Để chạm vào hạnh phúc

Hạnh phúc- đó là mẫu số chung, là mong ước chính đáng nhất của tất cả mọi con người, mọi gia đình, mọi xứ sở. sau đây là những chia sẻ của Thầy Giản Tư Trung về cách giải mã ẩn số hạnh phúc.

Đi tìm “chân dung” của hạnh phúc

Quan niệm về hạnh phúc không giống nhau ở mỗi người, mỗi nhà, mỗi thế hệ, mỗi thời đại, mỗi xã hội. Chẳng hạn, có người xem hạnh phúc là hài lòng với những gì mình có theo chủ thuyết “biết đủ”. Cũng có người cho rằng hạnh phúc là khi ta có một sức khỏe tốt, một sự nghiệp như ý, một gia đình ấm cúng và những bạn hữu chí tình. Hạnh phúc cũng có khi là những điều giản dị: có một việc yêu thích để làm, có người để yêu thương và một nơi chốn bình yên để đi về. Hay gần gũi hơn, hạnh phúc được đo bằng việc: sáng sáng háo hức đi làm, tối tối hăm hở về nhà...

Lại có những vĩ nhân gọi tên hạnh phúc theo một cách rất riêng của họ. Ví như nhà hiền triết Mahatma Gandhi bảo rằng: “Hạnh phúc là khi mà những gì mà bạn nghĩ, những gì mà bạn nói và những gì mà bạn làm hòa quyện với nhau”. Điều này giống như thông điệp mà các tín đồ Thiên Chúa giáo tin tưởng: “Bình an dưới thế cho người thiện tâm”, để khẳng định hạnh phúc có từ cái tâm an bình của mỗi người, là sự tĩnh tại trong sâu thẳm tâm hồn... Liệu có thể hạnh phúc chăng nếu nghĩ một đằng, nói một nẻo và làm một kiểu? Liệu có thể hạnh phúc chăng với một lối sống “trình diễn” như những “kịch sĩ” trong cả đời thường?

Người anh hùng Che Guevara thì cho rằng: “Hạnh phúc không phải là cảm giác tới đích mà là trên từng chặng đường đi”. Đi một bước, dù ngắn hay dài, mà cảm thấy mình tiến lên, mình đến gần hơn với lẽ sống và lý tưởng của mình thì là hạnh phúc. Hay như một triết lý nhà Phật mà ta thường nghe: An lạc trong từng bước chân...
Rồi cũng có ý kiến phản biện rằng: ranh giới giữa biết đủ, biết hài lòng và thỏa hiệp với bản thân mình là rất mong manh. Bởi khi luôn nghĩ rằng “ừ, vậy là được rồi...”, thì chính là lúc mà ta ngừng nỗ lực, ngừng cống hiến để làm cho cuộc sống bản thân và cộng đồng của mình tiến về phía trước. Sẽ rất nhanh, những cái “biết đủ” và sự hài lòng dễ dãi này sẽ làm ta chán ngán. Sẽ rất nhanh, hạnh phúc này sẽ biến mất khi ta không hiểu được ý nghĩa cuộc đời mình nằm ở nơi đâu...

Vậy hạnh phúc là biết đủ, biết hài lòng hay là biết vượt qua, biết chinh phục hay là gì khác?

Để chạm vào hạnh phúc

Nếu hạnh phúc không phải là “biết đủ”, biết hài lòng, mà là “luôn vượt qua những thử thách”, “luôn chinh phục những ước mơ”, là “đạt được những gì mình muốn”, vậy thực ra, con người muốn gì?

Có thể thấy rằng, dù con người có thể lên sao Hỏa hay làm chủ mặt trăng, nhưng trong mỗi chúng ta vẫn tồn tại những mong muốn “rất con người”. Như một mô hình của nhà triết học và tâm lý học Abraham Maslow, nhu cầu của con người sẽ bắt đầu từ mong muốn thiết thân nhất là được tồn tại (có cái ăn, cái mặc, có chỗ trú ẩn, được học hành...) cho đến những thứ cao hơn như đời sống tinh thần và sự an toàn, rồi nhu cầu kết nối xã hội... Và tiếp đến là nhu cầu khẳng định bản thân... Để rồi cuối cùng, mong đạt đến cái đích cao nhất là thỏa mãn nhu cầu “mình được coi trọng” và “mình là quan trọng”. Điều này cũng tương tự như John Dewey, triết gia về giáo dục có ảnh hưởng lớn nhất đến nền giáo dục Mỹ trong thế kỷ 20, từng nói: thị dục huyễn ngã (muốn được trọng) là ước muốn quan trọng nhất và khẩn thiết nhất của con người.

