Doanh nghiệp cần làm gì để chống hàng giả, hàng nhái?

Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và thương mại điện tử đã mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp, nhưng đồng thời cũng tạo điều kiện cho hàng giả, hàng nhái len lỏi vào thị trường một cách tinh vi. Báo cáo của OECD năm 2021 cho thấy, hàng giả chiếm khoảng 2,3% tổng giá trị thương mại toàn cầu (tương đương 467 tỷ USD) và dự đoán sẽ đạt 1,79 nghìn tỷ USD vào năm 2030. Tại Việt Nam, trong quý I năm 2023, đã có 28.028 vụ việc vi phạm liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả bị xử lý. Điều này đặt ra yêu cầu cấp bách về việc áp dụng các giải pháp công nghệ và quản trị để bảo vệ doanh nghiệp, thương hiệu trước làn sóng hàng giả ngày càng gia tăng, cũng như là sự an toàn cho người tiêu dùng.

Thực trạng hành giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tại Việt Nam

Tình trạng hàng giả tại Việt Nam vẫn tiếp tục là một vấn đề nhức nhối, diễn biến ngày càng tinh vi và khó kiểm soát. Không chỉ gây thiệt hại đáng kể cho nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp, vấn nạn này còn xâm phạm nghiêm trọng quyền lợi của người tiêu dùng.

Dù lực lượng quản lý thị trường đã triển khai nhiều đợt kiểm tra, thanh tra và xử lý, nhưng theo thống kê từ năm 2024, tổng giá trị hàng hóa vi phạm vẫn ở mức đáng báo động – lên tới 425 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2023. Đặc biệt, số tiền thu nộp ngân sách từ xử lý vi phạm tăng 8%, phản ánh thực tế rằng các hành vi vi phạm vẫn diễn ra với quy mô lớn và mức độ tổ chức cao, bất chấp số lượng vụ kiểm tra có phần giảm nhẹ. (Nguồn: Báo Chính Phủ).

Trong những tháng đầu năm 2025, các cơ quan chức năng tại nhiều đơn vị, địa phương đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, kiên quyết đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Kết quả, đã phát hiện và xử lý hơn 34.000 vụ vi phạm pháp luật. Trong đó, có trên 8.200 vụ liên quan đến buôn bán, vận chuyển hàng cấm và hàng nhập lậu; hơn 25.100 vụ gian lận thương mại và trốn thuế; cùng với hơn 1.100 vụ sản xuất, kinh doanh hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Tổng số tiền thu nộp ngân sách Nhà nước đạt trên 4.897 tỷ đồng. Cơ quan điều tra cũng đã khởi tố gần 1.400 vụ án hình sự, với hơn 2.100 đối tượng liên quan bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Các mặt hàng thường xuyên bị làm giả, nhái hiện nay bao gồm: thời trang, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thiết bị điện tử và dược phẩm. Nhiều sản phẩm giả mạo các thương hiệu nổi tiếng như Gucci, Louis Vuitton hay Hermès vẫn được rao bán công khai trên các nền tảng mạng xã hội (như Facebook, Instagram và TikTok) và các sàn Thương Mại Điện Tử, thậm chí len lõi vào các Trung tâm thương mại lớn.

thực trạng hàng giả, hàng nhái ở việt nam

Ảnh hưởng của hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng

Tình trạng buôn bán hàng giả, hàng nhái các thương hiệu lớn đang diễn ra phổ biến và ngày càng tinh vi, gây thiệt hại nghiêm trọng cho doanh nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người tiêu dùng và làm suy giảm niềm tin vào môi trường kinh doanh lành mạnh.

Tác động đến người tiêu dùng

  • Gây hại cho sức khỏe và an toàn cá nhân: Người tiêu dùng có nguy cơ đối mặt với ngộ độc, dị ứng, tổn thương thể chất hoặc tai nạn do sử dụng các sản phẩm không đạt chuẩn, đặc biệt là thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm và thiết bị điện tử.

  • Thiệt hại về tài chính cá nhân: Chi phí bị đội lên do phải thay thế sản phẩm kém chất lượng, mất quyền được bảo hành và có thể mất trắng tiền trong các vụ lừa đảo mua hàng giả.

  • Giảm niềm tin vào thị trường và thương hiệu: Người tiêu dùng ngày càng nghi ngờ tính chính hãng của sản phẩm, ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng và làm giảm lòng tin đối với cả thương hiệu thật lẫn thị trường nói chung.

  • Ảnh hưởng tâm lý và cảm xúc: Người tiêu dùng có thể cảm thấy bị lừa, bất an, thậm chí mất tự tin khi sử dụng sản phẩm giả – đặc biệt là hàng thời trang hoặc sản phẩm liên quan đến sức khỏe.

  • Gây hại cho môi trường và xã hội: Việc tiêu thụ hàng kém chất lượng góp phần làm gia tăng rác thải, ô nhiễm môi trường và tiếp tay cho nền kinh tế phi chính thức.

Tác động đến thương hiệu

Hàng giả từ lâu đã không chỉ là mối đe dọa pháp lý, mà còn là nguồn cạnh tranh ngầm nhưng cực kỳ nguy hiểm đối với các thương hiệu trên quy mô toàn cầu. Trong khi doanh nghiệp nỗ lực mở rộng thị phần và duy trì vị thế trước các đối thủ hợp pháp, thì những kẻ sản xuất hàng giả lại âm thầm phá hoại uy tín bằng cách cung cấp sản phẩm kém chất lượng dưới danh nghĩa của chính họ.

