GS Trịnh Xuân Thuận và niềm đam mê khám phá

Buổi nói chuyện có chủ đề "Con người, vũ trụ và niềm đam mê khám phá” của GS Trịnh Xuân Thuận ở Trung tâm giáo dục PACE sáng 22-12 chật kín, dù đây không phải là buổi giao lưu duy nhất của nhà thiên văn học nổi tiếng thế giới này tại TP. Hồ Chí Minh. Trong cả mấy trăm người ngồi lắng nghe GS Thuận diễn giải, có nhiều nhà nghiên cứu, các thầy giáo, sinh viên và cả những em nhỏ mang theo ước mơ chinh phục bầu trời...
 
 
GS-Trinh-Xuan-ThuanTheo GS Trịnh Xuân Thuận, thiên văn học là khoa học chính xác duy nhất không thể thực hiện trong phòng thí nghiệm. Bởi con người không thể chế tạo ra các ngôi sao trong ống nghiệm, mà chính ánh sáng rơi xuống từ các ngôi sao đã kết nối con người với vũ trụ. GS Thuận cho rằng sắc đẹp hài hòa, hoàn hảo và tuyệt vời của vũ trụ tạo thành khối thống nhất như ngày nay cho thấy vũ trụ hình thành không phải ngẫu nhiên. Vì vậy khi bàn về vấn đề nóng lên của trái đất và những dấu hiệu bất thường của khí hậu trong những năm gần đây, GS Trịnh Xuân Thuận khẳng định: "Không nên đổ lỗi cho thiên nhiên mà vấn đề ở đây là do con người. Khí C02, sự nóng lên của trái đất, vấn đề ô nhiễm toàn cầu đi kèm với tốc độ phát triển kinh tế của chúng ta. Thiên nhiên ban tặng cho con người rất nhiều thứ, nhưng nếu chúng ta tiếp tục phá hỏng thì không thể lấy lại được”. Là một người theo đạo Phật, GS Trịnh Xuân Thuận cho rằng khoa học và Phật giáo có hai lối nhìn khác nhau nhưng trong đó vẫn có sự tương đồng. Ông dẫn chứng, Phật giáo có nói đến sự vô thường, cái gì cũng thay đổi. Đó cũng là đề tài của khoa học thế kỷ 20. Trước kia, người ta tưởng vũ trụ là bất biến, theo quan điểm của Aristotle. Nhưng sau này khoa học đã chứng minh, vũ trụ thay đổi và trong vũ trụ mọi vật đều thay đổi. "Khoa học cho ta rất nhiều kiến thức nhưng không dạy được ta cách cư xử đúng với gia đình và xã hội. Theo Phật, ý nghĩ, trí tuệ tôi bình thản hơn và lẽ dĩ nhiên tôi nhìn vào vũ trụ một cách sáng suốt hơn” - GS Thuận chia sẻ.
 
Say mê khám phá vũ trụ, GS Trịnh Xuân Thuận ví von ông là người đi bắt ánh sáng. "Mắt người rất nhỏ không thể bắt được ánh sáng của vũ trụ nên mới cần đến những chiếc kính thiên văn, con mắt giúp ta nhìn vào vũ trụ” - ông nói. Và để đi đến cùng niềm say mê của mình, GS Trịnh Xuân Thuận phân thân thành 3 vai, trong đó 1/3 thời gian ông dành cho khảo cứu, 1/3 dành cho dạy học và phần còn lại dành để viết sách. Đến nay, độc giả Việt Nam biết đến những tác phẩm của Giáo sư như: Giai điệu bí ẩn, Trò chuyện với Trịnh Xuân Thuận, Hỗn độn và Hài hòa, Cái vô hạn trong lòng bàn tay (Từ Big Bang đến giác ngộ), Những con đường của ánh sáng... Trong số đó, tác phẩm Hỗn độn và Hài hòa từng là cuốn bán chạy nhất ở Pháp năm 2000. Riêng tác phẩm Những con đường của ánh sáng đã được Viện Hàn lâm Pháp trao giải thưởng Moron. Trong chuyến trở về quê hương lần này, GS Trịnh Xuân Thuận giới thiệu tới độc giả tác phẩm mới Từ điển đam mê bầu trời và các vì sao do NXB Tri Thức ấn hành. Nét đặc biệt trong những tác phẩm của GS Thuận là sự giàu có của cảm xúc, của ngôn ngữ thi ca cho dù sách của ông nhằm phổ biến các kiến thức khoa học về vũ trụ.
 

