Xài tiền khó hơn kiếm tiền?

Nếu như kiếm tiền là việc rất khó, thì xài tiền, lại càng khó hơn. Nếu không, thì doanh nhân vĩ đại trong thế kỷ trước, vua thép Andrew Carnegie, đã chẳng phải thốt lên: "Chết trong sự giàu có là một cái chết đáng hổ thẹn". Hội nhập toàn cầu, liệu ta có nên hội nhập cả cái văn hóa nhà giàu đáng nể trọng và cái cách xài tiền đầy trí tuệ của những người giàu thế giới?

Khi người Trung Quốc nói "không"

Chuyện kiếm tiền, đương nhiên là rất khó, cho dù kiếm bằng cách nào đi chăng nữa. Thế nhưng, khi kiếm tiền vượt qua ngưỡng của những nhu cầu tiêu dùng cho bản thân, gia đình và cộng đồng nhỏ xung quanh mình, thì việc ứng xử với một "núi" tiền lại là một thách thức không nhỏ đối với những người giàu và những người rất giàu.

Một câu chuyện điển hình là cách đây không lâu, khi hai trong số những người giàu nhất thế giới là Bill Gates và Warren Buffet khởi xướng chiến dịch "Giving Pledge" (tạm dịch là "Cam kết cho đi") nhằm kêu gọi các tỉ phú Mỹ dành phần lớn số tài sản của mình để góp phần thay đổi xã hội thông qua con đường từ thiện; họ đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ những "đồng nghiệp".

Đến nay, đã có hơn 70 tỉ phú Mỹ tham gia chiến dịch "cho đi" này. Những món tiền trị giá hơn một nửa hoặc gần như trọn vẹn tài sản của những doanh nhân thành đạt lần lượt được hiến tặng vì mục đích xã hội. Thế nhưng, khi bước chân sang Trung Quốc - quốc gia đông dân nhất thế giới với hàng loạt hiện tượng "siêu giàu" đang nổi lên, công cuộc thuyết phục của hai người đàn ông huyền thoại này lại không được dễ dàng như thế.

Bởi không phải tỉ phú Trung Quốc nào được mời tham dự "buổi tiệc lớn" của hai ông cũng sẵn sàng hay tỏ ra hào hứng với lời mời. "Sợ bị xin tiền" - đó là bình luận phổ biến nhất trên báo chí khi tường thuật lại cuộc thuyết phục chưa thành của Bill Gates và Warren Buffet tại Trung Quốc.

Rõ ràng quan niệm về cách xài tiền ở một quốc gia Á Đông khác xa so với nước Mỹ. Người Á Đông thường vẫn mong muốn tích lũy tài sản của mình, nhất là tài sản hữu hình, cho con cháu của họ. Và vì thế, triết lý "vì xã hội" đã không thuyết phục được nhà giàu mới tại Trung Quốc.

Liệu có chăng sự khác biệt về mặt suy nghĩ giữa nhà giàu phương Đông và phương Tây? Vì sao những người Á Đông, vốn sống duy tình, rất hay thương người nghèo khó, rất có nghĩa đồng bào, lại có vẻ chưa sẵn lòng cho việc trao đi như những người Âu Mỹ, vốn sống duy lý nhiều hơn?

Tại sao người giàu xứ người lại sẵn lòng tham gia vào sứ mệnh thay đổi thế giới bằng hoạt động từ thiện của mình? Phải chăng việc xài tiền cũng cần một triết lý và cả trí tuệ?

"Vì người" là cách... vì mình khôn ngoan nhất

Gần một trăm năm trước, với tâm niệm rằng, những gì mà mình có được đều từ cộng đồng thì cũng nên quay trở lại phục vụ cộng đồng, vua thép Andrew Carnegie đã gây xôn xao thế giới khi tuyên bố: "Cái chết trong sự giàu có là một cái chết đáng hổ thẹn".

Để minh chứng cho việc này, ông đã hiến 90% tài sản của mình cho để kiến tạo xã hội. Điều này cùng với truyền thống làm từ thiện lâu nay của các tỷ phú Mỹ, đã làm thay đổi cái nhìn về cách xài tiền, định nghĩa lại sự giàu có và góp phần hình thành nên văn hóa người giàu của nước Mỹ nói riêng và thế giới nói chung.

