Xây dựng đội ngũ giám đốc điều hành vững mạnh

Đa số các tổng giám đốc (CEO) đều nhận thức được rằng để lãnh đạo một doanh nghiệp hiệu quả cần có một đội ngũ các giám đốc điều hành (executive) vững mạnh. Điều đó cũng có nghĩa là cần phải làm sao cho từng cá nhân giám đốc vừa có thể phát huy tốt nhất năng lực của họ vừa có thể góp phần tạo ra một nhóm làm việc hiệu quả nhất. Bên cạnh những giám đốc có khả năng quán xuyến tốt các công việc tác nghiệp hằng ngày thuộc nhiều mảng chức năng khác nhau trong hoạt động của doanh nghiệp, nhà lãnh đạo cũng cần phải có những giám đốc có tầm nhìn và suy nghĩ chiến lược, sẵn sàng chia sẻ, tư vấn cho những giám đốc khác, tạo động lực phát triển cho tổ chức. Thách thức cũng chính là ở điểm này vì nó liên quan nhiều đến tính cách của các giám đốc, những yếu tố mà nhà lãnh đạo doanh nghiệp khó có thể tìm hiểu hết thông qua các bản lý lịch nghề nghiệp trong quá trình tuyển dụng các vị trí này.

Dan Finnigan, một nhà lãnh đạo điều hành doanh nghiệp với hơn 20 năm kinh nghiệm làm việc cho một số công ty công nghệ internet hàng đầu thế giới trong đó cho Yahoo và trong sáu năm gần đây giữ vai trò CEO kiêm chủ tịch của Jobvite, đưa ra những lời khuyên dưới đây giúp nhà lãnh đạo doanh nghiệp xây dựng một đội ngũ giám đốc điều hành vững mạnh.

Theo Finnigan, trước tiên CEO cần phải tìm những người có khả năng cùng hỗ trợ cho mình. Trên thực tế, những nhà lãnh đạo lớn thường là những người “nhận thức rất rõ về bản thân”. Có nghĩa là họ hiểu được những điểm mạnh của mình và trong trường hợp nào thì họ có thể phát huy tốt nhất năng lực của họ. Finnigan khuyên các CEO cần tự đặt câu hỏi những tính cách hay kỹ năng nào có thể bổ trợ tốt nhất cho mình. Nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần những giám đốc có cái nhìn về thế giới bên ngoài khác với mình để luôn có cơ hội học hỏi và đưa ra những chiến lược mới. Chẳng hạn, nếu các CEO tự nhận thấy rằng mình là một người có thiên hướng đưa ra những quyết định an toàn thì nên tìm những giám đốc đã từng dám chấp nhận rủi ro. Ngược lại, nếu CEO là một người còn trẻ và tham vọng, liên tục đưa ra những ý tưởng mới thì nên đi tìm những giám đốc điều hành dày dạn kinh nghiệm để “kéo” mình xuống bớt bằng những phân tích tình huống sâu hơn và thực tế hơn.

Tiếp theo, nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần tìm những giám đốc điều hành có thể dung hòa tính khí và phong cách làm việc của nhau. Theo Finnigan, các CEO có lẽ không lạ với khái niệm “tâm lý đám đông” (groupthink), theo đó một nhóm người có thể thỏa hiệp với nhau thay vì cùng nhau thảo luận, phát triển một quan điểm không chính thống, từ đó có thể cùng nhau đưa ra những quyết định không hợp lý hoặc thậm chí có phần nguy hiểm. Có nhiều cách để tránh kết quả này, nhưng Finnigan khuyên các CEO nên đi theo một giải pháp cơ bản nhất là xây dựng một đội ngũ các giám đốc điều hành bao gồm nhiều người có tính khí và phong cách làm việc đa dạng. Không nên phát triển một đội ngũ giám đốc điều hành có quá nhiều người có suy nghĩ cứng nhắc, mang tính kỹ thuật và ngược lại, cũng không nên có quá nhiều người có đầu óc quá bay bổng, sáng tạo trong tổ chức. Tương tự, cũng không nên có quá nhiều người hướng ngoại muốn tận dụng sức mạnh của người khác để hoàn thành công việc của mình hoặc có quá nhiều người hướng nội chỉ thích tự mình giải quyết mọi việc. Thay vào đó, nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần xây dựng một đội ngũ giám đốc điều hành có thể thách thức lẫn nhau và đưa ra nhiều ý kiến khác nhau. Tất nhiên, cũng cần một sự thống nhất cuối cùng nhưng không nên vì thế mà bỏ qua những ý tưởng sáng tạo hoặc tối ưu.

Cuối cùng, nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần đi tìm những giám đốc sẵn sàng đóng góp ý kiến với tinh thần xây dựng. Tránh tâm lý đám đông cũng đồng nghĩa với việc các CEO phải tạo một diễn đàn để tất cả các thành viên của ban giám đốc điều hành đều có thể đối thoại với nhau ngay cả khi các cuộc thảo luận có vẻ khó khăn. Nhưng theo Finnigan, điều quan trọng là các giám đốc cần phải đóng góp ý kiến trong không khí hòa bình và tinh thần xây dựng, hạn chế việc đề cao quan điểm cá nhân hay thể hiện sự giận dữ.

Điều hành một doanh nghiệp tức là cân bằng các nguồn lực cạnh tranh lẫn nhau.Chẳng hạn, nhà lãnh đạo doanh nghiệp vừa muốn đầu tư cho sự tăng trưởng của công ty nhưng đồng thời cũng vừa muốn kiểm soát chi phí và đạt được một mức lợi nhuận tối thiểu. Tương tự, doanh nghiệp muốn làm hài lòng khách hàng nhưng cũng muốn thực hiện các chỉ tiêu đã vạch ra trong kế hoạch kinh doanh. Vì vậy, đội ngũ các giám đốc điều hành phải có những con người nhiệt huyết, sẵn sàng làm việc hết mình vì những mục tiêu – động lực cạnh tranh kể trên, chứ không phải chỉ muốn làm những điều “đúng” hoặc thể hiện năng lực vượt trội của cá nhân mình, bởi vì họ hiểu rằng chính sự xung đột sẽ khơi nguồn cho sự sáng tạo.

Khi có nhiều người cùng tham gia đóng góp ý tưởng, các CEO sẽ có cơ hội tổng hợp được những giải pháp tốt nhất để đầu tư cho các nguồn lực. Từ đó, doanh nghiệp có thể vừa làm hài lòng khách hàng nhưng vừa có thể quản lý tốt kế hoạch chi phí và lợi nhuận. Các CEO cần những giám đốc điều hành luôn hướng đến sự đổi mới và sáng tạo từ những vấn đề đang tồn tại, xem xung đột là chuyện tất yếu phải có và sẵn sàng thách thức những cách làm cũ.

Theo Finnigan, một đội ngũ giám đốc điều hành tốt nhất phải là một đội ngũ vừa tập trung nỗ lực để hoàn thành các mục tiêu đúng thời hạn đồng thời không ngừng phát triển các chiến lược mới, có trách nhiệm và thực hiện chắc chắn những công việc hiện tại nhưng cũng sẵn sàng đón nhận rủi ro, thách thức mới. Khi có được một đội ngũ có chuyên môn và tính cách đa dạng, nhà lãnh đạo doanh nghiệp sẽ có thể tạo ra một môi trường làm việc lành mạnh, đưa ra được những quyết định có cơ sở và lèo lái con tàu doanh nghiệp đi đến thành công.


(Theo DNSGCT)

Bài viết được quan tâm

Bài viết mới nhất

Trang trên 319