TỌA ĐÀM TALK & THINK: “TỪ VĂN HÓA ĐÁNG TIN ĐẾN THƯƠNG HIỆU UY TÍN”

Vào ngày 08/08/2019 tại TP.HCM, Trường Doanh Nhân PACE đã phối hợp cùng Kênh truyền hình FBNC tổ chức buổi Tọa đàm Talk & Think với chủ đề: Từ Văn hóa Đáng tin đến Thương hiệu Uy tín (From Trusted Culture to Trusted Brand).

Đây là buổi Tọa đàm đặc biệt dành cho lãnh đạo cấp cao của các doanh nghiệp, tập đoàn đang hoạt động tại Việt Nam, để cùng đối thoại với các chuyên gia về vai trò của một thương hiệu uy tín đối với sự sống còn của doanh nghiệp, cũng như cách tiếp cận toàn diện trong việc xây dựng thương hiệu có uy tín bền vững trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin và khủng hoảng niềm tin.


Tọa đàm Talk & Think: “Từ Văn hóa Đáng tin đến Thương hiệu Uy tín” được điều phối bởi ông Vũ Đức Trí Thể - Giám đốc Giải pháp Trường PACE, đồng thời có sự tham gia chia sẻ của các chuyên gia là ông Hoàng Mạnh Hải - Thành viên Ban Chuyên Môn Trường PACE và ông Trần Minh Hoàng – Giám Đốc Marketing của Tập đoàn Marico, cùng các nhà lãnh đạo cấp cao của các doanh nghiệp hàng đầu hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Người tham dự đã nhận được những góc nhìn đa chiều và sâu rộng từ cả phía chuyên gia và những nhà lãnh đạo “thực chiến” đang hàng ngày trăn trở cho sự lớn mạnh của doanh nghiệp mình.

Một sai lầm nhỏ từ công tác truyền thông có thể tạo ra tổn thất thương hiệu ngắn hạn, nhưng nếu không vững vàng từ nền tảng văn hóa doanh nghiệp và năng lực lãnh đạo thì nguy cơ cao sẽ tạo ra tổn thất nặng nề trong dài hạn. Do đó, chuyên gia Hoàng Mạnh Hải đã nhấn mạnh về 3 năng lực mà mỗi nhà lãnh đạo phải chú trọng xây dựng cho bản thân và cho đội ngũ của mình để từ đó có được một thương hiệu uy tín bền vững, bao gồm: Năng lực chuyên môn, Năng lực văn hóa và Năng lực lãnh đạo. Theo triết lý “từ trong ra ngoài / inside out” của FranklinCovey, để xây dựng được một thương hiệu uy tín (trusted brand) thì tổ chức đó phải là một tổ chức đáng tin (trusted organization), nghĩa là tổ chức ấy có văn hóa đáng tin (trusted culture). Như vậy, câu chuyện về làm thương hiệu không chỉ là công việc của những người làm marketing, mà hơn hết là vai trò của nhà lãnh đạo trong việc tổ chức đội ngũ và xây dựng được văn hóa đáng tin trong doanh nghiệp mình.

Các nghiên cứu trên thế giới cũng như thực tiễn kinh doanh tại Việt Nam đã cho thấy rõ rằng, doanh nghiệp nào không xây dựng được “văn hóa đáng tin” từ chính bên trong đội ngũ thì sẽ vấp phải rào cản lớn trên con đường xây dựng được “thương hiệu uy tín” hay thành công bền vững, vì thương hiệu là kết quả từ lòng tin của người tiêu dùng được cộng dồn trong một thời gian dài.

Đặc biệt, trong thời đại số với sự trỗi dậy của các kênh truyền thông trực tuyến và mạng xã hội như Facebook, Youtube, Google, Instagram,… vai trò của niềm tin càng trở nên quan trọng. Ông Trần Minh Hoàng – Giám Đốc Marketing của Tập đoàn Marico đã chia sẻ về những trường hợp điển hình mà doanh nghiệp Việt thường gặp phải trong làn sóng digital, ví dụ như sự lan truyền các tin tức giả (fake news), mà nếu không biết cách xử lý đúng và kịp thời có thể “giết chết” một doanh nghiệp, hoặc có thể khiến công sức gầy dựng hàng chục năm “đổ sông đổ bể”. Bên cạnh việc chia sẻ về các quy trình giải quyết khi gặp khủng hoảng truyền thông và các phương thức đo lường hiệu quả khi quyết định dùng kênh truyền thông trực tuyến, ông còn nhấn mạnh rằng độ nghiêm trọng của một cuộc khủng hoảng không chỉ đến từ chính sự việc đó, mà còn được quyết định bởi niềm tin tích lũy từ trước đối với doanh nghiệp đó, nhãn hiệu đó như thế nào.   

Trong phần đối thoại và thảo luận giữa các chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp, những câu hỏi và trăn trở về thực tế kinh doanh hiện nay, cũng như những quan điểm về “văn hóa đáng tin” và “thương hiệu uy tín” nên được hiểu và áp dụng như thế nào trong từng ngành nghề đã được thảo luận sôi nổi.

Nhiều nhà lãnh đạo đã đồng ý rằng, văn hóa doanh nghiệp phải đi từ bên trong. Ngay cả với những công ty mới thành lập, có thể chủ doanh nghiệp cho rằng phải tập trung trước vào doanh thu, lợi nhuận để làm sao doanh nghiệp “sống được”, nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, nhà lãnh đạo sẽ nhận thấy rằng, thực ra ngay từ ngày thành lập, văn hóa doanh nghiệp đã bắt nguồn từ chính người sáng lập và ảnh hưởng đến từng hoạt động của công ty, chỉ là chưa được “điểm mặt gọi tên” một cách chính xác.

Thông qua buổi Tọa đàm, các nhà lãnh đạo đã có thêm những cách tiếp cận mới cho hành trình xây dựng một “Văn hóa Đáng tin”, từ đó biết cách chuyển hóa thành “Thương hiệu Uy tín”. Có thể nói, văn hóa doanh nghiệp là một trong những trụ cột không chỉ đối với những tập đoàn hay tổ chức có tuổi đời vài chục năm, mà còn là nền tảng thiết yếu cho những doanh nghiệp non trẻ muốn hướng tới thành công bền vững.

Tin tức liên quan

Trang trên 71