Huy động vốn trong năm hạn 2012

Với năm 2012 được dự báo sẽ còn nhiều khó khăn, các doanh nghiệp Việt Nam buộc phải nghĩ đến con đường tìm vốn quốc tế.


2012 có thể là một năm khó khăn khi bong bóng bất động sản có thể xì hơi, kéo theo khủng hoảng của hệ thống ngân hàng. Nếu hệ thống ngân hàng và thị trường vốn trong nước không đủ vốn cung cấp cho doanh nghiệp trong vài năm tới, hướng đi khả thi nhất đối với các công ty là tiếp cận thị trường vốn quốc tế, nhà đầu tư tài chính và nhà đầu tư chiến lược.

Ít lựa chọn, lắm cân nhắc

Trong số các cách huy động vốn quốc tế, việc niêm yết cổ phiếu ở nước ngoài là khó khăn nhất, do hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam chưa đáp ứng được quy trình kế toán quản trị theo chuẩn quốc tế. Thông thường, phải mất 1 năm để doanh nghiệp lập ra bộ phận kế toán và các nguyên tắc vận hành để đáp ứng yêu cầu công bố thông tin. Bên cạnh đó, chi phí đi kèm với hoạt động này rất cao. Một công ty quy mô trung bình phải tiêu tốn từ 500.000 USD đến 1 triệu USD (tương đương 10,5 - 21 tỉ đồng) mỗi năm chỉ riêng cho công tác kế toán, báo cáo và phí niêm yết. Vậy nên, con đường này chỉ dành cho các công ty lớn dự định huy động từ 100 - 200 triệu USD vốn chủ sở hữu (tương đương 2.100 - 4.200 tỉ đồng).

Một phương thức huy động vốn khác là tiếp cận các nhà đầu tư tài chính quốc tế. Họ thường mua từ 10 - 40% cổ phần của công ty hoặc cung cấp vốn dưới dạng mua trái phiếu chuyển đổi. Gần đây nhất là thương vụ Quỹ Đầu tư Kohlberg Kravis Roberts & Co. L.P. (KKR) mua 10% cổ phần của Masan Consumer, hay Goldman Sachs mua 40 triệu USD trái phiếu chuyển đổi có kỳ hạn 5 năm của Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (CII).

Đối với những thương vụ như thế, chuẩn kế toán và chế độ báo cáo quản trị điều hành không quá khắt khe như đối với việc gọi vốn trên thị trường vốn quốc tế, nhưng công ty phải chứng minh được tính minh bạch trong hoạt động. Thông thường, các nhà đầu tư tài chính quốc tế sẽ yêu cầu được có đại diện trong hội đồng quản trị hoặc những ràng buộc khác để bảo đảm họ sẽ thu lại được khoản đầu tư.

Một lựa chọn khác của doanh nghiệp là tiếp cận nhà đầu tư chiến lược. Những nhà đầu tư này có thể mua từ 10 - 100% cổ phần và sẽ đòi hỏi có đại diện trong hội đồng quản trị và ban điều hành hoặc tham gia điều hành trực tiếp tùy vào tỉ lệ sở hữu. Thương vụ Unicharm (Nhật) mua 95% cổ phần trong Công ty Cổ phần Diana cách đây vài tháng là một ví dụ.

Cái khó ló cái kém

Nếu tìm hiểu cách quản lý của các tập đoàn nước ngoài thì sẽ thấy điểm khác biệt lớn trong tư duy quản lý của họ so với doanh nghiệp Việt Nam.

Điểm dễ thấy là các lãnh đạo doanh nghiệp nước ngoài không ngần ngại đặt câu hỏi cho các chuyên gia. Họ xác định mình không phải là người hiểu hết về thị trường, nên sẵn sàng trả tiền để được tư vấn. Trong khi đó, tại Việt Nam, đa phần các nhà điều hành doanh nghiệp đều nghĩ rằng họ biết tất cả. Điều này có thể thấy rõ qua cách họ quản lý công ty.

Hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam đều ít có chiều sâu quản lý, ban điều hành không thực thi đúng vai trò của mình, không lên kế hoạch tài chính và tính minh bạch trong hoạt động không cao. Tổng giám đốc mới là người nắm quyền quyết định. Điều này không có gì lạ, bởi phần lớn lãnh đạo Việt Nam hiện nay thuộc thế hệ đầu tiên xây dựng nên doanh nghiệp và chưa tiếp cận nhiều với cách quản lý của các công ty lớn tầm cỡ quốc tế. Họ lại chưa trải qua chu kỳ đi xuống của nền kinh tế để có thể thấy được tầm quan trọng của kiến thức chuyên môn và tư vấn của các chuyên gia.

