Thuế Thu nhập doanh nghiệp đang trở thành mối quan tâm chiến lược trong hoạt động tài chính của nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam. Từ việc xác lập chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp chuyển đổi số, đến những động thái siết chặt kiểm tra chống chuyển giá, hệ thống thuế Việt Nam đang vận hành theo hướng tăng cường công bằng và hiệu quả. Điều này đặt ra thách thức về năng lực nội tại trong hoạch định thuế, đồng thời mở ra cơ hội cho những doanh nghiệp biết tận dụng chính sách để tối ưu mô hình kinh doanh.
Thuế thu nhập doanh nghiệp là gì?
Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) là loại thuế trực thu đánh vào phần thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp, sau khi đã trừ đi các khoản chi phí hợp lý, hợp lệ liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật. Thuế này được thu nộp theo kỳ kế toán năm và là một trong những nghĩa vụ tài chính quan trọng mà doanh nghiệp cần tuân thủ đầy đủ nhằm đảm bảo tính minh bạch và pháp lý trong quá trình hoạt động.
Trong những năm gần đây, hệ thống thuế TNDN tại Việt Nam đã có nhiều thay đổi đáng chú ý để thích ứng với bối cảnh hội nhập và yêu cầu cải cách hành chính thuế. Nổi bật là việc áp dụng hóa đơn điện tử bắt buộc, tăng cường kiểm tra giao dịch liên kết và ngăn ngừa hành vi chuyển giá. Ngoài ra, các chính sách ưu đãi thuế theo ngành nghề, địa bàn, lĩnh vực công nghệ cao,.. cũng phản ánh định hướng sử dụng thuế như một công cụ thúc đẩy đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh và thu hút đầu tư có chọn lọc.
Với tốc độ phát triển của nền kinh tế số và cam kết thực hiện các chuẩn mực thuế toàn cầu, thuế TNDN không còn là vấn đề kỹ thuật kế toán, mà đang trở thành yếu tố chiến lược cần được các doanh nghiệp chủ động hoạch định từ sớm.
Thuế TNDN là khoản thuế trực thu được tính dựa trên phần thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp
Vai trò của thuế thu nhập doanh nghiệp
- Nguồn thu quan trọng cho Ngân sách Nhà nước
- Công cụ điều tiết vĩ mô nền kinh tế
- Góp phần đảm bảo công bằng xã hội và phân phối lại thu nhập
- Khuyến khích doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và minh bạch
- Góp phần xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh hấp dẫn
Thuế thu nhập doanh nghiệp là công cụ điều tiết quan trọng của nhà nước, góp phần phân phối lại thu nhập trong xã hội và tạo ra nguồn ngân sách ổn định để phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Nguồn thu quan trọng cho Ngân sách Nhà nước
Đây là vai trò cơ bản và trực tiếp nhất của thuế TNDN. Khoản thu từ thuế TNDN là một nguồn tài chính đáng kể, đóng góp vào tổng thu ngân sách nhà nước. Sau đó, được Nhà nước sử dụng để chi tiêu cho các hoạt động công cộng như đầu tư vào cơ sở hạ tầng (đường sá, cầu cống, điện, nước), giáo dục, y tế, an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác.
Trong nhiều quốc gia, thuế TNDN là sắc thuế có quy mô động viên ngân sách đứng thứ hai, sau thuế giá trị gia tăng (VAT) hoặc thuế thu nhập cá nhân (TNCN).
Công cụ điều tiết vĩ mô nền kinh tế
Nhà nước có thể sử dụng chính sách thuế TNDN để khuyến khích hoặc hạn chế đầu tư vào các ngành nghề, lĩnh vực hoặc khu vực địa lý cụ thể. Ví dụ, việc áp dụng các ưu đãi thuế (miễn giảm thuế, thuế suất ưu đãi) cho các ngành công nghệ cao, nông nghiệp, hoặc các vùng kinh tế khó khăn sẽ thu hút doanh nghiệp đầu tư vào đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo định hướng của Nhà nước.
