PACE TALK “A CAN-DO SPIRIT IN A CAN’T-DO TIME”: KIẾN TẠO TINH THẦN CÓ THỂ TRONG THỜI KHÔNG THỂ

Giữa tình thế đầy chật vật và khó khăn hiện tại, chỉ những nhà lãnh đạo có đủ bản lĩnh & tầm nhìn, mang trong mình “tinh thần có thể” mới có có thể lật ngược tình thế, biến điều “không thể” thành điều “có thể”, từ đó truyền cảm hứng cho tất cả nhân viên và đưa doanh nghiệp của mình không những sống sót qua thời đại dịch, mà còn sống tốt & sống khoẻ khi phục hồi.

Thấu hiểu và đồng cảm với những khó khăn của các nhà lãnh đạo và các doanh nghiệp, Học viện Quản lý PACE tiếp tục tổ chức chuỗi talkshow trực tuyến mang tên “PACE Talk” với chủ đề kỳ này là: “A CAN-DO Spirit in a CAN’T-DO Time / Tinh thần “CÓ THỂ” trong thời “KHÔNG THỂ” vào ngày 01/07/2021 vừa qua để đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp.

Buổi talkshow trực tuyến nhận được sự tham gia và theo dõi của đông đảo cộng đồng doanh nghiệp với gần 15.000 lượt xem trên Livestream từ Zoom, Facebook và Youtube.

VỀ “THỜI KHÔNG THỂ” VÀ “TINH THẦN CÓ THỂ

“Thời không thể” là thời gì?

“Thời không thể” miêu tả một tình thế hoang mang và bất lực của con người trước một thế giới biến động chóng mặt & khôn lường, mọi giá trị đều bị thách thức, nhiều chuẩn bị bị đảo lộn và nhiều niềm tin bị đổ vỡ. Trong bối cảnh hiện tại, “Thời không thể” lại tiếp tục là hệ quả của việc khủng hoảng chồng khủng hoảng, và sự kéo dài của đại dịch là nguồn cơn của những tác động toàn diện đó.

TS. Giản Tư Trung nhận định rằng, “Thời không thể” như một cuộc thanh lọc nghiệt ngã, nếu không vượt qua được thì sẽ tan biến ngay lập tức, nhưng nếu doanh nghiệp nào vượt qua được thì sẽ mạnh mẽ và bền vững hơn rất nhiều. Nói cách khác, “Thời không thể” là một phép cho mọi cá nhân, mọi doanh nghiệp trong mọi cấp độ xã hội. Do đó, để thích ứng tốt với sự thay đổi diễn ra liên tục và không có hồi kết này, chúng ta cần phải luôn sẵn sàng tinh thần “CAN-DO / Có-thể” cho một bối cảnh mới tiếp theo.

PACE Talk kỳ này với diễn giả chính là Tiến sĩ Giản Tư Trung
với những góc nhìn về “Tinh thần có thể” giữa “Thời không thể”

“Tinh thần có thể” là gì?

“Tinh thần có thể” thực chất là tinh thần dám chấp nhận cái mới, hay dám đương đầu với những thử thách, hay dám dấn thân cho lý tưởng - TS. Giản Tư Trung.

Và trong mỗi bối cảnh khác nhau, “tinh thần có thể” sẽ mang đến những khả năng khác khau. Đó có thể là khả năng “biến nguy thành cơ”, là khả năng biến điều không thể thành có thể, biến điều có thể thành điều chắc chắn!

Thu hẹp lại trong bối cảnh đầy biến cố như hiện tại, thì “tinh thần có thể” cũng chính là sự kiên cường, là tinh thần “chiến binh”, là tinh thần “bất chấp tai ương”.

CÁCH KIẾN TẠO “TINH THẦN CÓ THỂ” & “VĂN HOÁ CÓ THỂ”

“Tinh thần có thể” không chỉ giúp chúng ta vượt qua khó khăn mà còn có thể bứt phá từ biến cố và mở ra những vận hội chưa từng có.

Khủng hoảng như một phép thử, đặt ra bài toán thách thức về tầm nhìn, nội lực và bản lĩnh của những nhà lãnh đạo doanh nghiệp. Nếu hội tụ đủ những yếu tố đó, thì mọi biến cố chỉ là phép thử, sẽ luôn có cách để hoá giải. Bỡi lẽ, nếu biến cố không thể làm chúng ta gục ngã sẽ làm cho ta mạnh mẽ hơn rất nhiều!

Diễn giả nhấn mạnh, lý do khiến con người người ta bỏ cuộc là vì họ có niềm tin CAN’T-DO (không thể); và họ có niềm tin CAN’T-DO vì họ từng trải qua những trải nghiệm tiêu cực trong quá khứ. Đây là quá trình đã được chứng minh và giải thích bằng một Mô hình tâm lý nổi tiếng của nhà tâm lý học và nhà trị liệu tâm lý lỗi lạc Albert Ellis.

Mô hình ABC của Albert Ellis

Mô hình ABC cơ bản là một khuôn khổ giả định niềm tin của một cá nhân về một sự kiện cụ thể sẽ ảnh hưởng đến cách họ phản ứng với sự kiện đó.

