Trong bối cảnh chuyển đổi số ngày càng mạnh mẽ và xu hướng minh bạch hóa trong quản lý thuế, chính sách thuế tại Việt Nam đang bước vào giai đoạn thay đổi quan trọng. Một trong những thay đổi lớn là việc xóa bỏ hình thức thuế khoán từ 06/2025, thay vào đó là áp dụng hóa đơn điện tử từ máy tính tiền đối với các hộ và cá nhân kinh doanh có doanh thu lớn. Điều này cũng đặt ra bài toán lớn về năng lực tuân thủ, đầu tư công nghệ và thay đổi tư duy đối với các chủ thể vốn quen với mô hình kinh doanh truyền thống.
Tác động của chính sách thuế mới đến hoạt động kinh doanh
- Tâm lý e ngại và sự lúng túng lan rộng
- Khi sự thay đổi chưa được chuẩn bị kỹ lưỡng
- Thay đổi hành vi tiêu dùng và rủi ro cho người kinh doanh
- Cơ hội tái cấu trúc hoạt động và nâng cấp mô hình kinh doanh
Những thay đổi mới từ Luật thuế được xem là nỗ lực đúng đắn, phù hợp xu thế toàn cầu, giúp giảm thất thu, tăng minh bạch và thúc đẩy xã hội số. Tuy nhiên, chuyển đổi này cũng đặt ra nhiều thách thức cho hộ kinh doanh nhỏ lẻ vốn quen với mô hình truyền thống, từ đầu tư hạ tầng kỹ thuật đến thay đổi nhận thức và cách thức tuân thủ pháp luật thuế.
Tâm lý e ngại và sự lúng túng lan rộng
Nếu chính sách mới mang theo khát vọng lớn về minh bạch và hiện đại hóa, thì ở chiều ngược lại, nhiều hộ kinh doanh lại cảm thấy bối rối, lúng túng hoặc thậm chí hoang mang. Từ trước đến nay, phần lớn các hộ kinh doanh hoạt động với mô hình nhỏ, không đăng ký kinh doanh, không có mã số thuế, và chưa từng sử dụng đến thiết bị công nghệ như máy tính tiền, phần mềm bán hàng hay hóa đơn điện tử. Với họ, thuế khoán là một “thỏa thuận ngầm”, đơn giản, dễ hiểu và ít rắc rối. Nay, sự thay đổi đột ngột như một cú sốc khiến không ít người cảm thấy “bị đặt vào thế phải thay đổi, dù chưa sẵn sàng”.
Theo ghi nhận, ngay khi nhận được thông báo triển khai hóa đơn điện tử từ đầu tháng 5/2025, nhiều người kinh doanh không biết bắt đầu từ đâu: thiếu thiết bị, thiếu kiến thức, thiếu người hướng dẫn cụ thể, trong khi thời gian chuẩn bị thì quá gấp. Chỉ riêng trong tháng 05/2025, có tới 3763 hộ kinh doanh ngừng hoạt động hoặc đóng cửa, nguyên nhân chủ yếu từ tâm lý e ngại bị kiểm tra, sợ hiểu sai hoặc không đầy đủ về các chính sách thuế,....
Một số khác chọn cách phản ứng tiêu cực hơn: chỉ nhận thanh toán tiền mặt, thu thêm phụ phí khi khách chuyển khoản, hoặc ghi nội dung giao dịch không rõ ràng để tránh để lại dấu vết điện tử - tất cả đều xuất phát từ nỗi sợ bị “siết thuế” và mất kiểm soát trong hoạt động vốn trước nay khá tự do.
Khi sự thay đổi chưa được chuẩn bị kỹ lưỡng
Chuyển đổi luôn cần thời gian. Và khi thời gian không đủ, sự phản ứng tiêu cực là điều khó tránh khỏi. Trên thực tế, những ngày cuối tháng 5/2025 chứng kiến tình trạng nghẽn mạng, quá tải hồ sơ tại các nhà cung cấp hóa đơn điện tử và phần mềm bán hàng. Đây là minh chứng rõ ràng cho thấy việc triển khai gấp rút mà không có chuẩn bị từ hai phía - cả người dân và nhà cung cấp dịch vụ.