Trong những giai đoạn kinh tế khó khăn, Nhà nước có thể ban hành các chính sách giảm thuế TNDN để hỗ trợ doanh nghiệp, kích thích sản xuất kinh doanh, giữ vững việc làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ngược lại, khi kinh tế phát triển nóng, thuế TNDN có thể được điều chỉnh để hạn chế lạm phát, ổn định thị trường.
Góp phần đảm bảo công bằng xã hội và phân phối lại thu nhập
Là một loại thuế trực thu, đánh vào lợi nhuận của doanh nghiệp, vì vậy, các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, tạo ra nhiều lợi nhuận sẽ đóng góp nhiều thuế hơn, qua đó góp phần phân phối lại một phần lợi nhuận đó cho xã hội thông qua các hoạt động chi tiêu của Nhà nước.
Mặc dù không trực tiếp điều tiết thu nhập cá nhân, nhưng việc thu thuế TNDN góp phần giảm bớt sự chênh lệch giàu nghèo trong xã hội bằng cách sử dụng nguồn thu đó để hỗ trợ các đối tượng yếu thế, đầu tư vào phúc lợi xã hội.
Khuyến khích doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và minh bạch
Việc nộp thuế TNDN đòi hỏi doanh nghiệp phải quản lý tài chính một cách minh bạch, rõ ràng, ghi chép đầy đủ các khoản thu chi. Điều này khuyến khích doanh nghiệp nâng cao hiệu quả quản lý, tối ưu hóa lợi nhuận và phát triển bền vững. Vì vậy, đây được xem là một công cụ đánh giá mức độ hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp có lợi nhuận cao hơn sẽ có mức đóng thuế cao hơn, cho thấy hiệu quả kinh doanh tốt.
Góp phần xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh hấp dẫn
Một hệ thống thuế thu nhập doanh nghiệp được thiết kế minh bạch, ổn định và có tính cạnh tranh cao là nền tảng quan trọng để thu hút dòng vốn đầu tư cả trong nước lẫn quốc tế. Chính sách ưu đãi thuế được xây dựng hợp lý sẽ trở thành yếu tố chiến lược giúp doanh nghiệp cân nhắc và lựa chọn địa điểm đầu tư phù hợp. Đồng thời, việc loại bỏ các yếu tố phân biệt trong chính sách thuế giữa các loại hình doanh nghiệp hay khu vực kinh tế – như đã được quy định trong các Luật thuế TNDN hiện hành – góp phần định hình một môi trường kinh doanh công bằng, tạo động lực cạnh tranh lành mạnh và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực xã hội.
Thuế TNDN giúp đảm bảo công bằng rút ngắn khoảng cách giữa giàu nghèo trong xã hội
Đối tượng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp mới nhất 2025
Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) năm 2025 đã được Quốc hội thông qua vào ngày 14/06/2025 và sẽ chính thức có hiệu lực kể từ ngày 01/10/2025. Các quy định trong luật này sẽ được áp dụng cho kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2025.
Về cơ bản, quy định liên quan đến đối tượng nộp thuế TNDN vẫn được giữ ổn định, kế thừa các nguyên tắc nền tảng từ trước. Theo đó, trong năm 2025, người nộp thuế TNDN tiếp tục tuân thủ theo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp số 14/2008/QH12, đã được sửa đổi và bổ sung bởi Nghị quyết số 51/2010/QH12.
Theo đó, đối tượng nộp thuế hay người nộp thuế TNDN được quy định cụ thể tại Điều 2 của bộ luật này như sau:
1. Người nộp thuế là các tổ chức có hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ phát sinh thu nhập chịu thuế (gọi là doanh nghiệp), bao gồm:
a) Doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam;
b) Doanh nghiệp thành lập theo pháp luật nước ngoài (gọi tắt là doanh nghiệp nước ngoài), có hoặc không có cơ sở thường trú tại Việt Nam;
c) Các tổ chức được thành lập theo Luật Hợp tác xã;
d) Các đơn vị sự nghiệp được thành lập theo quy định pháp luật Việt Nam;
đ) Các tổ chức khác có hoạt động kinh doanh, sản xuất phát sinh thu nhập chịu thuế.
