Việt Nam cần tìm ra động lực phát triển mới

Các lợi thế cạnh tranh của 10 năm trước đây đang dần cạn kiệt, Việt Nam cần tìm ra động lực phát triển mới đó là năng suất lao động, công nghệ mới và lợi thế về địa lý". Cha đẻ của chiến lược cạnh tranh toàn cầu Michael Porter nhận định.

Ngày 1/12, tại TP Hồ Chí Minh, giáo sư Michael Porter thuộc Đại học Harvard (Hoa Kỳ) đã thuyết trình một ngày trong hội thảo quốc tế về chủ đề Cạnh tranh toàn cầu và lợi thế Việt Nam. Hội thảo do trường Doanh nhân PACE tổ chức, được Bộ Công Thương bảo trợ

GS Michael Porter hiện được quốc tế coi là cha đẻ của chiến lược cạnh tranh toàn cầu, một nhà tư tưởng chiến lược bậc thầy của thời đại, và là một trong những bộ óc quản trị có ảnh hưởng nhất thế giới.

Tại cuộc hội thảo này ông không có tham vọng giúp Việt Nam vạch ra chiến lược cạnh tranh toàn cầu mà chỉ mong muốn cung cấp phương pháp tư duy để Việt Nam tự vạch ra một chiến lược cạnh tranh đúng, tận dụng được các lợi thế cạnh tranh của Việt Nam cho nền kinh tế ở giai đoạn hiện nay.

Bài thuyết trình của GS Michael Porter gồm 2 phần chính: Chiến lược Cty đối với các nước đang phát triển; Cạnh tranh toàn cầu và lợi thế Việt Nam.

GS Michael Porter trình bày những nguyên tắc cơ bản khi xây dựng chiến lược cạnh tranh cho một Cty, một quốc gia đang phát triển. Đây được xem là những chìa khóa để mở ra cách tiếp cận thị trường của một Cty trong từng giai đoạn cũng như vạch chiến lược cạnh tranh của Cty trong suốt một thời kỳ dài hạn từ 20 năm trở lên. 

Cần sản phẩm phù hợp chứ không phải sản phẩm tốt nhất

GS Michael Porter khẳng định không có một Cty nào tốt nhất thế giới mà chỉ có những Cty hoạt động hiệu quả và các Cty kém hiệu quả mà thôi. Mục đích cuối cùng của Cty là lợi nhuận. Phải sản xuất ra sản phẩm như thế nào, nhằm vào đối tượng khách hàng nào một cách cụ thể và bền bỉ để đảm bảo đạt được hiệu quả cao, lợi nhuận cao nhất mang về cho Cty.

 

Tốt hơn hết là Cty cũng như nhà nước cần tìm ra thế mạnh độc đáo của mình, tìm ra điều khác biệt của mình so với những đối thủ cạnh tranh sau đó làm ra các sản phẩm phù hợp chứ không phải là sản phẩm tốt nhất thế giới.
GS Michael Porter

 

Một chiếc xe tải không phải là sản phẩm tốt cho người đi du lịch nhưng lại rất hiệu quả cho người làm vận tải.

GS Michael Porter chỉ ra bài học thành công của tập đoàn Ikea (Thụy Điển). Tập đoàn này chuyên sản xuất và kinh doanh đồ gỗ nội thất. Đối tượng mà Ikea nhắm tới là người trẻ tuổi, có học thức, ưa hàng thiết kế mới lạ nhưng không có khả năng mua hàng đắt tiền.

Chiến lược cạnh tranh của Ikea là làm ra sản phẩm rẻ, thiết kế đa dạng về kiểu dáng và màu sắc phù hợp phòng ở của lứa tuổi teen, dễ tháo lắp chứ không phải là sản phẩm tốt nhất thế giới. Để hạ giá thành sản phẩm, Ikea không cung cấp dịch vụ chuyển hàng về tận nhà. Thay vào đó Ikea làm ra sản phẩm dễ tháo lắp để khách hàng dùng xe hơi của mình tự chở về lắp ráp lấy.

Chiến lược này đã làm nên sự khác biệt của Ikea. Để vạch ra và thực hiện được chiến lược cạnh tranh của mình, Ikea đã biết đánh đổi chiến lược những khả năng mình có thể, chọn lấy cái độc đáo nhất của mình để phát huy.

