Cải cách giáo dục nhìn từ một bài tập vẽ

10 tuổi, không có chút năng khiếu vẽ vời nào, đứa bé loay hoay đến tội nghiệp. Ông bố thương con cũng xoay trần ra đánh vật với bút chì và màu vẽ. Nhưng rồi ông cũng đành chịu thua. Cuối cùng thì người mẹ được mách nước đã đi "nhờ" cậu sinh viên mỹ thuật cạnh nhà vẽ giúp. Vậy là cả nhà yên tâm: thế nào cũng có điểm 10 đỏ chói.

Những đứa trẻ, chủ nhân tương lai của xã hội, sau khi mang điểm 10 về cất thì chẳng còn gì trong hành trang vào đời. Tức là thời gian, công sức và sự trông đợi mà xã hội gửi gắm vào môn học này trở thành con số 0 tròn trĩnh.

Số 0 tròn trĩnh ấy chính là một biểu hiện của phương cách giáo dục thiếu thực chất. Thực chất việc dạy và học môn mỹ thuật không phải để tất cả học sinh trở thành họa sĩ, mà để nâng cao năng lực mỹ cảm của người học. Đơn giản là hãy dạy đứa bé biết thế nào là một bức tranh đẹp, cảm nhận được những mảng màu của cuộc sống để có thể sống tốt hơn, nhìn mọi thứ đẹp hơn, chứ không cố gắng bắt ép học sinh trở thành họa sĩ một cách không thể thực hiện được.

Chính vì mục tiêu giáo dục của môn học bị sai lệch, sẽ kéo theo những hệ lụy về nội dung học, cách thức học và lẽ dĩ nhiên, cách thi cử và cách đánh giá kết quả của môn học này cũng khác. Cái sự khác này làm bật lên một câu hỏi: "sứ mệnh" hay mục tiêu của môn họa là tạo ra giá trị gì, năng lực gì cho người học ngoài cái điểm 10 vô trách nhiệm ấy?

Nhưng đâu chỉ có môn họa, mà nhìn đâu cũng thấy rằng mục tiêu của việc học đang được xác định hay triển khai một cách thiên lệch. Như môn thể dục, xét cho cùng là để học sinh biết cách rèn luyện một cơ thể khỏe mạnh trong cả cuộc đời mình. Chẳng hạn như nên học ăn gì, uống gì, ngủ ra sao, tập luyện thế nào... Thể dục chính là một phần quan trọng của ba yếu tố mà mỗi con người cần được xây dựng để biết làm người: thể dục, trí dục và đức dục. Nhưng hiện nay cứ nhìn vào lịch học của học sinh chúng ta: thể dục là học chạy, học nhảy... tựa như để đào tạo ra những vận động viên điền kinh tương lai.

Thử nhìn mọi điều của giáo dục bằng phương pháp luận 2W1H, chỉ khi nào có "mục tiêu của sự học" (why) rồi thì mới có thể xác định được là nên "học cái gì” (what) và sau cùng mới xác định được là nên "học như thế nào" (how). Bản chất cơ bản của giáo dục là một quá trình học liên tục, học để biết cách giải quyết những vấn đề của cuộc sống: học làm người, học làm việc và học làm dân.

Dư luận vẫn thường kêu ca là giáo dục VN đang "làm nhà từ nóc". Nhưng không làm từ nóc thì làm từ đâu bây giờ? Có lẽ bắt đầu từ cái móng chăng? Không được! Nếu không có bản vẽ kiến trúc thì làm móng thế nào đây. Vậy nhưng làm sao có được bản vẽ? Tất cả phải bắt đầu từ ý tưởng về ngôi nhà mà mình muốn xây dựng.

Tương tự như vậy, ngôi nhà giáo dục cũng phải bắt đầu từ một ý tưởng rõ ràng, từ những mục tiêu cụ thể và thuyết phục: chúng ta muốn có một ngôi nhà giáo dục ra sao, muốn tạo ra những con người như thế nào cho xã hội tương lai!?

GIẢN TƯ TRUNG (Theo Tuổi Trẻ)

Bài viết được quan tâm

Bài viết mới nhất

Trang trên 376