GS-Trinh-Xuan-Thuan

 GS Trịnh Xuân Thuận (Ảnh: C.Bình)

Sinh ra tại Hà Nội, lớn lên ở Sài Gòn, GS Trịnh Xuân Thuận từng tốt nghiệp tú tài tại trường Jean-Jacques Rousseau (nay là Trường THPT Lê Quý Đôn). Sau đó, ông du học ngành vật lý tại Thụy Sĩ. Từ năm 1976, ông là giáo sư ngành Vật lý thiên văn tại Đại học Virginia. Hiện nay GS Trịnh Xuân Thuận làm việc ở cả Mỹ và Pháp. Ông cũng là giáo sư thỉnh giảng tại Viện Đại học Paris VII, Viện Nghiên cứu Meudon, Sở Vật lý thiên văn Saclay, Viện Vật lý thiên văn CNRS... Chia sẻ con đường thành công của mình, GS Trịnh Xuân Thuận cho biết: "Từ nhỏ tôi đã đam mê khoa học, từng đi mượn mấy cuốn sách của Einstein không phải để đọc về lý thuyết tương đối vì nó quá sức đối với tôi lúc bấy giờ mà để đọc những bài viết về khoa học. Tôi hâm mộ Einstein và muốn đi theo con đường khoa học. Sự tò mò tìm hiểu những điều xung quanh đã thôi thúc tôi”. GS Thuận cũng cho hay ông may mắn gặp được những thầy giáo rất giỏi, từng đoạt Giải thưởng Nobel giảng dạy. Thêm vào đó, thời kỳ vàng của vật lý thiên văn những năm 1960 đã khích lệ rất lớn đến niềm say mê khám phá vũ trụ của mình. Ông không quên nhấn mạnh đến sự nỗ lực không mệt mỏi của bản thân trong học tập và nghiên cứu để trở thành nhà vật lý thiên văn nổi tiếng thế giới như hiện nay.

GS-Trinh-Xuan-ThuanTheo GS Trịnh Xuân Thuận, nhiều người quan niệm rằng, khoa học chỉ quan tâm đến toán học và các vấn đề kỹ thuật. Điều đó không thể xa hơn sự thật. Có một nội dung tình cảm đối với thiên văn học mạnh như nội dung trí tuệ. Vũ trụ thì đẹp, khi người nào đó đã xem một ảnh do kính viễn vọng không gian Hubble chụp, người đó có thể nghiệm được điều ấy. Các bức ảnh Hubble có thể là đối thủ mạnh của phần lớn các công trình sáng tạo nghệ thuật mà con người làm ra. Cái đẹp này của vũ trụ an ủi chúng ta và đôi khi cứu rỗi chúng ta. Vũ trụ học cũng có một nội dung triết học sâu sắc. Trước thế kỷ XVI, con người cho rằng, họ ở trung tâm của vũ trụ và rằng vũ trụ sinh ra để cung cấp chỗ ở cho họ. Năm 1543, Nicolaus Copernicus đã "đẩy” Trái đất ra khỏi vị trí trung tâm của nó và đặt Mặt trời vào chỗ đó. Kể từ đó, con ma Copernicus không ngừng đến thăm chúng ta: Mặt trời đã đánh mất vị trí trung tâm của mình và bây giờ nó chỉ là một ngôi sao nơi ngoại vi của dải Ngân Hà, một trong số một trăm tỷ ngôi sao tạo nên Thiên Hà của chúng ta. Bản thân dải Ngân Hà cũng chìm nghỉm trong 100 tỷ thiên hà quần tụ trong cái vũ trụ có thể quan sát được. Trái đất giống như một hạt cát nhỏ trên bờ vũ trụ mênh mông. Cho dù chúng ta không đáng kể so với kích thước của vũ trụ, chúng ta vẫn liên hệ gần gũi với nó, chúng ta là bộ phận của chòm sao dày đặc, là con của các vì sao. Với chức năng tinh tế của mình, vũ trụ xuất hiện để cứu rỗi sự sống và trí tuệ. Chúng ta có vai trò quan trọng bởi vì bằng sự hiểu biết về vũ trụ và suy ngẫm về cái đẹp và sự hài hoà của nó, ta làm cho chúng có ý nghĩa. Nói về sự lịch sử hình thành vũ trụ, GS Trịnh Xuân Thuận cho rằng: "Vũ trụ có ngẫu nhiên hay không là quan điểm của mỗi người. Với tôi thì vũ trụ hình thành không phải ngẫu nhiên, vì sắc đẹp hài hòa hoàn hảo và tuyệt vời của vũ trụ tạo thành khối thống nhất như ngày nay thì chắc chắn có chủ ý tạo ra”. Tuy nhiên, theo Giáo sư Thuận, đối tượng sáng tạo ra vũ trụ đó không phải là con người cụ thể, như Chúa hay Phật. Ông cũng cho rằng, nếu ai đó nói ngẫu nhiên cũng không sao nếu họ đưa ra cách lý giải hợp lý.
 

Trở về Việt Nam lần này, GS Trịnh Xuân Thuận đã tham dự hơn chục buổi giao lưu với sinh viên, độc giả ở khắp ba miền. Ông bày tỏ niềm hân hoan khi được chứng kiến một Việt Nam hòa bình, thống nhất, mọi người đều dành sức lực để xây dựng và phát triển đất nước. "Thế hệ trẻ là tương lai của đất nước, Chính phủ cần có những chính sách đãi ngộ xứng đáng cũng như đầu tư phương tiện làm việc để thu hút tầng lớp tri thức từ nước ngoài trở về cống hiến cho nước nhà” - GS Trịnh Xuân Thuận nhấn mạnh.

(Nguồn: Đại đoàn kết)

Tin tức liên quan

Trang trên 71