Mỗi một thời kỳ, Ikea đều nghiên cứu sở thích của đối tượng khách hàng tuổi teen mà mình đang nhắm tới. Họ bền bỉ duy trì tính liên tục của chiến lược cạnh tranh, tìm hiểu khách hàng có thay đổi gì về thị hiếu để kịp thời đáp ứng chứ không vì thấy thị trường giảm sút mà chuyển sang chế tạo sản phẩm khác. Ông cho rằng việc sao chép sản phẩm của những Cty thành đạt rồi bán cho đối tượng không truyền thống là sự đánh mất sự độc đáo của Cty.

Lợi thế cạnh tranh của Việt Nam

GS Michael Porter cho rằng nền kinh tế Việt Nam thời gian dài qua đã phát triển rất ấn tượng với sự tăng trưởng liên tục ở mức cao. Điều này giúp Việt Nam sớm vượt qua mức nghèo đói để vươn lên hàng ngũ những nền kinh tế phát triển ở mức độ trung bình.

Bài học đắt giá nhất trong phần trình bày của GS Michael Porter là làm sao tạo ra được sự đồng thuận cao trong việc vạch ra chiến lược phát triển của đất nước và quyết tâm chính trị cao để thực hiện thành công những chiến lược cạnh tranh đó.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc

Tuy có độ tăng trưởng kinh tế cao nhưng GDP tính theo đầu người của Việt Nam vẫn còn thấp. Động lực cho sự phát triển của kinh tế Việt Nam 10 năm qua chủ yếu là từ giá lao động rẻ, nguồn xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp và tài nguyên thiên nhiên.

Để vươn lên mức phát triển cao hơn, lương của người lao động phải tăng hơn hiện nay, đời sống người lao động phải được cải thiện, các sản phẩm xuất khẩu từ nông nghiệp và tài nguyên phải có giá trị gia tăng với hàm lượng chất xám trong sản phẩm ngày một cao.

Các lợi thế cạnh tranh của 10 năm trước đây đang dần cạn kiệt, Việt Nam cần tìm ra động lực phát triển mới đó là năng suất lao động, công nghệ mới và lợi thế về địa lý. Việc Việt Nam bị xếp hạng cuối bảng cạnh tranh toàn cầu không đáng ngại vì đó chỉ có ý nghĩa tham khảo.

Điều quan trọng là Việt Nam phải xác định ra được những nhóm ngành nghề có lợi thế cạnh tranh cao. Chẳng hạn với lợi thế bờ biển dài, Việt Nam có thể xây dựng chiến lược cạnh tranh là nơi trung chuyển hàng hóa đường biển và dịch vụ hậu cần hàng hải cho qui mô khu vực.

Vốn đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam nhiều là một lợi thế nhưng thời gian qua Việt Nam chưa làm tốt việc chọn lĩnh vực ưu tiên mà còn đầu tư dàn trải dẫn đến kém hiệu quả. Một lượng vốn đầu tư rất lớn đã đổ vào bất động sản và những ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động có thể cần thiết cho giai đoạn đã qua nhưng tương lai sẽ phải tìm lối đi khác.

GS Michael Porter gặp Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng và Giám đốc Trường Doanh nhân PACE Giản Tư Trung (phải)

GS Michael Porter gặp Phó Chủ tịch UBND TPHCM, bà Nguyễn Thị Hồng và Giám đốc Trường Doanh nhân PACE, Ông Giản Tư Trung (phải)

 
 

GS Michael Porter nhấn mạnh rằng Việt Nam cần nghiên cứu kỹ lưỡng trong việc chọn lĩnh vực đầu tư. Nếu đầu tư quá nhiều vào hạ tầng sẽ tạo ra sự phát triển bong bóng đến một lúc nào đó nó sẽ nổ tung.

Ông cho rằng việc xây dựng pháp luật của Việt Nam thời gian qua rất tốt nhưng do các quy định trong văn bản pháp luật không cụ thể và rõ ràng đã tạo kẽ hở cho sự tham nhũng hoành hành và việc thực thi pháp luật chưa tốt.

