Tự tin vượt bão: Can đảm hay ngu xuẩn?

Suy thoái là một cơ hội ngàn vàng để tăng trưởng và tạo thế. Can đảm để tiếp tục chịu đựng có thể đồng nghĩa với ngu xuẩn, cái can đảm thực sự cần thiết là can đảm để thay đổi.

Ngày Doanh Nhân vừa qua (một ngày hội chỉ có ở Việt Nam nơi chúng ta thích vinh danh rất nhiều thứ) tôi được mời nói chuyện về đề tài "Tự Tin Để Vượt Bão". Tôi cười vì nghĩ đến những lần sống chung với bão trong quá khứ. Khi nợ đòi mỗi ngày, khi lương nhân viên không biết xoay đâu cho ra, khi điện nước ở nhà máy bị dọa cúp, khi khách hàng không đoái hoài đến lời chào mua, khi vợ con dọa dọn ra riêng... thú thực tôi không lấy gì làm tự tin lắm. Cái "tôi" hoành tráng, thông minh, trải nghiệm biến đi đâu mất, chỉ còn quanh đây một con khỉ mệt mỏi, sợ sệt và thụ động.

Dù có tự nhủ là phải bước tới, phải tích cực, phải vượt khó bằng mọi giá, phải biết tự tin…, nhiều doanh nhân khi đối diện với hiểm họa của thất bại to lớn thường co rúm vào như một con sâu chui trốn trong lòng đất vì đây là một bản năng tự vệ cố hữu. Tôi cũng thường có phản ứng tương tự.

Chữ "tự tin" mà mọi người động viên nghe giống như một khẩu hiệu rỗng tuếch, sau vài lần sử dụng, trở nên nhàm chán, lố bịch và thừa thãi.

Cho nên, đối với một người đang đứng bên vờ vực thẳm, tôi nghĩ lời khuyên hãy tự tin có thể đem lại một tác động trái ngược. Sau nhiều lần đứng dậy và đối mặt với thử thách, tôi chỉ biết chia sẻ với các bạn doanh nhân trẻ là hãy coi đây là một cơ hội tốt để "xét nghiệm lại" tất cả những gì mình đã làm, đã suy nghĩ, đã đối diện... để thay đổi. Bởi vì nếu mình cứ tiếp tục làm những gì mình đã làm, thì mình sẽ tiếp tục thu hoạch những kết quả gì đã xảy đến.

Không phải tự tin, mà phải là thay đổi để vượt bão. Can đảm để tiếp tục chịu đựng có thể đồng nghĩa với ngu xuẩn, bởi vì cái can đảm thực sự cần thiết là can đảm để thay đổi.

Kinh tế vĩ mô toàn cầu sẽ suy thoái trong vài năm tới mặc cho những gói kích cầu của các chính phủ. Căn bệnh chính của Âu Mỹ, Trung Quốc và các quốc gia đang suy yếu là nợ công, nợ tư rồi in tiền, kích cầu để thêm nợ, thêm cung tiền... cũng giống như đưa thêm rượu cho người say. Nếu các nhà kinh tế này làm bác sĩ trị bệnh thì chúng ta phải lập bao nhiêu là bệnh viện để đáp ứng nhu cầu?

Trong khi đó, kinh tế Việt Nam cũng sẽ phải đối diện với các vấn đề như trên. Tại các xã hội đã phát triển hơn, họ có nội lực mạnh và cơ chế thị trường để giảm thiểu ảnh hưởng trên đời sống người dân, còn chúng ta thì chỉ có khẩu hiệu và nghị quyết. Do đó, nếu các doanh nghiệp chỉ có "tự tin" để vượt bão thì chúng ta cần nhiều phép lạ hay trò ảo thuật.