2. Doanh nghiệp có thu nhập chịu thuế theo quy định tại Điều 3 của Luật này phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp như sau:
a) Doanh nghiệp thành lập theo pháp luật Việt Nam phải nộp thuế đối với toàn bộ thu nhập chịu thuế phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam;
b) Doanh nghiệp nước ngoài có cơ sở thường trú tại Việt Nam phải nộp thuế đối với thu nhập phát sinh tại Việt Nam và cả thu nhập từ nước ngoài có liên quan đến hoạt động của cơ sở thường trú này;
c) Doanh nghiệp nước ngoài có cơ sở thường trú tại Việt Nam cũng phải nộp thuế với phần thu nhập phát sinh tại Việt Nam mà không liên quan đến hoạt động của cơ sở thường trú;
d) Doanh nghiệp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam chỉ nộp thuế đối với phần thu nhập chịu thuế phát sinh trong lãnh thổ Việt Nam.
3. Cơ sở thường trú là địa điểm sản xuất, kinh doanh thông qua đó doanh nghiệp nước ngoài thực hiện một phần hoặc toàn bộ hoạt động tạo ra thu nhập tại Việt Nam. Bao gồm:
a) Các chi nhánh, văn phòng điều hành, nhà máy, công xưởng, phương tiện vận tải, mỏ khai thác (như dầu khí, khoáng sản,...) hoặc địa điểm khai thác tài nguyên khác tại Việt Nam;
b) Công trình xây dựng, lắp đặt hoặc địa điểm xây dựng kéo dài;
c) Cơ sở cung cấp dịch vụ (kể cả dịch vụ tư vấn) thông qua nhân sự tại chỗ hoặc bên thứ ba;
d) Đại lý hoạt động thay mặt cho doanh nghiệp nước ngoài;
đ) Văn phòng đại diện hoặc cá nhân đại diện tại Việt Nam có quyền ký hợp đồng hoặc thường xuyên thực hiện việc giao hàng, cung ứng dịch vụ thay mặt doanh nghiệp nước ngoài, dù không có quyền ký hợp đồng.
Các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh, sản xuất hàng hóa/ dịch vụ trên lãnh thổ Việt Nam đều cần phải đóng thuế TNDN
Cách tính thuế thu nhập doanh nghiệp
Căn cứ theo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp số 14/2008/QH12, đã được sửa đổi và bổ sung bởi Nghị quyết số 51/2010/QH12. Cách tính thuế TNDN được quy định cụ thể như sau:
Công thức tính thuế thu nhập doanh nghiệp
Theo điều 6 của bộ Luật này, công thức tính thuế TNDN được xác định dựa theo thu nhập tính thuế và thuế suất:
Thuế TNDN = Thu nhập doanh nghiệp x thuế suất |
Cách xác định thu nhập tính thuế TNDN
Cũng căn cứ theo bộ Luật này, thu nhập tính thuế được xác định theo nguyên tắc sau:
1. Thu nhập tính thuế trong kỳ được xác định bằng cách lấy thu nhập chịu thuế trừ đi thu nhập được miễn thuế và các khoản lỗ được phép kết chuyển từ các năm trước theo quy định.
2. Thu nhập chịu thuế là phần chênh lệch giữa doanh thu và các khoản chi phí được trừ liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, cộng với các khoản thu nhập khác (bao gồm cả thu nhập phát sinh ngoài lãnh thổ Việt Nam).
3. Thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản phải được hạch toán riêng và kê khai nộp thuế tách biệt với các khoản thu nhập khác.
Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp
Căn cứ theo quy định tại Điều 10, Điều 13 và Điều 14 của Luật Thuế Thu nhập Doanh nghiệp năm 2008 (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Điều 1 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế Thu nhập Doanh nghiệp năm 2013), kết hợp cùng hướng dẫn chi tiết tại Điều 10 Nghị định số 218/2013/NĐ-CP, mức thuế suất thuế TNDN áp dụng trong năm 2025 được quy định như sau:
Mức Thuế Suất |
Đối tượng / Trường hợp áp dụng |
20% |
Tất cả doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa/dịch vụ được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam. |
32% – 50% |
Các hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu, khí và những tài nguyên quý hiếm khác tại Việt nam |
50% |
Các hoạt động tìm kiếm, thăm dò và khai thác nguyên quý hiếm đối với các mỏ bạch kim, vàng, bạc, thiếc, antimon, vonfram, đá quý và đất hiếm. |
40% |
Các hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác nguyên quý hiếm đối với các mỏ có từ 70% diện tích được giao trở lên ở địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn thuộc danh mục địa bàn ưu đãi thuế TNDN. |
10% |
Trong vòng 15 năm, cho các trường hợp: + Dự án đầu tư mới tại các khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, trong khu kinh tế hoặc khu công nghệ cao. + Dự án đầu tư mới thuộc các lĩnh vực ưu tiên như: nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, bảo vệ môi trường,... + Thu nhập của doanh nghiệp công nghệ cao hoặc doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. + Dự án đầu tư sản xuất sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển và đáp ứng điều kiện đặc thù. + Dự án sản xuất quy mô lớn, không thuộc ngành nghề chịu thuế tiêu thụ đặc biệt hoặc khai thác khoáng sản, có tổng vốn đầu tư từ 12.000 tỷ đồng trở lên. |
10% |
+ Thu nhập từ hoạt động xã hội hóa trong các lĩnh vực: giáo dục – đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao và bảo vệ môi trường. + Dự án đầu tư – kinh doanh nhà ở xã hội để bán, cho thuê hoặc cho thuê mua, áp dụng đối với các đối tượng quy định tại Điều 53 của Luật Nhà ở năm 2023. + Thu nhập của cơ quan báo chí từ hoạt động báo in (bao gồm cả doanh thu từ quảng cáo trên báo in) và thu nhập của cơ quan xuất bản từ hoạt động xuất bản. + Thu nhập của doanh nghiệp từ các hoạt động: trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng; nuôi trồng, chế biến nông sản và thủy sản tại các địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn. + Hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư, diêm nghiệp, kể cả khi không nằm trong địa bàn thuộc diện ưu đãi (tức không thuộc vùng khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn). |
17% |
Trong thời hạn 10 năm cho các loại dự án: + Dự án đầu tư mới tại địa bàn có điều kiện khó khăn. + Dự án đầu tư mới, bao gồm: sản xuất thép cao cấp; sản xuất sản phẩm tiết kiệm năng lượng; sản xuất máy móc, thiết bị phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp; sản xuất thiết bị tưới tiêu… |
15% |
Doanh nghiệp trồng trọt, chăn nuôi, chế biến nông - thủy sản tại vùng không ưu đãi |
17% |
Quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô |
Các loại thu nhập được miễn thuế TNDN 2025
Căn cứ theo Điều 4 Nghị quyết số 14/2008/QH12, các doanh nghiệp có những nguồn thu nhập sau thì được miễn thuế:
- Thu nhập từ trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi của tổ chức được thành lập theo Luật hợp tác xã.
- Thu nhập từ việc thực hiện các dịch vụ kỹ thuật trực tiếp phục vụ nông nghiệp.
- Thu nhập từ việc thực hiện hợp đồng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, sản phẩm đang trong thời kỳ sản xuất thử nghiệm, sản phẩm làm ra từ công nghệ mới lần đầu áp dụng tại Việt Nam.
