GIẢI MÃ GEN “ĐỘT PHÁ”

Ta thường nhìn CEO Steve Jobs của Apple, Jeff Bezos của Amazon hay A.G. Lafley của P&G và tự hỏi “Làm thế nào họ có những ý tưởng động trời như thế?”.

Nếu đã từng trăn trở với câu hỏi này, hẳn bạn sẽ tìm được lời giải cho mình trong nghiên cứu được Jeff Dyer, Hal Gergersen và Clayton M. Christensen, những giáo sư hàng đầu thế giới về các lĩnh vực chiến lược, lãnh đạo và đột phá thực hiện trong suốt 6 năm. Đối tượng nghiên cứu là 25 doanh nhân khởi nghiệp, 3.000 giám đốc, quản lý cấp cao và 500 cá nhân khác, những người từng khởi tạo một doanh nghiệp sáng tạo hoặc phát minh ra sản phẩm mới.

Theo kết quả nghiên cứu này, gen “đột phá” được thể hiện qua 5 năng lực khám phá nổi bật. Khả năng liên hệ đóng vai trò xương sống của toàn bộ cấu trúc 5 năng lực khám phá. Bốn năng lực còn lại theo thứ tự là đặt câu hỏi, quan sát, thích kiểm nghiệm và tạo dựng mối quan hệ.

Trung bình mỗi ngày, thời gian những doanh nhân đột phá sử dụng 5 năng lực này nhiều hơn những người đồng nhiệm đến 50%. Ngoài ra, những năng lực mà họ sở hữu thuộc về phạm vi chi phối của cả 2 bán cầu não. Nhờ đó, họ có thể liên tục tận dụng năng lực tư duy của bộ não để sản sinh ra ý tưởng mới.

giai-ma-gen-dot-pha

Năng lực khám phá số 1: Liên hệ

Liên hệ hay nói cách khác là khả năng kết nối thành công những câu hỏi, vấn đề, ý tưởng, lĩnh vực dường như chẳng liên quan đến nhau, chính là năng lực trọng tâm trong bộ gen của người đột phá. Minh họa rõ nét nhất về sức mạnh của năng lực này là hiện tượng “Hiệu ứng Medici”. Hiệu ứng này bắt nguồn từ sự bùng nổ về sự sáng tạo của gia đình Medici ở Ý, thiết lập nền móng cho giai đoạn Phục Hưng sau này.

Bộ não không chỉ là nơi lưu trữ thông tin, trải nghiệm của chúng ta mà đây còn là “nhà máy sản xuất ra những mối liên hệ”. Jobs từng nói: “Sáng tạo chính là việc kết nối những thứ có sẵn”. Kiến thức, trải nghiệm càng phong phú thì bộ não càng sản sinh ra nhiều mối liên hệ giữa những chất liệu này. Sở dĩ Jobs có thể liên tục tuôn trào ý tưởng đột phá như thế là bởi ông đã dành cả cuộc đời khám phá những điều không liên quan đến nhau như thư pháp, thiền, các chi tiết của chiếc ôtô Mercedes-Benz.

Độc đáo là càng sử dụng 4 năng lực còn lại thì năng lực liên hệ càng phát triển.

Năng lực số 2: Đặt câu hỏi

Cách đây hơn 5 thập kỷ, “bộ óc quản trị vĩ đại của thế kỷ XX”, Peter Drucker từng nhấn mạnh đến sức mạnh của những câu hỏi gợi mở: “Nhiệm vụ quan trọng và khó khăn nhất không phải là tìm câu trả lời đúng, mà là đặt đúng câu hỏi”.

Những người đột phá luôn đặt câu hỏi để thách thức hiện trạng. Vị Chủ tịch Ratan Tata của Tata Group (Ấn Độ) từng nhấn mạnh: “Hãy nghi vấn những điều hiển nhiên”.

Để sử dụng kỹ năng đặt câu hỏi hiệu quả, những doanh nhân khởi nghiệp giàu cảm hứng sáng tạo thường áp dụng công thức: Hỏi “Tại sao?”, rồi “Tại sao lại không?” và “Nếu thế này... thì sao?”.

Tưởng tượng những viễn cảnh đối lặp và yêu thích những hạn chế cũng là 2 yếu tố quan trọng thúc đẩy người đột phá nảy ra những câu hỏi hay ý tưởng sáng tạo. Chẳng hạn như, 1 trong 9 nguyên tắc sáng tạo của Google chính là “Yêu thích hạn chế”.

