CGO là một chức danh không quá mới và đặc biệt quan trọng với những ngành công nghiệp có tính cạnh tranh cao và trải qua những thay đổi nhanh chóng về công nghệ và hành vi của người tiêu dùng. Theo thống kê từ Linkedin, CGO là vị trí có tốc độ phát triển nhanh nhất tại Hoa Kỳ trong năm 2024.
Sự bùng nổ này không phải là ngẫu nhiên, mà là kết quả của một sự chuyển mình trong tư duy lãnh đạo. Thay vì xem tăng trưởng chỉ là nhiệm vụ riêng của bộ phận kinh doanh hay Marketing, doanh nghiệp sẽ xem đây là thành quả tổng thể đến từ sự phối hợp chặt chẽ giữa định hướng sản phẩm, trải nghiệm khách hàng, hiệu quả vận hành và năng lực mở rộng quy mô một cách bền vững.
CGO là gì?
CGO là viết tắt của Chief Growth Officer, nghĩa là Giám đốc Tăng trưởng. Đây là một vị trí điều hành cấp cao trong doanh nghiệp, chịu trách nhiệm xây dựng và dẫn dắt chiến lược tăng trưởng tổng thể. Khác với cách tiếp cận truyền thống chỉ xoay quanh doanh thu hay số lượng khách hàng, CGO hướng đến sự tăng trưởng bền vững, tích hợp và đồng bộ liên phòng ban, kết nối chặt chẽ giữa Marketing, Bán hàng, Sản phẩm, Chăm sóc khách hàng, Công nghệ và Tài chính. Về bản chất, CGO cũng là một giám đốc điều hành giống như CEO, trong hầu hết các trường hợp đều có kinh nghiệm vững chắc về chiến lược Marketing.
CGO thường được xem là những nhà lãnh đạo có tư duy đổi mới và định hướng toàn diện, với vai trò tái cấu trúc tổ chức, điều phối nguồn lực và tạo ra lợi thế cạnh tranh khác biệt. Họ không chỉ tối ưu hiệu quả trong từng giai đoạn của hành trình khách hàng mà còn đảm bảo doanh nghiệp luôn giữ được vị thế tiên phong trong bối cảnh thị trường thay đổi liên tục. Xu hướng thiết lập vị trí CGO đang lan rộng nhanh chóng trên toàn cầu, đặc biệt tại các tập đoàn lớn như Coca-Cola, Kellogg’s và nhiều công ty công nghệ, tiêu dùng khác.
CGO là viết tắt của Chief Growth Officer là giám đốc tăng trưởng
Vai trò của CGO trong doanh nghiệp
- Xây dựng chiến lược tăng trưởng tổng thể
- Phối hợp đa phòng ban
- Tối ưu dữ liệu và công nghệ tăng trưởng
- Phát triển mô hình kinh doanh mới
- Quản lý và lãnh đạo đội ngũ
- Phân tích và đánh giá hiệu suất
Trong bối cảnh doanh nghiệp phải đối mặt với thị trường biến động, hành vi khách hàng thay đổi nhanh chóng và áp lực chuyển đổi số liên tục, CGO giữ vai trò như “kiến trúc sư trưởng” của tăng trưởng.
Xây dựng chiến lược tăng trưởng tổng thể
Một trong những nhiệm vụ trọng yếu của CGO là xây dựng chiến lược tăng trưởng toàn diện và bền vững. Điều này đòi hỏi CGO phải trả lời được các câu hỏi chiến lược như:
- Doanh nghiệp sẽ tăng trưởng ở đâu? (thị trường, phân khúc, sản phẩm)
- Bằng cách nào? (đổi mới sản phẩm, công nghệ, mở rộng kênh)
- Tốc độ ra sao và đo lường thế nào?
Chiến lược tăng trưởng do CGO đề xuất cần dựa trên dữ liệu, phù hợp với tầm nhìn dài hạn, đồng thời khả thi về nguồn lực nội tại. Cũng như có khả năng truyền đạt để giúp mọi người trong tổ chức hiểu mình đang làm gì, vì mục tiêu gì và kết quả sẽ được đánh giá ra sao.
Phối hợp đa phòng ban
CGO không thể thành công nếu chỉ hoạt động đơn lẻ. Bản chất vai trò của họ đòi hỏi sự hợp tác liên chức năng (cross-functional collaboration) một cách mạnh mẽ. Việc kết nối Marketing, Sales, Product, Customer Success, IT và đôi khi cả HR là thiết yếu để đồng bộ các mục tiêu tăng trưởng. Theo đó, các CGO cần có khả năng điều phối, lắng nghe và đàm phán để đưa các bộ phận về cùng một hướng: tăng trưởng.