80 năm sau khi Carnegie qua đời, Warren Buffett chia sẻ: "Ngày tôi còn trẻ, rất nghèo, tôi đọc được tuyên ngôn của vua thép và không dứt ra được khỏi ý tưởng về ý nghĩa của tiền tài và cách hiến tặng của cải. Đến khi tôi trở nên giàu có, tôi hoàn toàn thấm thía cách nghĩ của ông và quyết tâm đi theo con đường này, và cùng những người bạn của tôi cổ vũ cho phong trào sử dụng tiền của để kiến tạo xã hội.

Con cái chúng ta, thì chúng ta phải có trách nhiệm, nhưng chỉ được phép cung cấp cho chúng đủ điều kiện để có thể thực hiện điều mà chúng muốn, chứ không được phép làm cho chúng không làm gì cả trên đống của cải mà chúng ta để lại".

Nghĩa là, thay vì cố gắng kiếm tiền để rồi cuối đời mới viết di chúc cho người khác sử dụng núi tiền khổng lồ của mình, những tỉ phú thế kỷ 21 như Warren Buffet lại muốn tự sử dụng hết và sử dụng một cách khôn ngoan toàn bộ số tiền mà mình đã vất vả cả đời mới kiếm được trước khi "ra đi". Tức là "cho khi còn sống", chứ không phải là "cho khi đã chết".

Thậm chí ngày nay, nhà giàu họ còn có xu hướng muốn "cho khi còn trẻ". Chẳng hạn, tỷ phú Mark Zuckerberg, nhà sáng lập của Facebook, đã cam kết cho đi hơn một nửa trong tổng số tài sản 17,5 tỷ USD của mình dù ông ấy chỉ mới đang ở độ tuổi "hai mấy".

GS Jason Franklin ở ĐH New York đã chia sẻ thêm về phong trào này: "Một người làm từ thiện khi về già vì ông ấy muốn con cháu mình có một thế giới mới tươi đẹp hơn, còn những người trẻ cho đi tài sản của họ để chính họ sẽ được hưởng một thế giới mới tươi đẹp hơn".

Dẫu phải cần thêm một thời gian nữa để "tư duy từ thiện mới" này có thể lan tỏa mạnh mẽ và rộng khắp thế giới, nhưng "đoàn quân" của những tỷ phú này đang ngày càng đông lên, với những cam kết đóng góp ngày một nhiều hơn. Và những thay đổi mà họ tạo ra cho thế giới ngày một rõ nét hơn, rộng lớn hơn... Và không thể không thừa nhận rằng họ cũng đã góp phần thay đổi cái nhìn còn pha nhiều thành kiến mà người ta thường dành cho "giới nhà giàu".

Nhiều người vẫn cho rằng, sự giàu có đồng nghĩa với tội lỗi. Không đúng! Tiền bạc thực ra chỉ là vật trung tính, bản thân nó không tốt cũng chẳng xấu. Tốt hay xấu không nằm ở đồng tiền, mà nằm ở cách kiếm tiền và cách xài tiền.

Kiếm tiền bằng cách này là xấu, kiếm tiền bằng cách kia thì tốt. Xài tiền vào việc này là xấu, xài tiền vào việc kia thì tốt. Và tổng những gì mà mình kiếm được cho mình thì luôn bằng với tổng những gì mà mình mang lại hay gây ra cho người khác. Đó cũng là lý do vì sao người ta thường hay nói rằng, "đằng sau một gia tài khổng lồ có thể là một cống hiến lớn, hay là một tội ác lớn, hay là cả hai".

Những đồng tiền kiếm được chỉ được xem là "sạch sẽ" nếu như kiếm bằng cách mang lại giá trị gì đó cho người khác và không gây hại gì cho ai cả. Và nếu như trách nhiệm xã hội lớn nhất của doanh nhân là cùng doanh nghiệp của mình mang đến cho xã hội những sản phẩm, dịch vụ hữu ích và vô hại, thì trách nhiệm xã hội của người giàu sẽ là gì nếu như không phải là biết cách sử dụng số tiền mà mình có sao cho ý nghĩa nhất, có lợi nhất cho mình và cho cả tương lai của xã hội!?