Về phía hộ kinh doanh, họ vừa phải trang bị thiết bị phần cứng (máy tính tiền, máy in hóa đơn), vừa phải học cách vận hành phần mềm, đồng thời phối hợp với cơ quan thuế để phê duyệt - một chuỗi thủ tục mà người vốn chỉ quen ghi chép thủ công bằng sổ tay chắc chắn sẽ choáng ngợp. Đối với nhiều người, việc kê khai đúng doanh thu đồng nghĩa với việc giá bán hàng hóa có thể phải tăng thêm thuế, khiến họ mất đi lợi thế cạnh tranh với các đơn vị vẫn “trốn thuế”.
Thay đổi hành vi tiêu dùng và rủi ro cho người kinh doanh
Tương tự người bán, người mua cũng bị ảnh hưởng đáng kể bởi các chính sách thuế. Trong thời đại thanh toán số đang trở thành chuẩn mực, việc một cửa hàng từ chối chuyển khoản hoặc yêu cầu thu thêm phí là trái với thói quen tiêu dùng hiện đại, gây ra sự bất tiện và thậm chí mất thiện cảm từ phía khách hàng.
Chưa kể, theo các chuyên gia pháp lý, hành vi từ chối chuyển khoản hoặc yêu cầu ghi nội dung mập mờ như “tiền quà”, “tiền trả nợ”,... không giúp che giấu doanh thu, mà ngược lại, có thể trở thành manh mối để cơ quan thuế xác minh hành vi trốn thuế. Những rủi ro như bị truy thu thuế, xử phạt hành chính, bị rút giấy phép hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự là điều hoàn toàn có thể xảy ra nếu người kinh doanh không thay đổi kịp thời.
Cơ hội tái cấu trúc hoạt động và nâng cấp mô hình kinh doanh
Dưới góc nhìn tích cực, chính sách thuế mới là cơ hội để các hộ kinh doanh nâng cấp hoạt động của mình. Việc minh bạch hóa thu nhập, có hóa đơn chứng từ rõ ràng sẽ tạo điều kiện để họ tiếp cận được với vốn vay, tham gia các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, và từng bước phát triển từ quy mô cá thể lên mô hình doanh nghiệp chính thức. Điều này vừa có lợi cho bản thân người kinh doanh vừa góp phần mở rộng khu vực kinh tế tư nhân - đúng như tinh thần của Nghị quyết 198/2025/QH15.
Các hộ doanh nghiệp chưa thích ứng kịp với các thay đổi từ Luật Thuế
Những thay đổi cụ thể trong quy trình thuế mà người kinh doanh cần biết
Dưới đây là 08 quy định mới về thuế có hiệu lực từ 01/07/2025 mà các chủ doanh nghiệp, hộ kinh doanh/ người làm kinh doanh cần nắm rõ để không bị động:
1. Thay đổi lớn đối với mã số thuế
2. Điều chỉnh đối tượng không chịu thuế GTGT
3. Sửa đổi giá tính thuế đối với hàng nhập khẩu
4. Hướng dẫn cụ thể khai thuế GTGT đầu vào bị sai, sót
5. Bổ sung trường hợp hoàn thuế
6. Thay đổi điều kiện khấu trừ thuế GTGT đầu vào
7. Điều chỉnh thuế suất thuế GTGT của một số hàng hóa, dịch vụ
- Bổ sung thêm một số đối tượng áp dụng thuế suất 0%
- Các sản phẩm không chịu thuế chuyển sang chịu thuế 5%
- Các sản phẩm áp dụng thuế suất 5% chuyển sang 10%
8. Bổ sung quy định với hàng hóa khuyến mại
>>> Xem thêm: Chi tiết các nội dung thay đổi về thuế mới nhất 2025
03 Tiêu chí hộ kinh doanh chuẩn theo luật mới nhất
Theo thông báo từ Chi cục Thuế khu vực I, kể từ ngày 01/6/2025, các hộ và cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực bán lẻ, ăn uống và dịch vụ bắt buộc phải sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế được khởi tạo từ máy tính tiền, nếu đáp ứng một trong ba tiêu chí sau:
- Nộp thuế theo phương pháp khoán và có doanh thu hàng năm trên 01 tỷ đồng;
- Có sử dụng máy tính tiền trong hoạt động kinh doanh;
- Có quy mô về doanh thu hoặc lao động đạt mức cao nhất theo tiêu chí của doanh nghiệp siêu nhỏ và đang thực hiện chế độ kế toán, nộp thuế theo phương pháp kê khai.
