Lãnh đạo Doanh nghiệp trong môi trường kinh doanh hiện đại

Vào ngày 08/06 vừa qua, các lãnh đạo và doanh nhân học viên đã tham dự buổi tọa đàm thường kỳ CEO Talk do Trường Doanh Nhân PACE tổ chức, dưới sự chủ trì của Ông Lê Minh Tâm - CEO Ngân hàng Hong Leong Việt Nam.

Nền kinh tế Việt Nam hiện nay còn tới hơn 90% các Doanh nghiệp vừa và nhỏ. Việc bước ra sân chơi toàn cầu của các Doanh nghiệp Việt Nam đang ngày càng phẳng hơn và nên tảng công nghệ sẽ là chất xúc tác đẩy nhanh sự thay đổi đó.

Tại buổi hội thảo, Diễn giả đã chia sẻ:“bây giờ, người ta không nói đến thị trường cạnh tranh toàn cầu, khách hàng toàn cầu nhiều nữa mà thường hay nói đến “Global regulation”. Các quy định chung cho nền kinh tế toàn cầu sẽ trở thành một. Sắp tới, các Doanh nghiệp sẽ phải đối diện nhiều hơn với những quy định này và tuân thủ luật chơi chung. Điều này cực kỳ quan trọng đối với những Doanh nhân muốn bước ra môi trường quốc tế thì phải nắm bắt những vấn đề cốt yếu này”.

Những giá trị cũ trong môi trường mới

Môi trường kinh doanh hiện đại, đồng nghĩa với việc chúng ta không thể khép mình với những phương thức quản trị cũ, cơ cấu tổ chức cũ, văn hóa cũ, thậm chí là những kỹ năng cũ.

Từ những trải nghiệm của bản thân trong quá trình điều hành các Công ty, Tập đoàn toàn cầu tại Việt Nam, Ông cho rằng:“Điểm khác nhau đặc biệt giữa Doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài chính là sự chú trọng trong Văn hóa Doanh nghiệp. Ngoài ra, các tổ chức nước ngoài họ cũng có cách nhìn nhận và đánh giá nhân sự một cách chính xác hơn, khoa học hơn nhờ hệ thống các quy trình được chuẩn hóa theo đặc thù riêng của họ.”

Diễn giả của buổi tọa đàm CEO Talk, Ông Lê Minh Tâm - CEO Ngân hàng Hong Leong VN

Hiện nay, chúng ta thường nhìn nhận vị trí lãnh đạo sẽ là người có chuyên môn giỏi trong nhiều lĩnh vực khác nhau, để có thể kiểm soát tốt tất cả các hoạt động của Doanh nghiệp. Nhưng liệu nhìn nhận như vậy có đúng hay không?

Diễn giả chia sẻ: “Lãnh đạo nước ngoài không hẳn là người xuất sắc từ một chuyên môn nào đó, điều quan trọng đòi hỏi ở họ là khả năng lãnh đạo xuất sắc, tổ chức cơ cấu nhân sự, truyền thông mục tiêu và phối hợp những mảng công việc trong công ty thực sự hiệu quả”.

Còn đối với Doanh nghiệp Việt Nam thì sao?

Lấy dẫn chứng từ cuốn thế giới phẳng của Thomas L.Friedman, Ông nói:“Thế giới ngày càng phẳng hơn, mọi người được công bằng hơn trong cuộc chơi này, đặc biệt là tính di động tăng cao. Hãy nhìn lại Việt Nam 10 năm trở lại đây, một cô gái sinh ra ở Hà Nội, học ở Singapore, làm việc ở Sài Gòn và thậm chí sáng gặp ở Sài Gòn, chiều gặp ở Hà Nội, chứ không phải như ngày xưa nữa”.

Có thể thấy, khách hàng đang trở nên di động, nhà đầu tư trở nên di động, tài năng cũng đang thực sự di động và chủ Doanh nghiệp lại càng phải di động… Ở Việt Nam, có thể mới chỉ nhìn thấy điều này trong hơn 10 năm nay nhưng so với các quốc gia phát triển khác, thì tính di động của họ đã diễn ra cách đây hơn 50 năm. Vậy các Doanh nghiệp Việt Nam muốn vươn ra trường quốc tế sẽ phải làm gì để đi tắt đón đầu?