Các nghiên cứu của IncoPro phát hiện ra rằng, 52% người tiêu dùng mất lòng tin vào một thương hiệu sau khi mua hàng giả trực tuyến, trong khi 64% mất lòng tin vào các thị trường trực tuyến. Điều này thực sự khiến Nike ngừng bán sản phẩm của mình trên Amazon.

Vì vậy, sự tràn lan của hàng giả, hàng nhái và hàng kém chất lượng không chỉ là bài toán về lợi nhuận, mà còn là cuộc khủng hoảng niềm tin – nơi những thương hiệu không chủ động bảo vệ mình sẽ đối mặt với rủi ro mất vị thế ngay cả khi vẫn đang hoạt động đúng chuẩn. Trong kỷ nguyên của sự minh bạch và trải nghiệm khách hàng, năng lực quản trị rủi ro hàng giả chính là một phần thiết yếu trong chiến lược xây dựng thương hiệu bền vững.

Tác động đến kinh doanh toàn cầu

Làm giả là một vấn đề nghiêm trọng. Mặc dù ước tính có khác nhau, tổng số hàng giả được bán ra mỗi năm vào khoảng 1,7 nghìn tỷ đô la đến 4,5 nghìn tỷ đô la, điều này sẽ khiến hàng giả trở thành nền kinh tế lớn thứ mười - chỉ cao hơn tổng GDP của Canada và có thể là lớn thứ tư trên Đức. Nó cũng chịu trách nhiệm cho 2,5 triệu việc làm bị mất trên toàn cầu. Ngoài ra, các doanh nghiệp và người tiêu dùng Hoa Kỳ cũng có xu hướng là nạn nhân lớn nhất của hàng giả. Người mua sắm Hoa Kỳ có xu hướng mua phần lớn hàng giả ở mức khoảng 60% đến 80% tổng số hàng hóa được bán.

Các nhà bán lẻ và thương hiệu xa xỉ chịu nhiều tác hại nhất từ ​​hàng giả, đặc biệt là những thương hiệu bán sản phẩm của họ trên các thị trường toàn cầu. Mặc dù hàng giả gây khó khăn cho các doanh nghiệp này, nhưng nó cũng đi kèm với những hậu quả địa chính trị rộng lớn hơn. Ví dụ, hành vi trộm cắp IP từ tội phạm ở Trung Quốc là một phần nguyên nhân dẫn đến thuế quan do Hoa Kỳ áp dụng cách đây vài năm. (Được tổng hợp và dịch từ: Forbes.com).

Giải pháp phòng, chống hàng giả, hàng nhái hiệu quả cho doanh nghiệp

Tình trạng hàng giả tràn lang này càng trở nên phức tạp khi mạng lưới internet toàn cầu phát triển vượt bậc, trong khi khuôn khổ quản lý của chính phủ còn hạn chế. Giống như cuộc chiến bất tận với vi phạm bản quyền, nạn hàng giả trực tuyến khiến các cơ quan chức năng gần như bất lực trong việc kiểm soát và xử lý triệt để.

Chính vì vậy, doanh nghiệp không thể tiếp tục chỉ trông chờ vào hệ thống pháp lý. Việc chủ động bảo vệ sản phẩm, tài sản trí tuệ và uy tín thương hiệu trở thành trách nhiệm chiến lược của mỗi tổ chức. Để làm được điều này, các doanh nghiệp cần:

Xây dựng hệ thống nhận diện và bảo vệ sản phẩm

  • Tem chống giả thế hệ mới (QR code ẩn, hologram, sắc tố vô hình, chip NFC).
  • Bao bì có yếu tố xác thực riêng biệt (in nổi, mã biến động, phân lớp thiết kế).
  • Tích hợp truy xuất nguồn gốc sản phẩm thông qua nền tảng blockchain, mã hóa truy xuất.

Áp dụng công nghệ xác thực thông minh

  • Ứng dụng công nghệ số như AI, IoT, NFT để xác minh tính chính hãng.
  • Kết hợp ứng dụng di động cho người tiêu dùng kiểm tra trực tiếp qua mã vạch, QR.
  • Cảnh báo giả mạo theo thời gian thực qua hệ thống giám sát phân phối.

Nâng cao năng lực quản trị chuỗi cung ứng

  • Kiểm soát chặt chẽ các khâu sản xuất - vận chuyển - phân phối
  • Phân quyền truy cập và lưu vết giao dịch (Blockchain Logistics)
  • Đào tạo và ràng buộc đối tác phân phối về bảo vệ thương hiệu

Truyền thông và giáo dục người tiêu dùng

  • Hướng dẫn khách hàng nhận diện sản phẩm thật – giả.
  • Công khai minh bạch các công cụ xác minh sản phẩm.
  • Xây dựng cộng đồng người tiêu dùng trung thành và chủ động báo cáo hàng giả.

Tăng cường bảo vệ pháp lý và phối hợp với cơ quan chức năng

  • Đăng ký sở hữu trí tuệ tại Việt Nam và quốc tế (WIPO, NOIP).
  • Phối hợp kiểm tra thị trường, xử lý hàng giả.
  • Theo dõi và khởi kiện các đối tượng vi phạm bản quyền/thương hiệu.

Hàng giả, hàng nhái và hàng kém chất lượng vẫn là mối đe dọa nghiêm trọng đối với các thương hiệu trong kỷ nguyên thương mại số. Nhưng các thương hiệu không phải là bất lực. Việc chủ động bảo vệ thương hiệu không chỉ giúp ngăn chặn gian lận mà còn mở ra cơ hội gia tăng giá trị – từ việc củng cố lòng tin khách hàng đến khai thác dữ liệu sâu hơn trong chuỗi cung ứng.

Bài viết được quan tâm

Bài viết mới nhất

Trang trên 389