Sáu cạm bẫy lớn nhất khi huy động vốn kinh doanh

Những viễn cảnh tươi đẹp đã khiến không ít người dấn thân vào con đường kinh doanh. Tuy nhiên, nhiều người đã phải gục ngã ở ngay những bước đi đầu tiên mà huy động vốn là một ví dụ.

Một phần của vấn đề nằm ở bản chất của những nỗ lực khởi sự kinh doanh. Những doanh nhân chân ướt chân ráo bước vào thương trường luôn được xem như rủi ro lớn cho các nhà cho vay bởi sự thiếu kinh nghiệm hay khả năng bảo toàn đồng vốn của họ. Cả gia đình, bạn bè, ngân hàng lẫn các công ty đầu tư mạo hiểm đều không mong muốn khoản đầu tư của mình bị thua lỗ. Bạn không thể trách móc họ về việc không muốn đương đầu với rủi ro khi không có những viễn cảnh hợp lý thu hồi vốn và sinh lời.

Nói cách khác, nhiều nỗ lực huy động vốn thất bại chỉ bởi một vài sai lầm có thể tránh được trong các giao tiếp với nhà đầu tư, cấu trúc bản hợp đồng hay quản lý tiền bạc... Khi huy động vốn, niềm hạnh phúc lớn cho các nhà đầu tư cũng như đảm bảo an toàn tài chính cho công ty bạn nằm ở sự cẩn trọng của bạn và tránh xa những cạm bẫy nguy hiểm nhất.

Làm rõ những bước đi sai lầm trong hành trình huy động vốn có thể gia tăng cơ hội thành công của bạn, cả trong việc huy động đủ vốn lẫn đảm bảo sự phát triển lành mạnh của nó.

Bản kế hoạch kinh doanh chưa chín muồi

Không có gì tồi tệ hơn việc đi đến một cuộc họp bàn huy động vốn mà thiếu sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Nếu bạn không dành thời gian và công sức vào bản kế hoạch kinh doanh mạnh mẽ với đầy đủ các yếu tố hợp lý thích hợp, chẳng hạn như những miêu tả kinh doanh thuyết phục, kế hoạch tài chính và phân tích thị trường cạnh tranh, các nhà đầu tư cho dù túi tiền có rủng rỉnh bao nhiêu chắc cũng sẽ không dành thời gian để đánh giá đề xuất của bạn.

Có rất nhiều nguồn tốt trên Internet mà bạn có thể học hỏi cách thức xây dựng một bản kế hoạch kinh doanh cùng nhiều mẫu tham khảo.

Tập trung quá nhiều vào ý tưởng và quá ít vào quản lý

Ngay cả những chú ngựa đua siêu phàm nhất thế giới vẫn cần tới một nài ngựa giỏi để dành phần thắng trong các cuộc đua. Công thức này cũng đúng với các hoạt động kinh doanh.

Sẽ chưa đủ để thuyết phục các nhà đầu tư rằng dự án của bạn là địa điểm lý tưởng đầu tư nếu chỉ đơn thuần đưa ra các ý tưởng kinh doanh độc đáo. Bạn cũng cần một đội ngũ có thể tạo ra doanh thu để trả nợ khoản vay hay cung cấp một chiến lược giải thoát an toàn cho các nhà đầu tư mạo hiểm. Rất nhiều công ty hay các chủ dự án bỏ qua yếu tố thứ hai của phương trình vốn dĩ sẽ quyết định dòng chảy của vốn đầu tư.

Việc cho thấy bạn tuyển dụng được các nhân viên bán hàng xuất sắc, các nhà tiếp thị tài năng, những kế toán viên giàu kinh nghiệm cùng những cán bộ quản lý chủ chốt khác, hay thậm chí cả những chuyên gia bên ngoài như luật sư hay nhà phân tích kinh tế - người có thể đưa ra những chỉ dẫn chuyên môn - là thiết yếu để nhanh chóng có được cái gật đầu của các nhà đầu tư tiềm năng.

Không đề nghị đủ nguồn tài chính

Mới đây, một nghiên cứu của các chuyên gia kinh tế Mỹ về lý do thất bại của các công ty nhỏ cho thấy với tỷ lệ 79%, việc khởi sự kinh doanh khí có quá ít tiền mặt là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới sự sụp đổ. Điều này thường xảy ra là do các chủ doanh nghiệp thiếu kinh nghiệm không nhận ra rằng họ nên tính toán đủ số lượng vốn cần huy động trên cơ sở kịch bản tình huống tồi tệ nhất thay vì những dự đoán tính huống tốt nhất.