Ở các nước phát triển, các hoạt động văn hóa, khoa học, giáo dục, y tế, môi sinh, dân sinh... chỉ dùng một phần từ ngân sách quốc gia. Một phần không nhỏ họ dùng nguồn quỹ vận động từ các doanh nhân hiến tặng.

Trường ĐH Harvard lừng danh là một ví dụ, từ các tòa nhà, thư viện, phòng thí nghiệm, đến học bổng, kinh phí nghiên cứu khoa học, hầu như đều dựa rất nhiều vào nguồn tiền dồi dào do các doanh nhân, doanh nghiệp, các nhà khoa học, nhà hảo tâm đóng góp.
Có người ghi tên mình vào tòa nhà, đóng dấu ấn của mình vào phòng thí nghiệm hay đặt tên một quỹ học bổng để vinh danh dòng họ của mình. Nhưng cũng có người chỉ lặng lẽ trao tặng để tìm kiếm niềm hạnh phúc riêng cho bản thân mình với suy nghĩ "thi ân bất cần báo"...

Những người kiếm tiền một cách tử tế mà trở nên giàu có bậc nhất thế giới thì hẳn là trí tuệ và tầm nhìn của họ cũng đáng nể trọng. Vậy điều gì khiến họ thương người hơn cả thương mình? Nhưng có thật như vậy không? Hay họ thấm nhuần phương châm: "Vì người" là cách... vì mình khôn ngoan nhất.

Và chia sẻ triết lý của nhà bác học lỗi lạc, nhà hiền triết, nhân vật có ảnh hưởng bậc nhất trong thế kỷ 20 Einstein: "Chỉ có một cuộc đời sống để phục vụ người khác mới là một cuộc đời đáng sống". Họ đã mưu cầu hạnh phúc cho bản thân mình và gia đình mình bằng cách tạo ra hạnh phúc cho những người quanh mình, cho xứ sở mình và cho cả đồng loại của mình.

Và lựa chọn của riêng mình...

Một khi đã là triệu phú hay tỷ phú thì điều quan trọng không hẳn là "kiếm được" hay "đạt được" cái gì cho mình, mà là "mang lại" hay "để lại" cái gì cho xã hội và sẽ đi vào lịch sử như thế nào.

Di sản của nhà giàu sẽ là gì nếu tiền bạc của mình chỉ để "vinh thân phì gia"!? Sẽ quý giá biết bao khi di sản của nhà giàu là những giá trị vô hình (sự phát triển về văn hóa, khoa học, giáo dục...). Hay những giá trị hữu hình mà đồng tiền của họ đã tạo ra (trường học, bảo tàng, thư viện, bệnh viện, các công trình văn hóa, nghệ thuật, lịch sử có giá trị...).

Thực tế cho thấy, một khi đã đạt tới đỉnh cao thì, dù muốn hay không, tên tuổi cũng sẽ được hay bị lưu truyền. Khi đạt đỉnh cao quyền lực, cả ngàn năm sau người ta sẽ nhắc đến như là một "minh quân" hay một "bạo chúa"? Khi đạt đỉnh cao về tiền tài, người đời sẽ nhớ đến như một "trọc phú" hay một "người kiến tạo tương lai"?... Điều này hoàn toàn tùy thuộc vào sự lựa chọn của mỗi người khi còn sống.

Đó là một lựa chọn không hề dễ dàng, nhưng là một lựa chọn đầy thú vị. Thú vị không phải vì chuyện đúng, sai, phải, trái, mà đơn giản là mỗi người tự biết sẽ dùng cuộc đời của mình vào việc gì, dùng tiền của mình vào việc gì, muốn sống lặng lẽ và ra đi lặng lẽ, hay sống mãi với đời từ những giá trị mà mình đã tạo ra và để lại...

Giản Tư Trung (Theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn VietnamNet)

CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO

GIÁM ĐỐC KINH DOANH - CCO

(CHIEF CUSTOMER OFFICER)

Với nhận thức sâu sắc về những thay đổi của ngành quản trị bán hàng tại Việt Nam và trên thế giới, các chuyên gia của PACE đã nghiên cứu và biên soạn Chương trình đào tạo Giám đốc Kinh doanh (CCO). Chương trình đặc biệt này được triển khai nhằm góp phần xây dựng một lực lượng phát triển kinh doanh chuyên nghiệp cho cộng đồng doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam.

Bài viết được quan tâm

Bài viết mới nhất

Trang trên 376