"Đánh thức" tài nguyên nhân lực và nhân tài

Giáo sư Dave Ulrich mở đầu bài thuyết trình của mình bằng việc phác họa những thực tiễn cạnh tranh mới đang diễn ra trên khắp toàn cầu.

Theo ông, Việt Nam với vị trí là một trong số 11 quốc gia mới nổi kế tiếp (theo sau các nước thuộc khối BRIC gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc…), hơn bao giờ hết cần phải đặt ra câu hỏi “Lợi thế cạnh tranh của quốc gia sẽ đến từ những nguồn nào?” để có thể hoạch định một chiến lược phát triển hiệu quả cho mình. Ông cũng cho rằng trong bối cảnh này, có thể thấy rằng vấn đề nhân lực và nhân tài chính là một nguồn “tài nguyên” quan trọng góp phần tạo ra lợi thế cạnh tranh bền vững cho quốc gia và doanh nghiệp bên cạnh các lợi thế khác vẫn thường được nhắc đến như chiến lược, tài chính, công nghệ…

GS-Dave-Ulrich

 GS. Dave Ulrich thuyết trình tại Hội thảo "Tư duy lại nhân lức và nhân tài"

Theo Dave Ulrich, đây không phải là một câu chuyện quá mới mẻ với quốc gia cũng như doanh nghiệp. Tuy nhiên, để có thể “đánh thức” được nguồn tài nguyên vô cùng to lớn ấy, cần phải “định nghĩa lại” nhân lực và nhân tài. Ai sẽ được gọi là “nhân tài”? Làm thế nào để xác định đúng và khơi dậy được nguồn tài nguyên ấy? Đầu tư cho nhân tài là cần thiết, nhưng làm thể nào để đầu tư đúng và đo lường được hiệu quả của việc đầu tư cho yếu tố vô hình này? Trong suốt bài trình bày của mình, Giáo sư Dave Ulrich đã lần lượt đưa ra những góc nhìn của mình cho những câu hỏi này, những câu hỏi mà ông cho rằng cần được đặt ra và trả lời thấu đáo để câu chuyện nhân tài không chỉ dừng lại ở những khẩu hiệu như “hiền tài là nguyên khí quốc gia” hay “nhân tài là tài sản quý giá nhất của tổ chức”…

GS-Dave-Ulrich

 Hội trường lớn hơn 500 chỗ của Khách sạn Sheraton đã không còn một chỗ trống.

Một quan điểm mới mẻ mà ông đưa ra trong hội thảo, đó là đã đến lúc các tổ chức, các doanh nghiệp cũng cần “định nghĩa lại” vai trò của mình nếu muốn cạnh tranh hiệu quả bằng nguồn lực nhân tài. Cụ thể là, nhân tài chỉ có thể phát triển được và đóng góp được cho tổ chức và xã hội khi và chỉ khi họ được “sống” trong một môi trường mà ở đó, họ tìm thấy được lẽ sống và ý nghĩa của cuộc đời, của công việc mình làm. Một tổ chức có khả năng làm được điều đó, theo ngôn từ của Giáo sư, được gọi là “Tổ chức viên mãn”. Ông cũng đưa ra mô hình gồm các câu hỏi thiết yếu giúp các nhà lãnh đạo xây dựng tổ chức của mình thành “tổ chức viên mãn”.

Trong phần cuối hội thảo, Giáo sư Dave Ulrich đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của nhà lãnh đạo trong chiến lược “đánh thức” nguồn tài nguyên nhân lực và nhân tài. Theo ông, tổ chức cần nhiều “năng lực lãnh đạo” hơn là “vị trí lãnh đạo”. Và những nhà lãnh đạo chỉ có thể tạo được “thương hiệu lãnh đạo” cho mình từ khả năng biến những mong mỏi, kỳ vọng của xã hội thành những hoạt động cụ thể trong chính tổ chức của mình.

GS-Dave-Ulrich

 "Năng lực lãnh đạo cần thiết hơn nhiều so với vị trí lãnh đạo"...

Sẽ khó lòng gói hết những tri thức sâu rộng của “bậc thầy về nhân lực và nhân tài” này trong khuôn khổ một ngày của hội thảo. Nhưng những vấn đề mà Giáo sư Dave Ulrich và các nhà lãnh đạo, các chuyên gia bàn luận tại hội thảo có ý nghĩa như một lời nhắc về tầm quan trọng của việc đầu tư một cách dài hạn và căn cơ cho chiến lược phát triển nhân lực và nhân tài. Điều này cũng đã được nhấn mạnh trong Thư chào mừng mà Bộ Ngoại giao gửi đến Hội thảo với tư cách là Đơn vị Bảo trợ. Bức thư có đoạn viết: “Trong những năm gần đây, bài toán nhân lực và nhân tài ở cả tầm vĩ mô và vi mô ngày càng trở nên bức thiết khi kinh tế toàn cầu diễn biến phức tạp, khó lường, tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của nhiều quốc gia và hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trên toàn thế giới. Việt Nam đang triển khai Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011 - 2020, do đó việc xây dựng, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực, nhân tài phù hợp với điều kiện thực tế của đất nước có ý nghĩa hết sức quan trọng và cũng là yêu cầu bức thiết hiện nay…”

Hội thảo lần này nằm trong chuỗi hội thảo quốc tế về kinh tế - kinh doanh do PACE tổ chức thường niên. Có thể kể đến một số hội thảo đã diễn ra như Hội thảo về marketing do Philip Kotler, “cha đẻ” marketing hiện đại, chủ trì (năm 2007); Hội thảo về cạnh tranh do Michael Porter, “cha đẻ” chiến lược cạnh tranh, chủ trì (năm 2008); Hội thảo về kinh tế do Paul Krugman, chủ nhân Nobel kinh tế 2008, chủ trì (năm 2009); Hội thảo về chiến lược do Michael Porter chủ trì (năm 2010)…

                                                                                

Tin tức liên quan

Trang trên 71