Một câu châm ngôn cổ về kế toán nói rằng mọi thứ có thể tốn kém gấp đôi và kéo dài gấp đôi so với những gì bạn dự đoán. Mặc dù câu châm ngôn có thể hơi cường điệu, song những chủ doanh nghiệp chân ướt chân ráo gia nhập thị trường thường quá lạc quan về quãng thời gian họ sẽ bắt đầu thu lợi nhuận.

Nếu bạn không huy động đủ vốn, bạn sẽ không có những chiếc nệm cần thiết để vượt qua khó khăn trong trường hợp doanh số bán hàng sụt giảm hay những tình huống bất ngờ của thị trường.

Có quá nhiều nhà cho vay hay nhà đầu tư

Một trong những rủi ro của việc duy trì tình hình tài chính ổn định từ nhiều nguồn đầu tư khác nhau đó là bạn sẽ phải quản lý quá nhiều các mối quan hệ và các mong đợi. Nó sẽ đẩy bạn dần ra xa khỏi hoạt động kinh doanh cốt lõi. Những đối tác huy động vốn này có thể có những mối quan tâm, lợi ích và yêu cầu xung đột với nhau. Đương nhiên, kết quả có thể khá tiêu cực.

Điều này càng đặc biệt đúng khi bạn huy động vốn từ bạn bè hay người thân trong gia đình. Có một chủ tiệm cắt tóc đã vay mượn tiền từ bảy hay tám người thân để tiến hành kinh doanh. Hoạt động kinh doanh khá thành công, nhưng rồi các tranh chấp phức tạp nảy sinh khi các bên quyết định phân chia lợi nhuận ra sao. Mâu thuẫn không thể giải quyết tất cả các nhu cầu, vì thế cửa tiệm cắt tóc đã phải đóng cửa.

Thất bại trong việc ký kết những hợp đồng pháp lý chuẩn xác

Nhiều người cho rằng yếu tố này còn quan trọng hơn cả bản hợp đồng tiền hôn nhân giữa đôi nam nữ có nhiều tài sản cá nhân quan trọng. Mọi nhà đầu tư và người cho vay cuối cùng đều cần đồng tiền của họ quay trở lại. Và các văn bản pháp lý bao quát tất cả các vấn đề từ nội dung điều khoản đến thời hạn đầu tư,… nhằm tránh những thua lỗ phát sinh sẽ rất quan trọng đối với họ.

Quản lý dòng tiền không tốt

Nhiều chủ doanh nghiệp mới khởi sự đã đốt cháy quá nhanh các đồng vốn huy động và thất bại trong việc xây dựng một trạng thái dòng tiền tích cực theo những cách thức phù hợp. Một vài nguyên nhân như giao hàng chậm và kinh doanh suy thoái có thể vượt khỏi tầm kiểm soát của chủ doanh nghiệp, song dù gì thì trách nhiệm chính vẫn thuộc về đội ngũ lãnh đạo điều hành, chẳng hạn các chi tiêu không cần thiết hay những dự báo lạc quan về doanh thu, chi phí... Những nhà tài trợ tài chính sẽ không tử tế với những kiểu sai lầm như vậy. Và nếu họ khóa vòi dòng tiền của mình, mọi nỗ lực vất vả từ trước đến nay của bạn có thể tiêu tan.

Còn có nhiều cạm bẫy khác cần tránh, song điểm mấu chốt sẽ là: Hãy chơi đúng theo luật chơi của các nhà cho vay để thúc giục họ mở sổ séc, nhưng cùng lúc cũng cần bảo vệ sự an toàn cho bản thân bạn.

Thật vô nghĩa khi khởi sự kinh doanh để rồi cuối cùng chìm nghỉm dưới sức nặng của các yêu cầu từ phía nhà đầu tư. Nếu bản kế hoạch kinh doanh của bạn đủ tốt và bạn tiếp cận đúng người, bạn sẽ có thể huýt sáo chào tạm biệt các con đường dẫn tới ngân hàng đầy mệt mỏi.

(Trường PACE)

CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO

GIÁM ĐỐC TÀI CHÍNH - CFO

(CHIEF FINANCIAL OFFICER)

Từ vị thế và tầm mức khiêm tốn của nền tài chính Việt Nam hiện nay, từ viễn cảnh tương lai của nền tài chính và của nghề quản trị tài chính, từ “chân dung” của một CFO trong thời kỳ mới, Chương trình đào tạo Giám Đốc Tài Chính (CFO) của PACE đã ra đời. Chương trình đào tạo đặc biệt này được PACE nghiên cứu, thiết kế và biên soạn với mong muốn được góp sức mình vào mục tiêu chung “Hướng đến thế hệ CFO mới cho cộng đồng doanh nghiệp, thế hệ CFO có khát vọng và có khả năng đua tranh mạnh mẽ về trình độ quản trị tài chính với các đồng nghiệp của mình trên khắp thế giới”.

Bài viết được quan tâm

Bài viết mới nhất

Trang trên 319