Điều đầu tiên cần nhìn nhận là về môi trường kinh doanh trong tương lai, “những đứa trẻ rồi sẽ quyết định chúng ta nên làm gì, bởi lẽ tương lai của thị trường sẽ phụ thuộc vào chúng. Trong một môi trường kinh doanh hiện đại, chỉ một thay đổi về công nghệ, thì sản phẩm, khách hàng, hay phương thức bán hàng cũng đã buộc chúng ta phải tìm cách thích nghi….”, Ông Long nói.

Tại Việt Nam, có ba loại hình Doanh nghiệp phổ biến hiện nay bao gồm: Doanh nghiệp tư nhân (bao gồm cả các Doanh nghiệp gia đình), Doanh nghiệp nhà nước và Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Thế nhưng, trong các giai đoạn phát triển của Doanh nghiệp cũng giống như một chu kỳ phát triển của một sản phẩm bao gồm: Thai nghén, hình thành, phát triển và ổn định. Cái mà các Doanh nghiệp Việt Nam cần chuẩn bị khi muốn vươn ra trường quốc tế là, chúng ta phải nghĩ ngay đến việc làm gì sau chu kỳ đấy?

Phần xác và phần hồn của Doanh nghiệp

Đối với các Doanh nghiệp tư nhân, người chủ Doanh nghiệp thường sẽ biết rất rõ nhân viên của mình đang làm gì và mối quan hệ gắn bó giữa các cấp chặt chẽ với nhau. Vì vậy, những quy định thường là ước lệ, giải quyết độc lập, và đó thường được gọi là tổ chức của những con người (Organization of man) phát triển dựa trên sự tin cậy.

Cho đến khi Doanh nghiệp bắt đầu phát triển, nhân viên tăng, khách hàng tăng, máy móc tăng, chủ Doanh nghiệp trở nên biết ít hơn những gì đang diễn ra. Sự tự tin vào những gì mình nắm bắt và mức độ tin cậy bắt đầu giảm xuống. Nhu cầu thiết yếu phải lấp đầy những lỗ trống này bằng quy định và chính sách quản lý bắt buộc phải được viết ra cụ thể. Đó là sự phát triển tự nhiên trong quá trình phát triển Doanh nghiệp thêm một bước mới, gọi là tổ chức của quy trình (Organization Argument). Nếu quá trình này diễn ra nhanh chóng thì sẽ thấy Doanh nghiệp phát triển nhanh hơn, thoải mái hơn nhờ các quy trình chuẩn mực.

Nhiều câu hỏi thiết thực được đặt ra từ phía người tham dự

Ngoài phần trình bày của Diễn giả, buổi tọa đàm thực sự trở nên sôi nổi thông qua rất nhiều các câu hỏi, những băn khoăn của những người tham dự, những người hiện đang là các nhà quản lý, lãnh đạo tại nhiều Doanh nghiệp. Anh Hùng, chủ một Doanh nghiệp chế biến hải sản, chia sẻ: “Chúng tôi đang trong quá trình chuyển đổi và gặp khá nhiều khó khăn trong vấn đề quản lý nhân lực. Qua buổi tọa đàm hôm nay, tôi nghĩ đến một góc nhìn đúng đắn hơn để Doanh nghiệp hội nhập thực sự.”

Tuy nhiên, có một điều đặc biệt mà Diễn giả nhấn mạnh ở các Doanh nghiệp muốn vươn ra trường quốc tế chính là sự đối lập về cơ chế giữa tổ chức của con người với tổ chức của quy trình. Văn hóa Doanh nghiệp sẽ là chìa khóa giải quyết vấn đề đối lập này. “Khi Doanh nghiệp bước đến bước này, Doanh nghiệp dường như phát triển tương đối về “phần xác”. Vì vậy, cần thiết phải xây dựng “phần hồn” cho Doanh nghiệp để tất cả mọi người có một cảm nhận và hành xử chung theo văn hóa công ty.”, Ông Long chia sẻ.

(Trường PACE)

Tin tức liên quan

Trang trên 71