Chuyên gia kinh tế Bùi Văn: Không việc gì phải bi quan

Sau thời kỳ khó khăn, kinh tế Việt Nam hiện đang tăng trưởng, dù còn chậm. Tuy nhiên, chúng ta phải có cái nhìn lạc quan với thị trường 90 triệu dân và nền kinh tế năng động, cùng với những giải pháp quyết liệt của Chính phủ - là nhận định của chuyên gia kinh tế Bùi Văn (Phó hiệu trưởng Trường Doanh nhân PACE).

Không nên kinh doanh theo kiểu “ăn xổi ở thì”

PV: Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới từ năm 2008 đến nay vẫn ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế Việt Nam (VN), hiện nay nền kinh tế của ta đang phục hồi. Có cảm giác nhà quản lý vẫn đang phân vân giữa giải cứu doanh nghiệp hay thắt chặt tiền tệ, còn quan điểm của ông?

Chuyên gia kinh tế Bùi Văn: Nền kinh tế Việt Nam đang đứng giữa hai sự lựa chọn, giữ lạm phát hay là cứu doanh nghiệp. Hai cái đó đi ngược nhau. Nếu VN siết tiền tệ thì rất nhiều doanh nghiệp điêu đứng, nếu nới lỏng tiền tệ thì lại đối mặt nguy cơ lạm phát. Ví như doanh nghiệp Thái Lan đi vay chỉ trả 6% lãi suất, trong khi doanh nghiệp VN phải trả lãi suất trên 10%, mình muốn giống như Thái Lan thì cần có nhiều tiền nhưng như thế thì nguy cơ lạm phát rất cao. Do đó, chúng ta cứ đắn đo mãi từ 2012 đến giờ, tôi nghĩ có thể đến năm 2015, chúng ta sẽ có chính sách giải cứu doanh nghiệp.

Ví như gói hỗ trợ 30.000 tỉ để cứu doanh nghiệp bất động sản. Chính sách là như thế nhưng quá trình thực hiện thì không phải vậy, rất khó giải ngân. Tuy nhiên, có tín hiệu tốt là VN không thể chần chừ được nữa, ngay trong chính sách vĩ mô. Chính phủ đã có chính sách bài bản, căn cơ chứ không phải là những giải pháp tình thế như xưa kia thấy lạm pháp nhích lên thì siết tiền lại; ngày mai thấy tăng trưởng có vẻ ảnh hưởng thì vội bơm tiền ra để kích cầu.

Chuyên gia kinh tế Bùi Văn

PV: Nhưng chúng ta cũng nhìn thấy một thực tế rằng, khủng hoảng kinh tế sàng lọc các doanh nghiệp kiểu “ăn xổi ở thì”, còn những doanh nghiệp có đầu tư bài bản, chiến lược kinh doanh tốt vẫn sống khỏe qua cơn khủng hoảng?

Chuyên gia kinh tế Bùi Văn: Đúng vậy, thời gian qua nhiều doanh nghiệp không qua nổi cơn khủng hoảng kinh tế, tôi cho đó là quá trình “thanh lọc cơ thể”. Vì đã có thời kỳ một bà nội trợ, một cậu sinh viên cũng đi đầu tư chứng khoán, bất động sản. Việt Nam đã trải qua một thời kỳ nhà nhà đầu tư bất động sản, người người đầu tư chứng khoán, đó là sự sai lệch của nền kinh tế. Muốn đầu tư chứng khoán và bất động sản một cách bài bản là phải có quỹ đầu tư, có chiến lược đầu tư, phương pháp đầu tư, thương hiệu đầu tư và nên để dòng tiền của mình cho các quỹ đầu tư quản lý hộ. Người ta nói rằng, có trên 90% dòng tiền đầu tư chứng khoán trên thế giới qua những quỹ đầu tư, quỹ lương hưu, quỹ bảo hiểm… đấy là những nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Còn ở VN trong giai đoạn trước 2008, ai cũng có thể chơi chứng khoán và bất động sản. Đó là đánh bạc chứ không phải là đầu tư đâu, nên mức độ rủi ro cực kỳ cao. Dù rằng, thị trường chứng khoán trên thế giới vẫn mang màu sắc đầu tư và màu sắc của rủi ro cờ bạc nhưng định hướng đầu tư chuyên nghiệp vẫn chiếm số đông. Thị trường chứng khoán và bất động sản VN đã qua giai đoạn “thanh lọc cơ thể”. Bây giờ còn lại những doanh nghiệp mạnh khỏe. Nhưng cũng đáng tiếc có không ít doanh nghiệp yếu chết, thay vì sáp nhập cho mạnh lên hay những doanh nghiệp khỏe mua lại những doanh nghiệp yếu. Làm như vậy thì ít tổn thất cho nền kinh tế hơn.