Hiện nay, nền kinh tế Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu. Tương lai việc xuất khẩu ngày càng khó khăn hơn nên cần quan tâm thích đáng đến thị trường trong nước. GS Michael Porter cho rằng Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa quá trình tư nhân hóa và cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước vì đây là nền tảng cho sự phát triển trong tương lai dài hạn. Cần có hệ thống tài chính hỗ trợ cho các doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ.

GS Michael Porter không cho rằng Cty tư nhân thì tốt hơn Cty nhà nước mà điều quan trọng ở đây là Cty nào hoạt động hiệu quả hơn thì cần được quan tâm hơn. Các Cty nhà nước ở Singapore hoạt động còn hiệu quả hơn nhiều Cty tư nhân vì họ có hệ thống quản trị hoạt động độc lập. Do vậy không nhất thiết phải tư nhân hóa tất cả.

Xác định các cụm ngành nghề

GS Michael Porter cho rằng cho đến nay các nhóm ngành sản xuất đồ may mặc, giầy dép, thủy hải sản, tài nguyên dầu khí, nông sản là những ngành chủ đạo của nền kinh tế Việt Nam.

Trong tương lai mỗi nhóm ngành này phải được nâng lên một bước để cạnh tranh tốt hơn bằng mẫu mã do Việt Nam tự thiết kế, công nghệ máy móc tự chế tạo, sản xuất không chỉ ở trong nước mà cả ở những nước láng giềng để cung cấp cho không chỉ khu vực mà cả thế giới.

Trong giai đoạn phát triển thấp không cần cụm ngành nghề nhưng ở giai đoạn phát triển trung bình xây dựng cụm ngành nghề rất cần thiết. Các cấp, các ngành từ Cty đến các nhà khoa học và nhà quản lý cần tạo ra được sự đồng thuận cao trong việc vạch chiến lược cạnh tranh và quyết tâm cao để thực hiện thành công những chiến lược đó.

Tại phần hỏi đáp, khi trả lời câu hỏi đề nghị nói ngắn về việc vạch chiến lược cạnh tranh và lợi thế Việt Nam giai đoạn hiện nay, GS Michael Porter cho rằng Việt Nam cần khai thác lợi thế cạnh tranh của mình là lao động rẻ, nông nghiệp thuận lợi. Tuy nhiên, Việt Nam cũng cần khắc phục điểm yếu hiện nay là làm việc không đúng giờ.

Với câu hỏi trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, nhiều tập đoàn quốc tế sa thải lao động tay nghề cao, bằng cách nào thu hút được những chuyên gia này sang Việt Nam, GS cho rằng Chính phủ Việt Nam cần xây dựng một chiến lược cả gói cụ thể, minh bạch để thu hút nhân tài, trước hết là Việt kiều. Đây là cơ hội để Việt Nam thu hút nhân tài thế giới đồng thời cũng là cơ hội để người lao động tay nghề cao vào góp phần phát triển kinh tế của Việt Nam.

Chiến lược cạnh tranh không phải là bí mật

GS Michael Porter cho rằng nhiều Cty trên thế giới hiện nay đã mắc sai lầm khi cho rằng chiến lược cạnh tranh của mình là bí mật kinh doanh. Đây là điều tai hại vì nếu các nhân viên trong Cty không nắm được chiến lược cạnh tranh của Cty mình thì làm sao có thể quảng bá sản phẩm, phục vụ khách hàng đích được chu đáo.

Theo Michael Porter, chiến lược cạnh tranh phải là điều được công khai cho tất cả các thành viên của Cty. Đây không phải là khẩu hiệu mà thực sự là những thế mạnh cạnh tranh mà các đối thủ không dễ sao chép được. Để làm ra một loại sản phẩm, Cty phải xây dựng cả một hệ thống đồng nhất từ sản xuất đến phân phối, dịch vụ hậu mãi.

Do vậy đối thủ chỉ có thể sao chép được một công đoạn chứ không thể sao chép được cả hệ thống. GS Michael Porter rút ra kết luận chính vì thế mà Cty nào sao chép sản phẩm của người khác càng nhiều thì nhất định sẽ chuốc lấy thất bại càng lớn.

(Theo tienphong.vn)

Tin tức liên quan

Trang trên 71