Cách chuyển từ trạng thái CAN’T-DO (không thể) sang trạng thái CAN-DO (có thể)

Dựa trên tiền đề của Mô hình ABC của Albert Ellis, Nhà tâm lý học Martin Seligman đã hiện thực hoá sự chuyển đổi trạng thái nói trên trong một mô hình, gọi là Mô hình ABCDE.

A – Adversity (Nghịch cảnh): Tình huống không mong muốn xảy ra là gì?

B – Beliefs (Niềm tin): Niềm tin tiêu cực được tích hoạt là gì?

C –Consequences (Hệ quả): Hệ quả của niềm tin tiêu cực trên là gì?

D – Disputations (Ngẫm lại): Nhìn nhận lại vấn đề và niềm tin của mình.

E – Energization (năng lượng): Năng lượng tích cực sinh ra từ sự nhìn nhận lại đó.

Trong đó, A-B-C chính là nguyên gây ra CAN’T-DO, và D-E là giải pháp chuyển hoá CAN’T-DO thành CAN-DO.

Đây là một quá trình liên tục mà bất kỳ ai cũng có thể gặp phải thường xuyên. Khi cảm thấy mình phải đối mặt với một thách thức hay biến cố, hãy cố gắng xác định niềm tin bi quan và những suy nghĩ tiêu cực của mình. Quá trình này sẽ giúp thay thế những suy nghĩ tiêu cực và tiếp cận những thách thức với sự lạc quan hơn, từ đó sẽ dễ dàng hình thành “tinh thần có thể”.

Nhà lãnh đạo có thể truyền cảm hứng “tinh thần có thể” cho đội ngũ và tổ chức

TS. Giản Tư Trung chia sẻ: “Tài nguyên lớn nhất của một tổ chức là lãnh đạo, tài nguyên lớn thứ nhì là đội ngũ, sau đó mới nói đến những tài nguyên khác”.

Trong giai đoạn căng thẳng và nhạy cảm, lãnh đạo là người có vai trò giữ vững sự cân bằng trong tổ chức, tuy nhiên việc giữ niềm tin và “tinh thần có thể” cho riêng lãnh đạo doanh nghiệp là chưa đủ. Niềm tin và “tinh thần có thể” này cần phải được lan toả và truyền cảm hứng mạnh mẽ cho cả đội ngũ nhân viên, họ mới chính là lực lượng hùng mạnh giúp tổ chức/ doanh nghiệp bền vững và phát triển kiên cố hơn nữa trong và sau biến cố.

Để làm được điều này, diễn giả đề cao sự tin tưởng và kỳ vọng của cấp lãnh đạo đối với giá trị và tiềm năng của từng nhân viên. Chỉ có niềm tin, sự hào phóng và hướng dẫn tận tình mới có thể tạo động lực thúc đẩy nhân viên phát triển hơn sự mong đợi của mình.

Hình thành “văn hoá có thể” cho đội ngũ và doanh nghiệp

“Văn hoá có thể” là tinh thần đội ngũ cùng nhau làm, cùng nhau có niềm tin vào chiến thắng và cùng nhau tạo ra kết quả tuyệt vời. Điều kiện tiên quyết để hình thành “văn hoá có thể” chính là phải loại bỏ 2 chữ “ Can’t-Do / Không-thể” ra khỏi từ điển của tổ chức.

Khi hầu hết nhân viên có “tinh thần Can-Do”  thì đó là lúc doanh nghiệp có “văn hoá Can-Do” và trở thành doanh nghiệp “Can-Do”. Do vậy cách tốt nhất để xây dựng “văn hoá Can-Do” đó là “Can-Do Leaders” giúp hình thành “tinh thần Can-Do” cho mỗi nhân viên trong tổ chức của mình.

“Nếu tin rằng mình có thể thì mới có cơ may tìm ra giải pháp, còn nếu tin rằng mình không thể thì chắc chắc không có giải pháp nào cả!” – TS. Giản Tư Trung

KHÔNG GIAN TRUYỀN CẢM HỨNG ĐỂ KIẾN TẠO “ĐỘI NGŨ CAN-DO” VÀ “DOANH NGHIỆP CAN-DO”

Ngoài việc chia sẻ những góc nhìn và tạo động lực cho doanh nghiệp trong thời thách thức, buổi talkshow còn là một không gian để cộng đồng doanh nghiệp cùng chia sẻ những câu chuyện thực tế của đội ngũ và doanh nghiệp mình trong “thời không thể”, để từ đó truyền lửa cho nhau trên hành trình kiến tạo những “Đội ngũ Can-Do” và “Doanh nghiệp Can-Do”.

Diễn giả lắng nghe và sẻ chia với những tâm tư
của cộng đồng doanh nghiệp giữa thách thức

Tin rằng, PACE Talk kỳ này đã gợi mở những góc nhìn có giá trị và đầy cảm hứng để các doanh nghiệp khởi đầu hành trình kiến tạo những đội ngũ vững chãi giữa thách thức nhờ tận dụng sức mạnh tinh thần mạnh mẽ và sức sáng tạo không giới hạn!

Tin tức liên quan

Trang trên 71