Ví dụ, một chiến lược cải thiện tỷ lệ giữ chân khách hàng (retention rate) sẽ yêu cầu phối hợp giữa bộ phận:
- Product (cải tiến tính năng)
- Customer Success (chăm sóc người dùng)
- Marketing (re-engagement campaign)
Tối ưu dữ liệu và công nghệ tăng trưởng
Trong thời đại số, tăng trưởng không thể tách rời dữ liệu và công nghệ. CGO cần thành thạo tư duy dữ liệu (data mindset) để đo lường và dự đoán xu hướng. Các công cụ như CRM, CDP, automation, AI/ML, A/B testing… là nền tảng quan trọng giúp CGO đưa ra quyết định chính xác hơn.
Tuy nhiên, công nghệ chỉ là công cụ và CGO cần biết cách tích hợp công nghệ vào chiến lược tăng trưởng một cách hiệu quả. Việc sử dụng sai công cụ, hoặc thiếu gắn kết giữa công nghệ và mục tiêu thực tế, có thể gây lãng phí và phản tác dụng.
Phát triển mô hình kinh doanh mới
Khi mô hình kinh doanh hiện tại không còn tạo ra tăng trưởng như kỳ vọng, CGO phải là người tư duy lại mô hình kinh doanh. Từ đó đề xuất các phương án phù hợp như mở thêm kênh phân phối, thay đổi mô hình định giá (subscription, freemium…) hay thử nghiệm phân khúc mới (SME, Gen Z…)
Điều này đòi hỏi CGO có khả năng sáng tạo, óc phân tích, nhạy bén với xu hướng thị trường, đồng thời biết cách thí điểm và đo lường hiệu quả trước khi nhân rộng.
Quản lý và lãnh đạo đội ngũ
Tăng trưởng không thể thành công nếu thiếu người phù hợp. CGO không chỉ cần xây dựng đội ngũ tăng trưởng (growth team) mà còn nuôi dưỡng tư duy tăng trưởng (growth mindset) trong toàn doanh nghiệp. Điều này đòi hỏi họ phải: Tuyển đúng người, đúng vai trò, truyền cảm hứng và định hướng rõ ràng, đào tạo nội bộ liên tục, đặc biệt là về Data, công nghệ, Customer Insight,...
Ở cấp độ lãnh đạo, CGO cần gắn kết giữa mục tiêu kinh doanh và phát triển con người, tạo ra một văn hóa tổ chức cùng nhau tăng trưởng.
Phân tích và đánh giá hiệu suất
Giám đốc tăng trưởng tiến hành phân tích và đánh giá hiệu suất bằng cách đặt ra các mục tiêu rõ ràng, có thể đo lường được, thu thập dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau và đánh giá hiệu suất của cả cá nhân và nhóm so với các mục tiêu đó. Quy trình này giúp xác định các lĩnh vực mạnh, vấn đề nào cần cải thiện và đưa ra các quyết định chiến lược cho sự tăng trưởng trong tương lai.
Bên cạnh đó, đánh giá phải là một vòng phản hồi liên tục, bao gồm kiểm tra thường xuyên, phản hồi mang tính xây dựng và thiết lập mục tiêu hợp tác.
CGO có vai trò dẫn dắt chiến lược tăng trưởng và kết nối các phòng ban để thúc đẩy doanh thu và mở rộng thị trường
Khi nào doanh nghiệp cần một CGO?
Tăng trưởng chậm, thiếu đột phá
Nếu doanh nghiệp đang rơi vào tình trạng tăng trưởng trì trệ, chậm hoặc lặp đi lặp lại các chiến thuật cũ mà không đạt hiệu quả, đó là tín hiệu rõ ràng cần có một CGO. CGO mang tư duy chiến lược và hệ thống để tìm ra các đòn bẩy tăng trưởng tiềm năng (Growth Levers) như thị trường mới, mô hình kinh doanh khác biệt, hoặc các chiến dịch Marketing sáng tạo. Từ đó, giải quyết bài toán doanh thu, định hình lại cách doanh nghiệp tạo ra giá trị mới và tạo ra sự đột phá thay vì chỉ cải tiến nhỏ lẻ.
Cần phối hợp tốt hơn giữa các khối
Tăng trưởng bền vững không thể chỉ dựa vào một phòng ban riêng lẻ. Trong nhiều doanh nghiệp, các khối như Marketing, sản phẩm, bán hàng hay dịch vụ khách hàng thường hoạt động rời rạc, gây lãng phí tài nguyên và làm giảm hiệu quả tổng thể. CGO giúp “kéo” các bộ phận này lại gần nhau bằng tư duy hệ thống và mục tiêu tăng trưởng chung. Vai trò của CGO là phá bỏ silo (rào cản nội bộ), đồng thời xây dựng một chiến lược liên phòng ban, để đảm bảo mọi hoạt động từ phát triển sản phẩm đến chăm sóc khách hàng đều góp phần vào mục tiêu tăng trưởng tổng thể.