- Thu nhập từ hoạt động hỗ trợ các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa/ dịch vụ của doanh nghiệp được thành lập dành riêng cho người tàn tật, người sau cai nghiện, người nhiễm HIV. Chính phủ quy định tiêu chí, điều kiện xác định doanh nghiệp dành riêng cho lao động là người tàn tật, người sau cai nghiện, người nhiễm HIV.
- Thu nhập từ hoạt động dạy nghề dành riêng cho người dân tộc thiểu số, trẻ em, người tàn tật có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn hoặc đối tượng tệ nạn xã hội.
- Thu nhập được chia từ hoạt động góp vốn, liên kết, liên doanh với doanh nghiệp trong nước, sau khi đã nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của Luật này.
- Khoản tài trợ nhận được để sử dụng cho hoạt động nghiên cứu khoa học, giáo dục, văn hóa, nghệ thuật, từ thiện, nhân đạo và hoạt động xã hội khác tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, nhằm thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân và tạo điều kiện cho doanh nghiệp thích ứng linh hoạt với bối cảnh kinh tế thị trường, Nghị quyết số 198/2025/QH15 Điều 10 đã bổ sung và ban hành các chính sách miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp áp dụng trong năm 2025, cụ thể như sau:
- Miễn thuế trong 2 năm đầu và giảm 50% thuế trong 4 năm tiếp theo đối với thu nhập từ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, bao gồm: Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, công ty quản lý quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, các tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo. Việc xác định thời điểm bắt đầu và thời hạn miễn, giảm thuế thực hiện theo các quy định cụ thể của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.
- Miễn thuế đối với thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng liên quan đến doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, bao gồm: Chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp, Chuyển nhượng quyền góp vốn hoặc quyền mua cổ phần, phần vốn góp.
- Miễn thuế trong 3 năm liên tiếp đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, tính từ thời điểm được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu.
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ mới thành lập được áp dụng chính sách miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp
Những lưu ý khi nộp thuế thu nhập doanh nghiệp
Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế TNDN
Căn cứ tại Khoản 2 Điều 44 của Luật Quản lý thuế 2019 quy định về thời hạn quyết toán thuế TNDN như sau:
a) Chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 3 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính đối với hồ sơ quyết toán thuế năm; chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng đầu tiên của năm dương lịch hoặc năm tài chính đối với hồ sơ khai thuế năm;
b) Chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 4 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch đối với hồ sơ quyết toán thuế thu nhập cá nhân của cá nhân trực tiếp quyết toán thuế;
c) Chậm nhất là ngày 15 tháng 12 của năm trước liền kề đối với hồ sơ khai thuế khoán của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán; trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh mới kinh doanh thì thời hạn nộp hồ sơ khai thuế khoán chậm nhất là 10 ngày kể từ ngày bắt đầu kinh doanh.
Nộp hồ sơ khai thuế thu nhập doanh nghiệp ở đâu?
Căn cứ theo quy định tại Điều 12 Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp 2008, doanh nghiệp thực hiện nộp hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế nơi đặt trụ sở chính.
Trường hợp doanh nghiệp có cơ sở sản xuất hạch toán phụ thuộc đặt tại tỉnh hoặc thành phố trực thuộc trung ương khác với địa bàn trụ sở chính, thì số thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ được phân bổ theo tỷ lệ chi phí phát sinh giữa các địa điểm đó.
Việc quản lý, phân bổ và sử dụng nguồn thu từ thuế được thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước hiện hành.
Trong dòng chảy vận hành của doanh nghiệp, việc hiểu và chủ động trong chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp chính là một phần của tư duy quản trị bền vững. Khi nhìn nhận thuế như một yếu tố chiến lược, nhà lãnh đạo có thêm công cụ để hoạch định tài chính và nâng cao năng lực cạnh tranh dài hạn.