Do đó, từ ngày 30/5/2025, các hộ và cá nhân kinh doanh thuộc nhóm đối tượng nêu trên cần: Đăng ký mới nếu chưa từng sử dụng hóa đơn điện tử từ máy tính tiền; hoặc đăng ký chuyển đổi nếu đang sử dụng hình thức hóa đơn khác.
Chủ doanh nghiệp/hộ kinh doanh/người làm kinh doanh đóng thuế theo hình thức nào?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 11 Nghị định 123/2020/NĐ-CP, đã được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 8 Điều 1 Nghị định 70/2025/NĐ-CP và khoản 6 Điều 10 Nghị quyết 198/2025/QH15, chính sách thuế đối với hộ và cá nhân kinh doanh sẽ thay đổi theo lộ trình sau:
- Giai đoạn từ 01/6/2025 đến hết 31/12/2025: Hình thức nộp thuế theo phương pháp khoán sẽ không còn áp dụng đối với các hộ kinh doanh có doanh thu từ 01 tỷ đồng/năm trở lên, cũng như đối với doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc một số ngành nghề cụ thể được cơ quan thuế quy định.
- Từ ngày 01/01/2026: Việc bãi bỏ thuế khoán sẽ được áp dụng trên diện rộng, nghĩa là tất cả các hộ cá nhân kinh doanh, không phân biệt quy mô hay ngành nghề, đều không còn thuộc đối tượng nộp thuế theo phương pháp khoán.
Theo quy định tại Điều 5, Điều 6 và Điều 7 Thông tư số 40/2021/TT-BTC, hiện nay hộ và cá nhân kinh doanh có thể lựa chọn một trong ba hình thức khai và nộp thuế: phương pháp kê khai, phương pháp theo từng lần phát sinh nghĩa vụ thuế, hoặc phương pháp khoán. Nếu trường hợp thuế khoán bị bỏ, hộ kinh doanh có thể lựa chọn theo 2 phương pháp:
- Nộp thuế theo phương pháp kê khai: Áp dụng cho những hộ hoặc cá nhân kinh doanh có doanh thu từ 100 triệu đồng trở lên mỗi năm.
- Nộp thuế theo từng lần phát sinh: Áp dụng đối với cá nhân có hoạt động kinh doanh không thường xuyên, không có địa điểm cố định - ví dụ như các hình thức bán hàng lưu động, theo mùa vụ hoặc ngắn hạn. Việc nộp thuế sẽ được thực hiện mỗi khi phát sinh nghĩa vụ thuế cụ thể.
Luật Thuế mới về các quy định ưu đãi, chính sách, hình thức nộp thuế cho các hộ kinh doanh
Các doanh nghiệp nhỏ và cá nhân kinh doanh cần làm gì?
- Thay đổi tư duy theo hướng tích cực
- Tư duy “tiền mặt để né thuế” đã lỗi thời
- Quản trị rủi ro thuế
- Sử dụng công nghệ
- Hiểu luật thuế
Những thay đổi về chính sách, quy trình quản lý, cũng như áp lực cạnh tranh từ thị trường khiến việc vận hành theo tư duy "đơn giản, thủ công, linh hoạt theo kinh nghiệm" dần trở nên không còn phù hợp. Thay vào đó, đòi hỏi một cách tiếp cận bài bản hơn, từ việc kê khai đúng phương pháp thuế, kiểm soát rủi ro đến ứng dụng công nghệ vào hoạt động thường nhật.
Thay đổi tư duy theo hướng tích cực
Trong tâm thức xã hội, người làm kinh doanh nhỏ thường có tâm lý né tránh thuế. Một phần do lo sợ thủ tục rườm rà, một phần vì quan niệm rằng: “muốn sống sót thì phải luồn lách.” Tuy nhiên, điều đó đang dần trở nên lỗi thời.
Thực tế, ngành thuế hiện nay không đi theo con đường siết chặt một cách cứng nhắc, mà đang mở ra nhiều chính sách hỗ trợ song hành. Cụ thể, theo Nghị quyết 198/2025/QH15, các hộ cá thể nếu chuyển đổi lên mô hình doanh nghiệp nhỏ sẽ có cơ hội được:
- Ưu đãi đầu tư, miễn giảm thuế giai đoạn đầu
- Chính sách vay vốn thuận lợi, lãi suất thấp hơn thị trường
- Các chương trình đào tạo chuyên môn, chuyển đổi số hoàn toàn miễn phí
Đây không còn là lý thuyết trên giấy. Việc áp dụng hóa đơn điện tử từ máy tính tiền - tưởng chừng là gánh nặng - thực chất là một phần trong lộ trình số hóa nhẹ nhàng, phù hợp với trình độ và năng lực của đại đa số người kinh doanh nhỏ. Nói cách khác, chính sách thuế đang đặt ra một lựa chọn công bằng và rõ ràng: minh bạch để được hỗ trợ, hay tiếp tục ẩn mình và đối mặt với rủi ro.
