Chuyên gia Nhật: nên khuyến khích nhân viên dám thất bại

"Hãy cho các bạn trẻ nhiều cơ hội, không chỉ cơ hội thành công mà cả cơ hội thất bại, bởi họ học được nhiều điều từ thất bại hơn là thành công."

 

Đó là lời chia sẻ của diễn giả TS. Koichi Hori trong buổi đối thoại và chia sẻ với cộng đồng doanh nhân Việt Nam thông qua Diễn đàn Talk & Think (Chia sẻ để suy ngẫm) chiều ngày 8-10. Diễn đàn do Trường Doanh Nhân PACE tổ chức với chủ đề “Tư tưởng kinh doanh và tư duy quản trị của người Nhật”.

“Thất bại, sẽ mất tiền, tôi hiểu, và không ai muốn thất bại nhưng không vì vậy mà sợ thất bại. Các công ty nên có dự trù ngân sách dành cho các khoản này và nói rõ với nhân viên. Cần nói rõ cho nhân viên biết rằng họ được phép mắc sai lầm và ngân sách dành cho sai lầm của họ trong năm là bao nhiêu, đồng thời yêu cầu họ phải trung thực báo cáo sớm để ban giám đốc công ty chủ động quản lý”, ông Koichi tư vấn.

Ông Koichi khuyên các công ty cần phải quan tâm và đầu tư nhiều đến các nhân viên của mình bởi chính họ là người quyết định thành bại của công ty chứ không phải các cổ đông. "Các cổ đông chỉ đầu tư và kiếm lợi mà thôi, dĩ nhiên vẫn có một số trường hợp ngoại lệ, nhưng rất ít", ông Koichi nói.

“Hãy tôn trọng nhân viên như là đối tác, bởi rất đơn giản, anh tôn trọng họ thì họ mới tôn trọng anh. Hãy đối xử với họ, dù ở cấp bậc nào, bao nhiêu tuổi, thật bình đẳng. Tôi thường đi máy bay hạng thương nhân và các nhân viên của tôi cũng được phép đi hạng thương nhân. Tôi ở khách sạn 5 sao, họ cũng được ở khách sạn 5 sao, dù họ chỉ là một anh nhân viên trẻ tuổi với một năm kinh nghiệm. Như vậy gọi là bình đẳng. Điều này có thể sai, nhưng tôi thích và làm theo triết lý này”, ông Koichi chia sẻ.

Ngoài ra, trong vấn đề nhân sự, ông Koichi còn khuyên các lãnh đạo cấp cao nên dành thời gian cho nhân viên trẻ thông qua các buổi ăn trưa khi không có hẹn với đối tác. "Có thể chúng ta nghe họ chia sẻ những khó khăn hoặc những điều họ quan tâm, tư vấn cho họ giải quyết … Việc này không mất nhiều thời gian và chi phí nhưng thật sự hiệu quả trong việc gắn kết và phát triển nhân viên", theo ông Koichi.

“Tại Nhật Bản, việc thăng tiến cho nhân viên, đặc biệt là những nhân viên trẻ là điều khá nhạy cảm bởi Nhật thường trọng yếu tố thâm niên trong công việc. Tuy vậy những người làm việc tốt cần phải được ghi nhận và tạo cơ hội cho họ phát triển. Để làm điều này, chúng tôi căn cứ vào bảng đánh giá công việc. Nếu anh có hiệu quả công việc cao hơn 20% so với đồng nghiệp, anh xứng đáng có vị trí cao hơn. Đối với nhân viên không được thăng tiến, người quản lý cần phải dành thời gian giải thích thật rõ cho họ lý do để họ không mất lòng, nản lòng, bởi không, đó sẽ là bi kịch đối với công ty”, ông Koichi nói.

Cũng nhờ bảng đánh giá công việc rõ ràng, công bằng và thuyết phục, các công ty có thể loại bỏ đi những nhân sự không có năng lực bởi nhìn vào đó, họ sẽ tự thấy cần phải tìm công việc mới mà công ty không cần phải sa thải. Đây là phần ông Koichi trả lời câu hỏi của một chủ doanh nghiệp trẻ rằng làm sao để cho một nhân sự cấp cao, gắn bó với công ty đã lâu, nghỉ việc khi họ không có sự tiến bộ và phù hợp với công việc mới mà không gây ảnh hưởng tâm lý của những người còn lại.