PV: Tuy nhiên, sau cơn khủng hoảng kinh tế kéo dài thì đa số vẫn nhìn nền kinh tế VN một cách bi quan, trong khi Nhà nước cố gắng ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát có hiệu quả?

Chuyên gia kinh tế Bùi Văn: Mình không nên quá bi quan vì VN là thị trường lớn với 90 triệu dân. Vị thế của VN cho phép chúng ta có tốc độ tăng trưởng thuộc hàng nhanh trên thế giới. Sức sống nền kinh tế VN, các doanh nghiệp VN tốt hơn nhiều so với những nền kinh tế khác trên thế giới có cùng trình độ với mình. Khi tôi nhìn sang Lào, châu Phi hay một số vùng của Ấn Độ, họ nghèo nhưng họ rất thoải mái với cái nghèo đó. Họ rất cam phận và không có động lực phấn đấu. Nhưng người dân mình thì ngược lại, nghèo thì cố gắng mọi sức để vươn lên. Chính điều đó tạo động lực cho xã hội phát triển. Doanh nghiệp VN sức sống rất tốt. Nếu doanh nghiệp ở Lào, Ấn Độ mà trải qua khủng hoảng kinh tế như VN vừa rồi tôi nghĩ có lẽ phá sản sạch. Chúng ta thấy rằng từ năm 2013 đến nay có những động thái rất quyết liệt của Chính phủ, khai thông ý chí chính trị, khai thông lộ trình, giải quyết những bế tắc để tái cơ cấu nền kinh tế. Tất nhiên còn nhiều rào cản và các yếu tố kỹ thuật khác, tuy nhiên, quan trọng là chúng ta đã khai thông được ý chí chính trị.

PV: Sau đợt thanh lọc này, những doanh nghiệp đang khỏe làm gì để tiếp tục khỏe và mạnh hơn?

Chuyên gia kinh tế Bùi Văn: Nền kinh tế chúng ta đã có một thời kỳ rất dễ dãi, không biết gì kinh doanh cũng có lãi, mua bất cứ thứ gì bán lại cũng có lãi, đầu tư bất cứ thứ gì cũng thành công. Hiện nay nhiều doanh nghiệp đã nhìn ra điều này, đầu tư thắt chặt hơn, bài bản hơn, chiến lược tốt hơn. Ví như doanh nghiệp A muốn tạo ra lợi thế cạnh tranh thì phải có kiến thức, phải thuê chuyên gia tư vấn giỏi, thuê giám đốc giỏi chứ không làm kinh tế một cách cảm tính nữa. Tôi biết có nhiều vị tự hào tuyên bố: “Tôi có học hành gì đâu mà vẫn thành công”. Tự hào đó khá sai lầm. Để có một ông Bill Gates không học đại học thành công như thế có bao nhiêu ông Bill Gates thất bại. Cuộc khủng hoảng kinh tế của VN từ năm 2008 đã giúp chúng ta rút ra nhiều bài học xương máu. Và có nhiều chuyên gia kinh tế thế giới nói rằng, cái này trên thế giới xảy ra rồi, sao VN không nhìn thấy mà rút kinh nghiệm, lại cứ để xảy ra.

Hiện nay có hai xu hướng kinh doanh ở VN: Thứ nhất, doanh nghiệp thấy cái gì có lãi là nhảy vào ngay; Thứ hai, doanh nghiệp tập trung vào giá trị cốt lõi, lĩnh vực nào là mạnh để đầu tư phát triển. Có một thời, những anh đầu tư ra ngoài ngành thành công thì bảo là “năng động”. Đến khi hàng loạt doanh nghiệp đầu tư ngoài ngành chết thì bảo “phải tập trung vào cốt lõi”. Không có xu hướng nào là tuyệt đối đúng, quan trọng là bản thân mỗi doanh nghiệp phải nghiên cứu và có chiến lược kinh doanh phù hợp với sự phát triển của mình. Có những doanh nghiệp chấp nhận 80-90% đầu tư vào cốt lõi, còn 10-20% tìm kiếm cơ hội bên ngoài, tỷ lệ đó không có ai quy định cả.