Tư duy “tiền mặt để né thuế” đã lỗi thời
Trong bối cảnh hiện tại, câu hỏi không còn là: “Tôi có bị áp thuế không?” mà là: “Tôi cần làm gì để kinh doanh hợp pháp, minh bạch và phát triển lâu dài?”. Câu trả lời nằm ở sự chuyển biến trong tư duy. Nếu tiếp tục coi thuế là điều phải trốn tránh, người kinh doanh sẽ luôn ở thế phòng thủ, bị động, và bất an. Ngược lại, nếu xem việc tuân thủ thuế là bước khởi đầu cho sự chuyên nghiệp hóa, thì chính sách mới sẽ trở thành đòn bẩy thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
Hơn bao giờ hết, đây là thời điểm mà mỗi hộ, mỗi cá nhân kinh doanh cần hiểu rõ trách nhiệm thuế, chủ động học hỏi, và chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp nhỏ chính thức, với đầy đủ năng lực quản trị và pháp lý. Sự chuyển đổi đó giúp tăng uy tín trong mắt khách hàng và đối tác, mà còn mở ra cánh cửa mới để tiếp cận nguồn vốn, mở rộng quy mô và khẳng định chỗ đứng trên thị trường.
Quản trị rủi ro thuế
Một trong những sai lầm phổ biến của các doanh nghiệp nhỏ và hộ kinh doanh cá thể là xu hướng đánh giá thấp vai trò của quản trị rủi ro thuế. Nhiều người vẫn giữ quan điểm rằng “kinh doanh nhỏ thì ít bị để ý”, tuy nhiên thực tiễn cho thấy cơ quan thuế đang từng bước hiện đại hóa với sự hỗ trợ mạnh mẽ của công nghệ và dữ liệu lớn, từ đó mở rộng khả năng giám sát đến mọi quy mô hoạt động, kể cả những mô hình kinh doanh nhỏ lẻ.
Rủi ro thuế không chỉ đến từ hành vi trốn thuế cố ý, mà còn từ những sơ suất rất phổ biến như không lưu trữ hóa đơn đầu vào đầy đủ, kê khai sai mã ngành, hoặc ghi nhận chi phí không hợp lệ. Các lỗi này, nếu không được nhận diện và khắc phục kịp thời, có thể dẫn đến hậu quả tài chính lớn, thậm chí ảnh hưởng đến uy tín và khả năng tiếp cận tín dụng hoặc đối tác sau này.
Trong bối cảnh đó, việc xây dựng một tư duy quản trị thuế chủ động là điều tất yếu. Doanh nghiệp cần triển khai những hành động cơ bản nhưng thiết yếu như phân tách rõ ràng tài chính cá nhân và kinh doanh, lập sổ sách đầy đủ (dù ở mức đơn giản), lưu trữ chứng từ hợp lệ, và theo dõi sát sao các thông báo, chính sách mới từ cơ quan thuế,... Những hành động này tuy nhỏ nhưng là nền tảng để kiểm soát tốt nghĩa vụ thuế, đồng thời phòng ngừa rủi ro pháp lý một cách bài bản và lâu dài.
Sử dụng công nghệ
Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ trong những năm gần đây đang tạo ra một bước chuyển sâu rộng trong cách thức doanh nghiệp tiếp cận và thực hiện nghĩa vụ thuế. Nếu như trước kia, hoạt động kế toán - thuế chủ yếu dựa vào thao tác thủ công và kinh nghiệm cá nhân, thì hiện nay, các nền tảng số hóa đã và đang giúp đơn giản hóa quy trình, hạn chế sai sót và nâng cao mức độ minh bạch trong công tác quản trị tài chính - thuế.
