Ai trả giá cho công cuộc giải cứu ngân hàng?

Trong công cuộc giải cứu nợ xấu ngân hàng, giải pháp Bail-out theo truyền thống là giúp các con nợ của ngân hàng hạnh phúc, giải pháp mới Bail-in là kéo các chủ nợ của ngân hàng vào vòng bất hạnh.

Từ mấy năm qua các nhà kinh tế, các nhà hoạch định chính sách, giới ngân hàng và dư luận xã hội đã tốn rất nhiều hơi sức và giấy mực để nói về chuyện giải cứu nợ xấu, được coi là cục máu đông trong hệ thống lưu thông tiền tệở nước ta. Tuy nhiên trong khi các doanh nghiệp cứ chết dần chết mòn chờ giải pháp, thì cuộc thảo luận giữa những nhà làm chính sách lẫn các chuyên gia dường như vẫn còn tắc ở một điểm nhạy cảm: tại sao lại dùng tiền thuế của dân để cứu nguy ngân hàng.

Đến nay có một điểm cũng cần làm rõ: vậy ai sẽ trả giá cho công cuộc giải cứu ngân hàng? Liệu kinh nghiệm ở nước ngoài có giúp chúng ta tìm một giải pháp giải quyết vấn đề hay không.

Ngân hàng là ai?

Câu hỏi dường như ngô nghê! Ngoại trừ vài ngân hàng thương mại nhà nước, đương nhiên ngân hàng thuộc về các chủ ngân hàng, nghĩa là thuộc về các cổ đông. Các cổ đông này dù là cá nhân, doanh nghiệp, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp nước ngoài… đều phải chịu thiệt hại khi tiền cho vay biến thành nợ xấu, hay nợ khó đòi.

Điều này hoàn toàn công bằng trong luật chơi của doanh nghiệp: khi một doanh nghiệp thắng lớn, chủ nợ ngắn hạn được chia một mức cố định là tiền lãi, chính phủ được chia phần tỷ lệ với lợi nhuận, và toàn bộ phần còn lại (thường là phần lớn nhất) thuộc về cổ đông. Ngược lại, khi doanh nghiệp thua lỗ, chủ nợ vẫn nhận phần cố định, chính phủ không nhận được gì, còn cổ đông mất phần vốn của mình. Nếu doanh nghiệp thua lỗ nặng nề, thậm chí chủ nợ cũng có thể mất phần của mình.

Trong câu chuyện ngân hàng thì có một chút khác biệt.

Các cổ đông góp vào ngân hàng bao nhiêu vốn? Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng trên thế giới có quy định về tỷ lệ vốn tối thiểu so với tổng tài sản ngân hàng (CAR). Ở đây không cần thảo luận về chi tiết kỹ thuật của quy định này, chỉ biết là vốn mà các ông chủ góp vào ngân hàng thường chỉ chiếm 5% – 10% tổng tài sản ngân hàng. Phần 95% còn lại là vốn ngân hàng đi vay vào để rồi cho vay ra. Câu chuyện nghe có vẻ như mượn đầu heo nấu cháo, nhưng thực tế là như vậy, trên khắp thế giới này.

Tuy các ông chủ chỉ góp 5% vốn nhưng lại nắm quyền quyết định cho cả 100% khối tài sản. Nếu ngân hàng có nguy cơ mất 5% tổng tài sản, nghĩa là mất toàn bộ vốn cổ đông, lúc đó các ông chủ sẽ sẵn sàng chơi trò rủi ro: nếu thắng thì cổ đông được, nếu thua thì “ai đó” mất (vì cổ đông chẳng còn gì để mất.)

Thứ hai, các ông chủ có một niềm tin to lớn rằng chính phủ nào cũng nhận biết tổn thất to lớn cho nền kinh tế nếu để cho một ngân hàng đổ vỡ và lây lan ra cả hệ thống, rằng chính phủ chắc chắn sẽ phải giải cứu vì lợi ích của toàn bộ nền kinh tế. Tâm lý ỷ lại đó (moral hazard) đáng tiếc lại là có thật, cũng khắp nơi trên thế giới này.