Ai cũng muốn “được trọng”, ai cũng muốn mình là này kia, nhưng con đường nào để đạt được điều đó?
Tiền có phải là thứ giúp ta có được sự coi trọng của người khác? Không hẳn vậy. Có ai trong chúng ta biết được huyền thoại Steve Jobs vừa qua đời sở hữu bao nhiêu tài sản hay tài khoản của ông có bao nhiêu con số nhưng thế giới này vẫn nể trọng ông. Trong khi đó lại có những trọc phú dầu mỏ, hay tài phiệt - họ còn giàu có hơn nhà sáng tạo Apple nhiều lần - thì lại bị soi mói đến từng đồng tiền nhỏ nhất, với thái độ thù hằn, ghét bỏ...
Quyền cũng không đi liền với sự tôn trọng, khi mà có không ít bạo chúa, nhà độc tài, dù ở địa vị tối cao tôn quý và với quyền lực vô song của mình, nhưng vẫn bị người đời nguyền rủa và họ thường đi vào lịch sử với những hình tượng xấu xa vì những gì mà họ đã từng gây ra bằng chính cái quyền lực vô song của mình.

Tài là điều làm nhiều người suy nghĩ. Tài năng là điều kiện quan trọng để tạo ra những thay đổi, những đóng góp, nhưng không hoàn toàn đồng nghĩa với việc “được trọng”, nếu như tài năng đó không mang lại giá trị, không được dùng vào những việc hữu ích.

Tâm thì sao? Cũng chỉ là một thành tố mà thôi. Nhiều người có cái tâm rất trong sáng, không hại ai, có tấm lòng yêu thương mọi người, nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó mà ít hành động thì cũng khó làm cho mọi người nể phục...

Tiếng cũng là một con đường đầy bất trắc và cũng chưa hẳn sẽ đến được với hạnh phúc hay sự nể trọng. Nổi tiếng cũng ba bảy đường, và danh tiếng thì khác với tai tiếng.

Như vậy, quyền hay tiền, tiếng, tài, tâm đều không phải là những con đường chắc chắn mang lại hạnh phúc quan trọng nhất trong cuộc đời mà mình muốn. Vậy, rốt cuộc con đường đó là con đường nào?

Chúng ta hãy tìm hiểu một con người được xã hội mến trọng: mẹ Teresa. Bà là một phụ nữ nghèo ở Ấn Độ, không được miêu tả như một người có bộ óc siêu việt, tài năng thiên bẩm hay tố chất gì đó đặc biệt về mặt khoa học, nghệ thuật, kinh doanh hay chính trị, nhưng vẫn được thế giới kính trọng. Cả đời bà không có một gia tài ức vạn, không có một địa vị hay một đội quân hùng mạnh nào bên cạnh, nhưng nhiều trường đại học trên khắp thế giới đã trao bằng tiến sĩ danh dự cho bà. Đi đến đâu bà cũng được coi trọng như quốc khách. Khi bà qua đời, không chỉ Ấn Độ tổ chức quốc tang, mà nhiều nơi trên thế giới để tang bà.

Và nhiều câu chuyện khác trong lịch sử loài người cũng đã chứng minh, cuộc đời con người không phải được đánh giá bằng những gì họ kiếm hay đạt được cho chính mình, mà bằng chính những gì mà họ đã mang lại hay gây ra cho người khác. Và mỗi người, dù là ai, cũng có thể đóng góp cho đời bằng những vấn đề mà mình giải quyết hay bằng chính “chân dung” cuộc đời mình.

Hay nói cách khác, mang lại những đóng góp hay để lại những giá trị cho đời, chính là một trong những con đường đưa chúng ta lên nấc thang hạnh phúc cao nhất.