Thành Rome không xây trong một ngày

 

 

Bên cạnh nhân sự, yếu tố thứ hai được ông Koichi đặc biệt lưu tâm đến đó là việc đầu tư và phát triển công nghệ. Bởi công nghệ chính là một nhân tố quan trọng giúp các công ty Nhật Bản bước ra thị trường thế giới và giành được thành công và duy trì chỗ đứng trong thời gian qua.

Unicharm là một tập đoàn lớn tại Nhật Bản chuyên về hàng gia dụng. Những năm đầu hoạt động, Unicharm chuyên cung cấp tã em bé và sản phẩm tương tự dành cho phụ nữ. "Khi thị trường trong nước bão hòa, chúng tôi phải tính đến chuyện mở rộng sang các quốc gia châu Á. Đối thủ rất lớn của Unicharm là P&G. Xét về quy mô và uy tín, chúng tôi không bằng họ. Yếu tố duy nhất để cạnh tranh là chất lượng và công nghệ là nền tảng để đạt được điều này. Chúng tôi cố gắng sản xuất những sản phẩm có chất lượng tốt và cuối cùng chúng tôi đã thành công.", ông Koichi chia sẻ.

Ông Koichi kể lại câu chuyện trên như một ví dụ cho thấy vai trò của công nghệ trong cạnh tranh phát triển.
Tám năm trước, trong một hội thảo ở TPHCM, khi tôi khuyên các bạn đầu tư vào công nghệ thay vì bất động sản, rất nhiều CEO đã cười tôi, ông Koichi nhớ lại.

“Không phải mất một ngày mà xây được thành Rome. Dù thành Rome đã bị tàn phá, nhưng ảnh hưởng tích cực của nó vẫn còn đối với đất nước Italia. Ngành công nghệ tại Nhật Bản cũng vậy, nó có lịch sử gần trăm năm. Chiến tranh, đó không phải là câu chuyện hay, nhưng công nghệ của chúng tôi có nền tảng vững chắc từ đó. Máy chụp hình và camera Nikon xuất phát từ kính viễn vọng dùng trong các tàu chiến. Các tàu điện, ngành ô tô và tự động hóa được phát triển từ những kỹ thuật dùng trong máy bay chiến đấu không người lái … Nếu các bạn không đầu tư công nghệ, các bạn rất khó thành công. Năm 2018, khi hàng rào thuế quan các quốc gia Đông Nam Á không còn, có thể Toyota sẽ rời Việt Nam để đến quốc gia khác có ngành công nghiệp phụ trợ tốt hơn”, ông Koichi chia sẻ.

Ngoài nhân sự và công nghệ, ông Koichi còn đề cập đến một khía cạnh khác đó xây dựng giá trị doanh nghiệp hướng đến cộng đồng xã hội. Doanh nghiệp chỉ phát triển bền vững khi có sự ủng hộ từ xã hội và để được xã hội ủng hộ, đổi lại doanh nghiệp phải đem đến những giá trị hữu ích cho xã hội, ông Koichi phân tích.

“Khi mặt trời lên thì bóng hiện ra. Mặt trời chính là giá trị doanh nghiệp mang lại cho cộng đồng xã hội. Lợi nhuận như cái bóng, là yếu tố tất đến chứ không phải yếu tố đầu tiên cần quan tâm. Dĩ nhiên có thể một ngày mặt trời chưa lên, có thể cả tuần trời mưa và âm u nhưng rồi sớm hay muộn mặt trời vẫn đến. Hãy tin tôi.”, ông Koichi ví von và nhấn mạnh khi đưa ra lời khuyên dành cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Ông Koichi Hori, thường được gọi là K2, là một trong những bậc thầy trong lĩnh vực tư vấn quản trị không chỉ tại nước Nhật mà còn trên phạm vi toàn cầu. Hiện ông là Chủ tịch HĐQT Công ty công ty tư vấn Dream Incubator. Trước đó, ông có hơn 30 năm làm việc cho tập đoàn tư vấn Boston Consulting Group (Mỹ), từng giữ vị trí Phó Chủ tịch Cấp cao và đứng đầu chi nhánh của tập đoàn này tại Nhật. Trong thời gian này, Koichi Hori cũng là tác giả của hơn 19 quyển sách và là diễn giả cho các chương trình khuyến khích giới trẻ tự chủ và khởi phát tinh thần doanh chủ.

(Theo thesaigontimes.vn)

 

Bài viết được quan tâm

Bài viết mới nhất

Trang trên 376