Cách giải cứu truyền thống: Bail-out

Thuật ngữ Bail-out được ngành tài chính vay từ hàng hải, đó là mọi người chung sức tát nước khỏi con thuyền để thuyền khỏi chìm, vì thuyền chìm thì tất cả cùng mất hết.

Tuy nhiên sau khi cứu được con thuyền, thì các bên vẫn phải phân định ai sẽ chịu phần thiệt hại lớn nhất.

Năm 2009 khi gói giải cứu của chính phủ Mỹ đã đi được quãng đường một năm, kinh tế gia Nouriel Roubini của Đại học New York đã tổng hợp bốn cách tiếp cận căn bản về giải cứu khủng hoảng hệ thống của các ngân hàng.

Thứ nhất, chính phủ cấp vốn và mua lại nợ xấu. Trong khoảng cuối năm 2008 và đầu năm 2009, Ngân hàng Bank of America đã nhận hơn 50 tỉ USD rót vốn của chính phủ. Ngay cuối năm 2009, ngân hàng này công bố hoàn trả đầy đủ cả gốc và lãi cho chính phủ. Điều gì xảy ra nếu không trả được? Một phần hay toàn bộ sở hữu ngân hàng có thể thuộc về chính phủ, các cổ đông mất một phần hay toàn bộ sở hữu. Chính phủ các nước châu Á cũng đã mua lại nợ xấu của ngân hàng để rồi bán lại khi khủng hoảng qua đi. Lo ngại ở đây là dân không tin chính phủ có thể định giá nợ xấu một cách đúng đắn, mà nếu định giá sai thì rất có khả năng phần thiệt rơi vào tiền của dân, hơn là rơi vào phía ngân hàng.

Thứ hai, chính phủ cấp vốn và bảo lãnh cho nợ xấu. Năm 2009, Chính phủ Mỹ cũng cấp khoản 118 tỉ USD bảo lãnh cho tài sản rủi ro của Ngân hàng Bank of America. Tất nhiên là ngân hàng phải trả phí bảo lãnh. Nếu dân không tin vào chính phủ, mối lo ngại trên lại hiện ra: điều gì xảy ra nếu chính phủ và ngân hàng định giá nợ xấu để phần thiệt thòi rơi vào ngân sách, tức là tiền của dân?

Thứ ba, chính phủ và khu vực tư nhân cùng tham gia mua lại nợ xấu. Giải pháp này dường như hóa giải được lo ngại của hai giải pháp trên khi người dân không tin tưởng chính phủ.

Nhưng khi quyền quyết định nằm ở phía ngân hàng thì vẫn xảy ra trở ngại: Ngân hàng Merrill bán nợ xấu cho Công ty Lone Star với giá 22%, trả ngay 11% và khi nào thu được nợ thì trả tiếp 11%. Cũng với khoản nợ tương tự, Ngân hàng Citi đòi đến 60% (với niềm tin là chính phủ sẽ phải bảo lãnh). Nếu chính phủ chiều theo Citi, đó sẽ là khoản thiệt hại lớn cho tiền của dân.

Cách tiếp cận thứ tư, giáo sư Nouriel Roubini đề xuất là chính phủ thẳng thừng quốc hữu hóa những ngân hàng yếu kém. Đây là điều Thụy Điển đã làm. Sau khi quốc hữu hóa, xẻ ngân hàng thành các miếng nhỏ để bán cho các ngân hàng khác, tiền thu được sẽ trả cho cổ đông ngân hàng bị quốc hữu hóa, tất nhiên sau khi trừ các chi phí.
Dù là cách tiếp cận nào thì người chịu thiệt hại lớn nhất vẫn là cổ đông. Quyền sở hữu có thể mất một phần hay mất toàn bộ. Có những khoản tài sản có thể bị mất đến 90% như trường hợp của Merrill. Cổ phiếu có thể lao dốc hay mất thanh khoản khi thị trường mất niềm tin.

Câu hỏi đặt ra là: Có nên để cổ đông mất hết? Điều gì xảy ra nếu cổ đông mất hết mà vẫn không cứu được?

