theo Thesaigontimes.vn)
 

Tin tức liên quan

Trang trên 71