Đang chuyển đổi số hoặc mở rộng quy mô nhanh
Trong quá trình chuyển đổi số hoặc khi doanh nghiệp đang tăng trưởng nóng, bài toán không còn nằm ở “làm nhiều hơn” mà là “làm đúng hơn, nhanh hơn và hiệu quả hơn”. CGO chính là người có tầm nhìn tăng trưởng gắn với công nghệ, dữ liệu và tự động hóa, ba yếu tố quan trọng trong quá trình chuyển đổi số.
Họ giúp tổ chức tối ưu hành trình khách hàng (Customer Journey), ứng dụng các nền tảng số để mở rộng thị trường, đồng thời định hình các mô hình kinh doanh linh hoạt để thích ứng với quy mô đang lớn dần. CGO là người giữ cho “trục tăng trưởng” của doanh nghiệp luôn hoạt động trơn tru giữa những thay đổi nhanh và biến động liên tục của thị trường.
Khi muốn tạo văn hóa “Growth Mindset”
Trong bối cảnh kinh doanh biến động liên tục, những quy trình cũ hay thành công trong quá khứ không đủ để đảm bảo cho tương lai. CGO là người khơi nguồn cho một văn hóa học hỏi chủ động, nơi mỗi cá nhân được khuyến khích thử nghiệm, chấp nhận rủi ro và đổi mới. Khi thất bại được nhìn nhận như cơ hội để tiến bộ và câu hỏi “làm sao để tốt hơn?” trở thành phản xạ tự nhiên trong tư duy hằng ngày, tăng trưởng trở thành kết quả tất yếu, từ chiến lược vĩ mô đến sự chuyển hóa nhận thức ở từng con người trong tổ chức.
Khi doanh nghiệp chậm tăng trưởng và thiếu đột phá thì cần CGO
Sự khác biệt giữa CGO và các vị trí lãnh đạo khác
Khác với các vị trí lãnh đạo truyền thống, CGO tập trung vào tư duy xuyên suốt và kết quả dài hạn thay vì chỉ quản lý chức năng riêng lẻ.
Tiêu chí |
CGO (Chief Growth Officer) |
CMO (Chief Marketing Officer) |
CCO (Chief Commercial Officer) |
CPO (Chief Product Officer) |
Trách nhiệm chính |
Tăng trưởng tổng thể toàn doanh nghiệp |
Marketing và thương hiệu |
Doanh số và hiệu suất bán hàng |
Phát triển và tối ưu sản phẩm |
Phạm vi ảnh hưởng |
Toàn doanh nghiệp, kết nối liên phòng ban |
Marketing, khách hàng tiềm năng |
Bán hàng, đội ngũ sales |
Sản phẩm, trải nghiệm người dùng |
Tư duy chiến lược |
Hệ thống, dài hạn, dựa trên dữ liệu và đổi mới |
Định hướng theo chiến dịch và thương hiệu |
Theo KPI doanh số và khách hàng |
Theo chiến lược sản phẩm, tính năng, UX |
Khả năng tích hợp |
Cao, phối hợp và đồng bộ các khối để đạt tăng trưởng |
Phối hợp với sales và sản phẩm |
Phối hợp chặt với marketing |
Làm việc với tech và marketing |
Mục tiêu cuối cùng |
Tăng trưởng bền vững và có thể mở rộng quy mô |
Tăng nhận diện thương hiệu, thu hút khách hàng |
Đạt doanh số, giữ chân khách hàng |
Tăng giá trị sản phẩm, cải thiện trải nghiệm người dùng |
Các kỹ năng cần có để trở thành CGO
- Nền tảng học vấn và chuyên môn
- Tư duy chiến lược
- Kỹ năng lãnh đạo
- Phát triển mạng lưới và thương hiệu cá nhân
- Khả năng giao tiếp và truyền cảm hứng
- Nhạy bén với thị trường và khách hàng
Một CGO giỏi vừa cần tư duy như một nhà chiến lược, lại linh hoạt như một doanh nhân và có thể vận hành như một giám đốc sản phẩm hay Marketing bất kỳ lúc nào.
Nền tảng học vấn và chuyên môn
Không có con đường học vấn cố định nào dẫn đến vị trí CGO, nhưng đa phần các CGO thành công đều có nền tảng vững chắc về quản trị kinh doanh, Marketing, công nghệ hoặc tài chính. Tuy nhiên, học vấn chỉ là điểm khởi đầu. Điều quan trọng hơn là khả năng học hỏi liên tục và thích nghi nhanh chóng với các xu hướng mới.