Thành công trong 10 năm qua đã đến một cách dễ dàng, phần lớn đều nhờ vào sự phát triển ồ ạt của hệ thống ngân hàng cùng với việc cho vay dễ dãi. Vì thế, trong một vài năm tới, thị trường sẽ chứng khiến nhiều vụ phá sản, đặc biệt đối với những công ty được quản trị yếu kém.

Con đường tìm vốn

Đối với một số ngành công nghiệp có mức tăng trưởng ổn định, những công ty đầu ngành sẽ không gặp khó khăn trong việc huy động vốn. Còn đối với các lĩnh vực khác, nguồn vốn quốc tế sẽ có hạn và chỉ những công ty nào đáp ứng được các tiêu chí tối thiểu của thị trường này mới có thể tiếp cận được vốn.

Cụ thể, bộ máy quản trị điều hành phải chuyên nghiệp, tức có phân định rõ ràng trách nhiệm và quyền hạn và không chỉ có sự tham gia của các thành viên trong gia đình mà còn cả những người được đào tạo bài bản, có kinh nghiệm quản lý. Doanh nghiệp cũng phải có hội đồng quản trị uy tín, nhiều kinh nghiệm và độc lập, có thể giúp định hướng chiến lược cho công ty.

Ngoài ra, doanh nghiệp phải lập kế hoạch tài chính để có thể đạt được các chỉ tiêu kinh doanh cho 5 năm tiếp theo, đồng thời phải quản lý được những rủi ro hay các vấn đề khác phát sinh trong hoạt động. Bên cạnh đó, sự minh bạch trong khâu kế toán quản trị sẽ là yếu tố quan trọng giúp nhà đầu tư nước ngoài có thể hiểu rõ và đánh giá đúng về doanh nghiệp.

Điều quan trọng trong việc tìm vốn quốc tế là doanh nghiệp phải hợp tác với các ngân hàng đầu tư có kinh nghiệm và quan hệ quốc tế rộng rãi để có thể hỗ trợ việc giới thiệu hoạt động của doanh nghiệp, chuẩn bị các báo cáo tài chính, kế hoạch tài chính cho 5 năm cũng như đàm phán với đối tác nước ngoài.

Hiện nay, có một vài ngân hàng đầu tư lớn tại Việt Nam có thể hỗ trợ doanh nghiệp như Morgan Stanley hay Credit Suisse. Các ngân hàng này thường nhận những thương vụ có giá trị trên 100 triệu USD (hơn 2.100 tỉ đồng) và thường yêu cầu mức phí khoảng 2 triệu USD (hơn 42 tỉ đồng). Họ là lựa chọn khả dĩ nếu doanh nghiệp muốn tìm kiếm nguồn vốn trên thị trường vốn hay thị trường nợ quốc tế.

Còn nếu muốn huy động vốn từ các nhà đầu tư tài chính quốc tế hoặc nhà đầu tư chiến lược, doanh nghiệp có thể chọn ngân hàng đầu tư có quy mô nhỏ, vì các ngân hàng này thường tập trung vào một phân khúc thị trường cụ thể và có quan hệ sâu rộng với các nhà đầu tư trong lĩnh vực đó. Đây là lựa chọn phù hợp cho những doanh nghiệp muốn huy động nguồn vốn dưới 100 triệu USD (dưới 2.100 tỉ đồng) và mức phí tối thiểu dưới 2 triệu USD (42 tỉ đồng).

(Nguồn: Nhịp Cầu Đầu Tư)

CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO

GIÁM ĐỐC TÀI CHÍNH - CFO

(CHIEF FINANCIAL OFFICER)

Từ vị thế và tầm mức khiêm tốn của nền tài chính Việt Nam hiện nay, từ viễn cảnh tương lai của nền tài chính và của nghề quản trị tài chính, từ “chân dung” của một CFO trong thời kỳ mới, Chương trình đào tạo Giám Đốc Tài Chính (CFO) của PACE đã ra đời. Chương trình đào tạo đặc biệt này được PACE nghiên cứu, thiết kế và biên soạn với mong muốn được góp sức mình vào mục tiêu chung “Hướng đến thế hệ CFO mới cho cộng đồng doanh nghiệp, thế hệ CFO có khát vọng và có khả năng đua tranh mạnh mẽ về trình độ quản trị tài chính với các đồng nghiệp của mình trên khắp thế giới”.

Bài viết được quan tâm

Bài viết mới nhất

Trang trên 319