PV: Truyền thông đang nói rất nhiều về việc doanh nghiệp VN chưa sản xuất nổi cái ốc vít cho Tập đoàn Samsung. Rồi nhiều người phê phán doanh nghiệp VN chỉ thích đầu tư trước mắt, ngắn hạn, kiếm lời nhanh.

Chuyên gia kinh tế Bùi Văn: Tôi nghĩ họ nói không thật đúng. Mình không làm được con ốc vít của Samsung nhưng mình sản xuất được đôi giày của Nike. Thương hiệu Nike trên thế giới không kém gì Samsung. Do đó làm được đôi giày cho Nike giá trị cũng không thua kém gì cái ốc vít của Samsung. Quan trọng hơn là Nike có hợp tác với VN để tạo ra đôi giày đó. Và Nike nhập cái mũi giày ở Ý, nhập cái hạt đệm ở những nước khác nhưng cuối cùng họ tin tưởng và giao cho doanh nghiệp VN làm đôi giày Nike.

Chúng ta đừng nhìn vấn đề một cách tiêu cực quá. Chúng ta ở cạnh một nước rất lớn đó là Trung Quốc. Chính Trung Quốc đã sản xuất con ốc vít cho Samsung cách đây gần 20 năm và nhà máy đó đã sản xuất cái ốc vít cho Apple, cho Nokia, cho Sony… Do đó họ có lợi thế về quy mô. Thứ hai, nếu doanh nghiệp VN đầu tư nhà máy sản xuất ốc vít cho Samsung nhưng lỡ ngày mai Samsung cắt hợp đồng thì sao. Phải làm sao để ngày mai Samsung cắt hợp đồng thì ta còn có hợp đồng với Apple, Nokia, Sony... Không phải ta không có khả năng làm con ốc mà vì do rủi ro còn cao về chính sách, về thị trường tiêu thụ nên lúc này vai trò của Chính phủ rất quan trọng. Nhà nước phải tạo cơ chế để giảm rủi ro cho doanh nghiệp. Chính phủ không thể đứng ra bảo hộ cho doanh nghiệp. Chính phủ chỉ tạo ra cơ chế, chính sách cho doanh nghiệp có thị trường thông thoáng để không chỉ có Samsung, mà còn có Nokia, Apple, Sony… hợp tác. Đồng thời, Chính phủ tạo môi trường thông thoáng để có công ty bảo hiểm cho doanh nghiệp khi có rủi ro, chứ Chính phủ không bảo hiểm cho doanh nghiệp… Do đó, câu chuyện truyền thông cứ phê phán các doanh nghiệp VN không sản xuất nổi cái ốc vít cho Samsung là hơi nông cạn.

Không được trói buộc doanh nghiệp Nhà nước!

PV: Mới đây, ông Takehiko Nakao - Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nói rằng: “Kinh tế tư nhân là động lực cho VN”, còn Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Jim Yong Kim nhận định: “VN phải chú trọng phát triển kinh tế tư nhân nếu muốn thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình”, còn ý kiến của ông thì sao?

Chuyên gia kinh tế Bùi Văn: Tôi không cực đoan như các vị đó. Những câu nói đó cách đây 10-15 năm tương đối đúng, tức doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) không hiệu quả bằng kinh tế tư nhân. Câu hỏi được đặt ra tại sao cũng con người đó, công nghệ đó, khối tài sản đó, thị trường đó, nguồn lực đó khi đặt vào DNNN thì không hiệu quả, cụ thể là thu nhập thấp, đời sống người lao động khó khăn, năng suất lao động thấp, thường xuyên phải được Chính phủ hỗ trợ tín dụng, trợ giá, cơ chế, chính sách. Đến lúc cổ phần hóa, không được hỗ trợ nữa nhưng vẫn sống khỏe. Vậy nhờ phép mầu nào? Soi lại đó có nhiều yếu tố. Yếu tố thứ nhất hay nói đến đó là mối quan hệ giữa người chủ và người được ủy thác, doanh nghiệp tư nhân (DNTN) anh được ủy thác là chủ doanh nghiệp, có tiền, tôi thuê giám đốc điều hành. Mâu thuẫn quyền lợi giữa ông chủ và người làm thuê có, còn ở DNNN mâu thuẫn đó càng lớn.