Dĩ nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng lãnh búa rìu của suy thoái. Tôi luôn nói là điều kiện vĩ mô chỉ có ảnh hưởng đến những doanh nghiệp không có sức mạnh nội tại để cạnh tranh. Với những công ty có sản phẩm hay công nghệ đặc thù, có quản lý bài bản biết dự phóng rủi ro, thị phần vững chắc và không dùng đòn bẫy tài chính xô bồ, thì suy thoái là một cơ hội ngàn vàng để tăng trưởng và tạo thế. Đây là thời điểm để mua tài sản hay M&A với giá rẻ, thu hút người tài, tìm thị trường mới, tăng gia phát triển công nghệ (R&D) và huấn luyện đào tạo thêm kỹ năng cho nhân viên.

Nhưng nó cũng là cơ hội tốt cho các công ty đang gặp rắc rối biết rõ yếu điểm của mình và tìm giải pháp khắc phục hay tạo ra một bàn cờ mới trên một sân chơi mới. Nhìn lại sản phẩm, thị trường, công nghệ, quản lý và tài chánh để thay đổi phương thức hay mô hình kinh doanh.

Năm 1985, Steve Jobs bị đẩy khỏi công ty Apple do ông sáng lập. Ông lập nên Next, một công ty vi tính tương tự để cạnh tranh với Apple. Thất bại, ông gần bị phá sản. Nhưng sau khi nhìn lại các tài sản của Next, ông thấy một ứng dụng phần mềm có thể gây đột phá trong ngành hoạt hình của phim ảnh. Pixar đã giúp ông vươn lại lên đỉnh cao, tạo danh tiếng mới và năm 1996, ông trở lại Apple với tư cách một hiệp sĩ thắng thế.

Cái tệ hại nhất trong mỗi suy thoái là sự xuất hiện của những xác chết biết đi (zombies). Đây là những doanh nghiệp đáng lẽ phải bị đào thải bởi thị trường thì qua một quan hệ chính trị hay một thế liên hoàn quan trọng trong nền kinh tế đã nhận được những tài trợ chính thức và không chính thức để tiếp tục tồn tại. Chúng không còn năng động hay sáng tạo và cũng không thể thay đổi hay thích ứng với môi trường mới. Những zombies này miệt mài trên giường bệnh và gây tai hại cho nền kinh tế chung vì chúng chiếm đoạt và sử dụng rất nhiều tài nguyên, tiền bạc, tài năng... đáng lẽ phải được giải phóng cho các đơn vị kinh tế khác hiệu quả hơn.

Khi chính phủ tiếp tục nuôi dưỡng những zombies vì bị chi phối bởi quyền lực của các nhóm lợi ích, thì nền kinh tế sẽ đi vào một suy thoái chậm chạp nhưng dài hạn. Nhật đang bị trì trệ gần 2 thập kỷ, Âu Mỹ đang bước vào thế giới của zombies sau khi đổ tiền dân cứu ngân hàng. Đây là một lựa chọn để kéo dài sự đau đớn cho đa số người dân, giống như cho bệnh nhân uống thuốc giảm đau thay vì phải đưa lên bàn mổ.

Với các doanh nghiệp tư nhân, cơn bão sắp đến có thể là một xúc tác để làm một quyết định quan trọng. Nếu thấy nội lực dồi dào và tài chính sung mãn, hãy bắt tay vào một chương trình phát triển mạnh mẽ và gây thêm vốn cho nhu cầu sắp tới. Nếu chúng ta chỉ vừa đủ mạnh để sống sót, hãy cố gắng chỉnh sửa những yếu kém và tìm thêm đối tác chiến lược để tăng nội lực cho tương lai. Với những doanh nghiệp trên bờ phá sản, hãy minh bạch với mọi chủ nợ, khách hàng và xin họ giúp đỡ để cùng nhau vượt khó. Trên hết, phải minh bạch với chính mình về khả năng sống còn. Đừng làm một zombie, mà sẵn sàng chết để được tái sinh. Đây là sự can đảm đáng kính phục.

Trong quy trình tiến hóa của thiên nhiên, sự sống và chết luôn tiếp nối nhau trong một chu kỳ bất tận. Các nhà khoa học gọi đó là sự hủy diệt tích cực (constructive destruction) rất cần cho sự tuần hoàn của mọi đời sống trên trái đất.

(Nguồn: PACE)

Bài viết được quan tâm

Bài viết mới nhất

Trang trên 319