Đối với các doanh nghiệp nhỏ và hộ kinh doanh, việc ứng dụng công nghệ vừa là giải pháp hỗ trợ tiện ích vừa là yếu tố cần thiết để vận hành hiệu quả trong môi trường quản lý hiện đại. Thông qua các phần mềm kế toán - thuế tích hợp, doanh nghiệp có thể dễ dàng theo dõi doanh thu, chi phí, lập báo cáo thuế định kỳ và thực hiện kê khai trực tuyến một cách chủ động, nhanh chóng và chính xác. Bên cạnh đó, việc triển khai hóa đơn điện tử - vốn đã trở thành yêu cầu bắt buộc theo quy định của pháp luật - cũng trở nên đơn giản hơn nếu được chuẩn bị sớm và đúng chuẩn, từ đó giảm thiểu đáng kể rủi ro bị xử phạt do sai sót kỹ thuật hoặc thiếu hồ sơ hợp lệ.
Ngoài ra, công nghệ còn đóng vai trò quan trọng trong việc lưu trữ và quản lý chứng từ. Các nền tảng lưu trữ dữ liệu đám mây như Google Drive, Dropbox hoặc các hệ thống bảo mật nội bộ cho phép doanh nghiệp truy cập, tra cứu và chia sẻ thông tin với cơ quan thuế một cách linh hoạt, đặc biệt trong các trường hợp cần đối chiếu, kiểm tra hoặc giải trình. Quan trọng hơn, công nghệ giúp xây dựng thói quen minh bạch hóa tài chính - điều mà doanh nghiệp nhỏ thường bỏ qua nhưng lại là điểm then chốt để phát triển bền vững.
Hiểu luật thuế
Thay đổi chính sách luôn đi kèm với thách thức. Nhưng nguy hiểm nhất là khi người kinh doanh không hiểu hoặc cố tình phớt lờ luật thuế. Khi không tuân thủ đúng các quy định, người kinh doanh không chỉ mất uy tín với khách hàng, mà còn có thể đối diện với hàng loạt hậu quả pháp lý:
- Bị xử phạt hành chính hoặc truy thu thuế do kê khai sai doanh thu,
- Bị điều tra vì hành vi trốn thuế nếu có dấu hiệu gian lận,
- Bị cấm hành nghề hoặc thu hồi giấy phép, nhất là trong những trường hợp vi phạm kéo dài hoặc gây hậu quả nghiêm trọng.
Những rủi ro trên không còn là lời cảnh báo chung chung. Trong môi trường kinh doanh ngày càng minh bạch và dữ liệu ngày càng được số hóa, việc không nắm vững chính sách thuế sẽ khiến người kinh doanh mất đi sự chủ động, mất khách hàng và có nguy cơ bị loại khỏi thị trường.
Chính sách thuế mới phản ánh một chủ trương đúng, hướng đến minh bạch, công bằng và hiện đại hóa nền kinh tế. Tuy nhiên, muốn chính sách đi vào cuộc sống một cách trơn tru, cần sự đồng hành, lắng nghe và hỗ trợ từ phía cơ quan chức năng. Đồng thời, các chủ hộ, cá nhân kinh doanh cũng cần thay đổi tư duy, từ tâm thế e ngại sang chủ động thích nghi, để biến thách thức thành cơ hội phát triển bền vững.
Các hộ kinh doanh cần có tư duy thuế và hiểu những quy định để vận hành kinh doanh hiệu quả
Chương trình Thuế kinh doanh - Giải pháp học nhanh nhanh - hiểu đúng cho người kinh doanh
Trong bối cảnh chính sách thuế thay đổi sâu rộng từ 01/07/2025, việc hiểu sai hoặc áp dụng sai quy định có thể khiến bạn bị truy thu, phạt hành chính, thậm chí đình chỉ hoạt động. Đây không chỉ là thay đổi về kỹ thuật kê khai, mà còn là phép thử đối với năng lực quản lý và tuân thủ của mỗi cá nhân, mỗi tổ chức.
Sự chuyển đổi này đặt ra một yêu cầu mới: người kinh doanh phải trở thành người hiểu luật, thay vì chỉ “làm theo thói quen”. Và để hỗ trợ cộng đồng kinh doanh bước qua giai đoạn chuyển tiếp này một cách chủ động, hiệu quả, Học viện Quản lý PACE đã thiết kế chương trình đào tạo “THUẾ KINH DOANH” - tinh gọn, dễ hiểu, sát thực tế và có thể ứng dụng ngay.
>>> Xem chi tiết và đăng ký ngay tại: https://bit.ly/PACE-ThueKinhDoanh