Theo định nghĩa thì DNNN là sở hữu toàn dân, mình là cổ đông của Vietnam Airlines, của ngành đường sắt, của ngành dầu khí, của bưu điện… nhưng mình không nhận thấy cái đó. Chỉ thấy khi nào Vinashin thua lỗ phải lấy tiền ngân sách để cứu Vinashin, đó là tiền thuế của dân. Thế nhưng, khi Vinashin có lãi thì tiền đó người dân được thụ hưởng không? Có, nhưng mọi người không tin vào điều đó. Nếu Vinashin có lãi, không cần bù lỗ thì ngân sách không mất tiền, dân mình không mất tiền. DNNN là sở hữu toàn dân, tập thể. Tuy nhiên, khoảng cách từ người chủ đến người làm thuê vẫn còn khá xa.

Đối với DNNN, bóng dáng người chủ rất mơ hồ. DNNN có hai xu hướng trái ngược. Một là được tạo lợi thế để phát triển. Hai là bị trói, làm gì cũng phải xin phép. Người phụ trách DNNN như bị trói tay trói chân, không được làm cái này, không được làm cái kia… Một cái lỏng quá, một cái chặt quá. Do đó, giờ để DNNN cổ phần hóa, chỉ cần 25-30% thôi nhưng 25% có chủ thực sự. Người chủ đó mà ngày mai cổ phiếu xuống thì ông mất tiền. Cổ phiếu lên thì ông có tiền. Được giám sát rất chặt chẽ. Thu hẹp khoảng cách giữa người chủ và người làm thuê. Vấn đề này đã được thế giới quan tâm cả trăm năm, đã có rất nhiều biện pháp giải quyết mối quan hệ giữa người chủ và người được ủy quyền quản lý.

PV: Ngoài câu chuyện ông vừa nói thì còn những nguyên nhân nào nữa khiến cho DNNN hoạt động thiếu hiệu quả, thưa ông?

Chuyên gia kinh tế Bùi Văn: Ngoài các nguyên nhân về cơ chế thì DNNN thiếu kỷ luật tài chính chặt chẽ. Quản trị doanh nghiệp bị tâm lý ỉ lại, tâm lý gia trưởng. Ví như tôi có một ông bố làm to, giàu có, cần gì thì bố cấp tiền, cần cơ chế thì bố cấp cho cơ chế. Ngân hàng không cho tôi vay thì bố cho tôi vay. Thứ nữa là DNNN chưa tách bạch được giữa nhiệm vụ kinh doanh và nhiệm vụ xã hội, nhiệm vụ kinh doanh và nhiệm vụ chính trị. Ví như Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam chuyển qua cổ phần hóa thì nói sẽ phải cho nghỉ việc 30.000 công nhân, mất mấy nghìn tỉ đồng để tạo công ăn việc làm cho họ. Vậy Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam vừa gánh trách nhiệm tạo ra lợi nhuận vừa gánh trách nhiệm xã hội tạo công ăn việc làm cho 30.000 lao động mà nếu ở DNTN thì họ cho nghỉ từ lâu. Rồi nói DNNN phải hiệu quả, vậy định nghĩa thế nào là hiệu quả của một doanh nghiệp?

Lợi nhuận chỉ là miếng bánh nhỏ

PV: Ông có cho rằng trong bối cảnh hiện nay, hiệu quả DNNN là phải thực hiện tốt công tác quản trị doanh nghiệp, tạo ra lợi nhuận và tạo ra giá trị xã hội?

Chuyên gia kinh tế Bùi Văn: Giá trị xã hội như thế nào thì rất mơ hồ. Còn lợi nhuận là cả một câu chuyện. Như Metro Việt Nam bao nhiêu năm trời kinh doanh thua lỗ nhưng các ông chủ thì rất sung sướng vì đầu tư vào 100 triệu USD, bán ra 900 triệu USD. Amzon lỗ. Yahoo lỗ. Tuy nhiên ông chủ vẫn lời to là bỏ ra 1 đồng mà thu lại 10 đồng. Nếu chỉ chú trọng về lợi nhuận, tôi bỏ hết nghiên cứu, bỏ hết đào tạo, bỏ hết đầu tư thương hiệu và chỉ tập trung vào lợi nhuận thôi, nhưng chưa chắc cổ phiếu đã lên. Cho đến nay, đánh giá doanh nghiệp tốt nhất là dựa vào giá cổ phiếu. Doanh nghiệp đó có công nghệ tốt, thị phần tốt, xây dựng thương hiệu tốt, có lợi nhuận, dòng tiền, giá trị kinh doanh… tất cả đều thể hiện trên giá cổ phiếu. Còn lợi nhuận chỉ là một miếng rất nhỏ trong miếng bánh lớn của doanh nghiệp. Trên thực tế có nhiều doanh nghiệp đang thua lỗ nhưng lại được nhà đầu tư mua vì chiếm thị phần rất lớn.