Một CGO lý tưởng có thể từng là Marketer, Product Lead, hoặc thậm chí là Startup Founder. Miễn là họ có trải nghiệm đủ rộng để hiểu doanh nghiệp không phải là tập hợp phòng ban, mà là một hệ sinh thái tăng trưởng đồng bộ.
Tư duy chiến lược
CGO là người “nhìn thấy tương lai từ hôm nay”. Bên cạnh giải quyết các vấn đề trước mắt, các CGO cần định hình lộ trình tăng trưởng cho doanh nghiệp trong 1-3-5 năm tới. Để làm được điều này, CGO cần sở hữu tư duy phân tích dữ liệu sâu sắc, am hiểu mô hình kinh doanh và hành vi khách hàng. Từ đó, họ có thể lựa chọn chính xác các "đòn bẩy tăng trưởng", xây dựng chiến lược phát triển phù hợp với DNA của doanh nghiệp - một cách bền vững và có định hướng rõ ràng, thay vì chạy theo những con số bề nổi hay xu hướng nhất thời.
Kỹ năng lãnh đạo
Là người kết nối và thúc đẩy tăng trưởng toàn doanh nghiệp, các CGO cần biết cách truyền cảm hứng, thúc đẩy hành động, tháo gỡ xung đột giữa các khối chức năng và đưa mọi người cùng nhìn về một hướng. Lúc này, kỹ năng lãnh đạo xuất sắc sẽ giúp CGO biết cách dẫn dắt mà không áp đặt, đồng thời xây dựng một văn hóa tăng trưởng tự thân trong đội ngũ.
Phát triển mạng lưới và thương hiệu cá nhân
Là người chịu trách nhiệm thúc đẩy tăng trưởng, một CGO không chỉ tạo ra giá trị cho doanh nghiệp mà còn phải liên tục phát triển bản thân. Việc xây dựng mạng lưới chất lượng gồm đối tác, cố vấn và chuyên gia thị trường sẽ giúp CGO luôn cập nhật xu hướng và nhanh chóng nắm bắt các cơ hội mới.
Đồng thời, một thương hiệu cá nhân mạnh mẽ là yếu tố then chốt để nâng cao uy tín và mở rộng tầm ảnh hưởng cả trong nội bộ lẫn trên thị trường. CGO có thương hiệu cá nhân vững chắc sẽ dễ dàng thu hút nhân tài, đồng thời tạo dựng niềm tin vững chắc từ các nhà đầu tư, khách hàng và truyền thông vào chiến lược của doanh nghiệp.
Khả năng giao tiếp và truyền cảm hứng
Một trong những năng lực quan trọng nhất của CGO là khả năng “bán giấc mơ tăng trưởng” cho cả tổ chức. Họ cần biết kể câu chuyện một cách cuốn hút, dẫn dắt bằng dữ liệu, nhưng chạm tới cảm xúc bằng tầm nhìn. Mỗi thông điệp đưa ra phải đủ rõ ràng để mọi phòng ban hiểu được mục tiêu lớn, và đủ truyền cảm để từng cá nhân thấy vai trò của mình là mắt xích không thể thiếu trong hành trình tăng trưởng. Một CGO giao tiếp hiệu quả không phải người nói nhiều, mà là người biết nói đúng lúc, đúng người và đúng cách để biến tầm nhìn thành hành động cụ thể, biến ý tưởng thành kết quả.
Nhạy bén với thị trường và khách hàng
Tăng trưởng không khởi nguồn từ bảng tính hay báo cáo nội bộ mà bắt đầu từ nhịp đập của thị trường. CGO cần sở hữu “trực giác chiến lược” để nắm bắt xu hướng, giải mã hành vi khách hàng và phát hiện những nhu cầu tiềm ẩn trước khi đối thủ nhận ra. Họ không thể tách mình khỏi thực tế mà phải liên tục kết nối với thị trường qua dữ liệu, khảo sát, quan sát hành vi người dùng, và những cuộc trò chuyện trực tiếp với khách hàng, đối tác. Chính sự nhạy bén này giúp CGO điều hướng chiến lược linh hoạt, phản ứng nhanh với thay đổi và thậm chí tạo ra nhu cầu mới trước khi thị trường gọi tên.
CGO cần có tư duy chiến lược và nhạy bén với thị trường
Trong bối cảnh thị trường liên tục chuyển động và cạnh tranh ngày càng khốc liệt, việc đặt trọng tâm vào tăng trưởng không còn là một lựa chọn ngẫu nhiên. CGO xuất hiện như một phần tất yếu trong hành trình cấu trúc lại chiến lược doanh nghiệp với tầm nhìn dài hạn. Với sự hiện diện của vai trò này, nhiều tổ chức đang từng bước tạo ra nền tảng vững chắc hơn cho tương lai, nơi tăng trưởng không đến từ may mắn mà từ sự chủ đích và phối hợp toàn diện.