...Và để mỗi người là một tế bào hạnh phúc

Cũng có người cho rằng, trong thời buổi mà mọi thứ ở khắp nơi trên thế giới đều có vẻ ảm đạm, thì việc tìm kiếm hạnh phúc cho riêng mình đã khó, nói chi đến chuyện mang lại hay là nghĩ về hạnh phúc cho người khác!
Người khôn ngoan bao giờ cũng mưu cầu hạnh phúc cho mình bằng cách mang lại hạnh phúc cho người khác; bao giờ cũng phân biệt được đâu là phương tiện, đâu là mục đích và đâu là hệ quả trên từng chặng đường đời; và đặc biệt là bao giờ cũng hiểu rằng, “vì người” là cách “vì mình” khôn ngoan nhất.

Có người nói vui rằng, Việt Nam từng được một tổ chức của Pháp bình chọn là “quốc gia lạc quan nhất thế giới” (trong một cuộc điều tra với quy mô 53 quốc gia vào năm 2010). Vậy thì có cần chăng phải suy nghĩ về chuyện hạnh phúc của xứ mình?

Có thể thấy rằng, tâm thế lạc quan hay bi quan là một quá trình chuyển biến theo từng tầng nhận thức một. Ở tầng thấp nhất, người ta sẽ lạc quan và hạnh phúc vì không nhìn thấy hay không hiểu nổi những bất hạnh của thời cuộc. Cao hơn một bậc, người ta sẽ bi quan cùng cực khi nhận ra được sự thật của những điều mà lâu nay mình tưởng là... tốt đẹp. Nhưng ở đỉnh cao nhất của nhận thức thì người ta lại rất lạc quan, lạc quan thật sự chứ không phải là lạc quan tếu, khi mình hiểu thấu sự thật và biết rõ con đường mà mình và mọi người cần phải đi để có thể góp phần làm thay đổi những điều mà không ai muốn thấy...

Những thay đổi đó hay làm cái gì đó, có thể là tiền bạc, là cái ăn, cái mặc, chỗ ở, là việc làm, là cơ hội... Nhưng cái quý giá nhất trên đời mà mỗi người có thể góp phần mang lại cho chính mình và cho người khác, đó là “năng lực tạo ra hạnh phúc”, bao gồm năng lực làm người, năng lực làm việc và năng lực làm dân.

Năng lực làm người là có cái đầu phân biệt được thiện-ác, chân-giả, chính-tà, đúng-sai..., biết được ai là ai, biết sống vì cái gì, trái tim chan chứa tình yêu thương và giàu lòng trắc ẩn. Năng lực làm việc là khả năng giải quyết được những vấn đề của cuộc sống, của công việc, của chuyên môn, và thậm chí là của xã hội. Năng lực làm dân là biết được làm chủ đất nước là làm cái gì và có khả năng để làm được những điều đó. Khi con người có được những năng lực đặc biệt này thì sẽ thực hiện được những điều mình muốn. Khi đó, mỗi người sẽ trở thành một “tế bào hạnh phúc”, một “nhà máy hạnh phúc” và sẽ ngày ngày “sản xuất hạnh phúc” cho mình và cho mọi người.

Xã hội mở ngày nay làm cho không có ai là nhỏ bé trên cuộc đời này, trừ khi tự mình muốn nhỏ bé. Ai cũng có thể trở thành những con người lớn bằng hai cách, làm được những việc lớn hoặc làm những việc nhỏ với một tình yêu cực lớn. Và khi biết chọn cho mình một lẽ sống phù hợp rồi sống hết mình và cháy hết mình với nó, mỗi người sẽ có được một hạnh phúc trọn vẹn. Khi đó, ta không chỉ có những khoảnh khắc hạnh phúc, mà còn có cả một cuộc đời hạnh phúc. Khi đó, tôi hạnh phúc, bạn hạnh phúc và chúng ta hạnh phúc. Đó cũng là lúc ta thực sự “chạm” vào hạnh phúc!

Giản Tư Trung (Theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn)

Bài viết được quan tâm

Bài viết mới nhất

Trang trên 374