PV: Phải chăng ông đang nói đến trường hợp của Coca-Cola ở VN trong 20 năm qua liên tục kêu lỗ nhưng các nhà máy sản xuất vẫn tiếp tục mở rộng?

Chuyên gia kinh tế Bùi Văn: Tôi từng làm giám đốc tài chính một công ty dầu khí liên doanh với Nhật Bản nên khá rõ vấn đề này. Lỗ chỉ là một yếu tố. Có những doanh nghiệp vẫn lỗ nhưng tiền mặt vẫn vào. Có doanh nghiệp lãi nhưng không có tiền. Nên lãi - lỗ và dòng tiền là hai vấn đề khác nhau. Khi thực hiện báo cáo tài chính, một bên là bảng báo cáo lãi - lỗ và một bên là bảng báo cáo dòng tiền vào. Có bảng báo cáo lỗ về tài chính nhưng dòng tiền vẫn hoạt động tốt.

Điểm thứ hai, nói ra thì không đúng về mặt đạo đức kinh doanh nhưng cả thế giới đều biết. Nhiều công ty đầu tư vào Việt Nam họ có hoạt động toàn cầu. Mình chỉ thấy công ty ở VN lỗ chứ chưa nhìn thấy tổng thể toàn cầu họ lãi. Vấn đề là công ty mẹ phân bổ cái lãi nằm ở đâu, lỗ nằm ở chỗ nào. Trên thế giới có những quốc gia là thiên đường về thuế. Trên thực tế, có những cái đầu tư rất lớn của chúng ta đến từ những quốc gia rất là bé như quần đảo Cayman (quốc gia chưa đến 1 triệu dân). Nhưng các doanh nghiệp đầu tư vào VN lại xuất phát từ đó.

PV: Chẳng lẽ những quốc gia như VN cứ mãi chịu thiệt như vậy. Theo ông, chúng ta cần phải có giải pháp gì để khiến các doanh nghiệp trung thực hơn?

Chuyên gia kinh tế Bùi Văn: Đây thực ra là luật chơi toàn cầu, năng lực VN yếu nên chịu thiệt. VN đấu với họ về tài chính, kế toán, thuế không thắng nổi. Các tập đoàn kinh tế xuyên quốc gia khác đều có những công ty tư vấn luật và tư vấn thuế hàng đầu thế giới đứng bên cạnh họ. Còn mình thì không theo cơ chế bỏ hàng triệu đôla thuê những công ty luật hàng đầu. Chúng ta cứ đi theo cách của ta, khi đấu với họ, chưa vào trận đã thấy thua rồi. VN gia nhập WTO, gia nhập luật chơi toàn cầu nhưng vẫn giữ luật chơi của mình thì làm sao thắng nổi.

Do đó, nói đến chuyện cổ phần hóa, tôi muốn nhắc đến chuyện muốn có niềm tin chiến lược thì chúng ta phải thuê những công ty kiểm toán quốc tế có uy tín. Đó là những công ty tư vấn kiểm định hàng đầu thế giới. Định giá không phải để cho mình có lợi hay cho đối tác có lợi mà họ định giá đúng vì thương hiệu của họ. Nhờ cái tên của họ mà nhà đầu tư chiến lược tin tưởng. Dĩ nhiên, giá thuê phải cao, hàng triệu USD, phải chấp nhận bỏ chi phí cao. Hiện nay quyết tâm cổ phần hóa của Chính phủ đang lên rất cao. Đây là cơ hội để các DNNN tạo bước đột phá. Mình cứ muốn tự làm hết. Ăn cỗ ăn cả mâm trong khi không đủ sức thì sao mà làm được. Thuê một công ty kiểm toán vô danh hoặc tự làm thì nhà đầu tư nước ngoài không tin. Họ lại mất công đi tìm một công ty kiểm toán quốc tế làm lại từ đầu và chi phí được tính vào chi phí giao dịch và tất nhiên suy đến cùng thì cả hai bên cùng chịu. Vì thế, đã gia nhập WTO thì VN phải biết luật chơi toàn cầu để tránh bị thua thiệt.

PV: Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

(Theo petrotimes.vn)

Bài viết được quan tâm

Bài viết mới nhất

Trang trên 375