Cách tiếp cận mới: Bail-in

Thuật ngữ Bail-out có gốc là tát nước cứu thuyền khỏi chìm. Thuật ngữ Bail-in do tạp chí The Economist mới đưa ra năm 2010 lại chẳng có gốc nào, cũng chẳng có trong từ điển, đơn thuần là ngược lại với Bail-out.

Các giải pháp truyền thống nói trên là Bail-out, hướng đến cứu giúp “con nợ” của ngân hàng, cho họ hoãn trả nợ, hoãn tịch biên tài sản, để họ có khả năng tồn tại và trả nợ sau. Đây là giải pháp giúp các con nợ hạnh phúc.

Ngược lại, Bail-in là kéo các “chủ nợ” vào vòng bất hạnh. Khi đảo quốc Síp bị khủng hoảng nợ, tất cả các chủ nợ nắm trái phiếu trị giá trên 100.000 euro bị buộc phải cắt giảm một phần nợ.

Tháng 9-2014 vừa qua, Cơ quan quản lý ngân hàng Canada đã công bố kết quả cuộc kiểm tra sức khỏe của sáu ngân hàng quan trọng nhất nước này (cuộc kiểm tra lớn nhất từ thập niên 1980 đến nay). Kết luận đưa ra là khi một ngân hàng bị khủng hoảng, chắc chắn những người nắm giữ cổ phiếu sẽ chịu tổn thất cao nhất, nhưng điều đặc biệt là những người nắm giữ trái phiếu cũng không thể “vô can”. Họ cũng phải bị mất tiền.

Thứ nhất, đây là giải pháp để tránh tình huống cực đoan là các ông chủ mất hết. Bởi vì trước khi mất hết, rất có thể họ sẽ hành động rủi ro theo kiểu “đánh bạc bằng tiền của người khác”.

Thứ hai, các ông chủ quản lý (hoặc thuê người quản lý) ngân hàng một cách yếu kém thì phải bị tổn thất. Nhưng các chủ nợ đã mua trái phiếu của ngân hàng với số lượng lớn cũng bị trừng phạt, vì họ đã không đủ sáng suốt lựa chọn chỗ đầu tư, và vì họ đã tiếp tay cho ngân hàng gây ra hậu quả. Nhớ là các cổ đông chỉ góp 5% tổng tài sản, nếu không ai góp 95% còn lại thì khó có thể có thiệt hại quy mô lớn!

Lại nói về tiền của dân

Các cuộc giải cứu nợ xấu trên thế giới đều có ba điểm chung là nhanh – mạnh – và dùng tiền ngân sách (nghĩa là tiền của dân).

Chúng ta đã nói về nhanh và mạnh. Từ khi nợ xấu ở nước ta được công bố lần đầu tiên là năm 2011, thị trường đã mỏi mòn chờ giải pháp khai thông. Trong khi chờ thì bao nhiêu doanh nghiệp đã chết, và bao nhiêu doanh nghiệp đã kiệt sức, mất thị trường, để đến nay có rót tiền cũng không hấp thụ được?

Các giải pháp Bail-out và Bail-in đều đã được áp dụng trên thế giới để bảo đảm chủ sở hữu của các ngân hàng phải chịu thiệt hại và những người góp tiền theo chủ sở hữu cũng chia sẻ thiệt hại. Những thiệt hại này không thể chờ tự nguyện, mà phải có bàn tay của chính phủ.

Còn các khoản tiền chính phủ chi ra đều đã thu lại, sau khi cổ đông và chủ nợ chịu thiệt thì ngân sách có khi lời có khi lỗ. Chính phủ Mỹ đã thu những khoản lời khổng lồ nhờ bán lại tài sản ngân hàng (khi sóng gió khủng hoảng đã qua). Điều quan trọng là tổng thiệt hại xã hội ở mức thấp nhất.

Nhưng muốn thực hiện tất cả các điều trên thì dường như chúng ta thiếu một điều: có bao nhiêu người tin tưởng để chính phủ chi tiền ra trước? Thiếu niềm tin là đối mặt với mất tất cả.

Bùi Văn (Hiệu phó Trường doanh nhân PACE) - Theo doanhnhancuoituan

Bài viết được quan tâm

Bài viết mới nhất

Trang trên 319