Trong một buổi họp bàn ý tưởng kinh doanh mới, nhà lãnh đạo đột phá thường đưa nhân viên vào những hoàn cảnh ngặt nghèo hoặc hỏi họ những câu hỏi tưởng chừng như rất ngớ ngẩn như “Vì sao anh làm theo cách anh đang làm?” hay “Nếu ngày mai chính phủ cấm buôn bán sản phẩm này thì sao?” để qua đó, thúc đẩy toàn bộ nhân viên phải sáng tạo.

Năng lực số 3: Quan sát

Ý tưởng đột phá trong kinh doanh thường hình thành trong quá trình quan sát hành vi tiêu dùng của khách hàng. Ở khía cạnh này, người làm kinh doanh cũng không khác gì nhà nhân chủng học hay khoa học xã hội.

Vào năm 1960, ban lãnh đạo Honda quyết định thử tìm chỗ đứng trong thị trường xe gắn máy Mỹ vốn đang bị thống trị bởi số ít các thương hiệu xe gắn máy nổi tiếng như Harley-Davidson và một số thương hiệu nhập khẩu từ Châu Âu như Triimph. Họ đưa ra chiến lược sản xuất các xe máy với chất lượng tương đương nhưng với giá rẻ hơn (vì lúc đó, lao động tại Nhật có chi phí rất rẻ), họ có thể chiếm được khoảng 10% thị phần xe nhập khẩu từ Châu Âu. Tuy nhiên, trong những năm đầu tiên, họ bán được rất ít xe phân khối lớn mà ngược lại, chỉ một số ít dạng xe phân khối nhỏ Super Cub lại thu hút thị trường thời điểm đó. Đây chính là điểm nhấn chiến lược khiến họ xoay sang tấn công vào thị trường xe gắn máy phân khói nhỏ mang lại vị thế cho Honda trên thị trường Mỹ sau này.

Năng lực số 4: Thích kiểm nghiệm

Giống như các nhà khoa học, những doanh nhân đột phá luôn thích thú kiểm nghiệm ý tưởng mới. Với họ, thế giới chính là phòng thí nghiệm khổng lồ. Họ có xu hướng không ngừng nghiền ngẫm về một tư tưởng nào đó. Hoặc họ thích tháo rời từng phận của một vật nào đó để nghiên cứu cách chúng vận hành. Hoặc họ đam mê khám phá những vùng đất mới như CEO Howard Shultz của Starbucks từng lang thang khắp nước Ý để nghiên cứu mô hình các quán cà phê ở nước này.

Ngoài ra, việc tạo dựng được một văn hóa khuyến khích sáng tạo, đổi mới trong tổ chức, cũng như tích lũy vốn sống phong phú, như CEO A.G. Lafley của P&G, cũng là các yếu tố quan trọng và được các doanh nhân đột phá chú trọng đầu tư.

Năng lực số 5: Xây dựng mối quan hệ

Xây dựng mối quan hệ là việc quan trọng. Tuy nhiên, những doanh nhân đột phá không chỉ xem đó là cơ hội để làm ăn, tiếp cận những nguồn lực mới, mà trên hết, đó là dịp để họ tiếp cận được góc nhìn của nhiều người, mở mang tầm mắt và kiểm nghiệm ý tưởng của mình.

Sự ra đời của nhà sản xuất điện thoại Canada RIM được ươm mầm nhờ các hoạt động xây dựng mối quan hệ mà nhà sáng lập Michael Lazaridis đã tham gia. “Người nào kết hợp được công nghệ mạng không dây và máy tính sẽ tạo ra sự khác biệt lớn cho thế giới” là ý tưởng đã ăn sâu vào đầu Lazaridis từ năm 1987. Kết quả của ý tưởng này chính là sự ra đời của dòng điện thoại thông minh BlackBerry vào năm 1999 trước khi trở thành hiện tượng toàn cầu 3 năm sau đó.

Năm năng lực khám phá trên tuy rất cần thiết nhưng vẫn chưa đủ nếu thiếu 2 yếu tố - khát khao thay đổi hiện trạng và sẵn sàng mạo hiểm để thực hiện bằng được sự thay đổi ấy. Đó chính là động lực mạnh mẽ nhất để 5 năng lực khám phá nói trên được dịp thăng hoa.

Source HBR.org

Bài viết được quan tâm

Bài viết mới nhất

Trang trên 376