Doanh nghiệp đối mặt với thương mại tự do

Nếu không có gì thay đổi, chỉ còn một năm nữa, tháng 12/2015 sẽ là thời điểm ra đời của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (gọi tắt là AEC - ASEAN Economic Community). Các lãnh đạo doanh nghiệp đang lo lắng trước viễn cảnh chưa từng xảy ra, đó là giữa 10 nước ASEAN hoàn toàn không còn rảo cản nào đối với dòng chảy tự do của hàng hóa, dịch vụ, lao động, và vốn đầu tư. Trong bàn cờ được chơi theo luật chơi mới này, chúng ta sẽ có cơ hội gì và thách thức gì mới? Chúng ta đã chuẩn bị được điểm mạnh gì và còn điểm yếu gì so với các doanh nghiệp ASEAN?

Tạp chí uy tín The Economist vào tháng 9/2014 đã có một nghiên cứu về tác động của thương mại tự do lên doanh nghiệp. Trong đó có hai tình huống điển hình về hai doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ có cách đáp ứng rất khác nhau với các hiệp định tự do thương mại.

Giải pháp của TMA: gia nhập câu lạc bộ

Các lãnh đạo doanh nghiệp đều công nhận, gia nhập WTO là một thời khắc quyết định đối với sự phát triển ngoạn mục của ngành gia công phần mềm ở Việt Nam.

Từ một xuất phát điểm nhỏ bé, Việt Nam đã nhanh chóng trở thành một thế lực đáng kể trong ngành gia công phần mềm. Theo báo cáo của Hiệp hội Phần mềm và Công nghệ Thông tin Việt Nam, hiện Việt Nam đứng trong top 10 thế giới về xuất khẩu phần mềm, với doanh thu xuất khẩu đã vượt con số 1 tỷ USD. Thành công này nhờ vào nhiều yếu tố, gồm cả lực lượng lao động tương đối trẻ, được học hành, và hạ tầng được cải thiện. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hữu Lệ, Chủ tịch của TMA Solutions, một công ty thành lập năm 1997 và đang dẫn đầu về gia công phần mềm, thành công này nhờ rất nhiều vào một yếu tố: Việt Nam gia nhập WTO năm 2007, sau hơn 10 năm đàm phán.

Trong cái nhìn của ngành gia công phần mềm, việc gia nhập WTO của Việt Nam đánh dấu sự trưởng thành về kinh tế, mở đường cho các công ty nước ngoài đầu tư vào, tin dùng dịch vụ của các nhà cung cấp trong nước. “Khi Việt Nam hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu, thêm các doanh nghiệp đến Việt Nam và thêm tin tưởng làm ăn với các doanh nghiệp Việt Nam. Chúng tôi có thêm khách hàng nước ngoài.” Ông Lệ nói.

Gia nhập WTO cũng giảm chi phí cho các công ty như TMA. “Xuất nhập khẩu thiết bị và dịch vụ dễ dàng hơn, thuế thấp hơn, giúp giảm chi phí cho chúng tôi và cho khách hàng khi làm ăn với chúng tôi. Nhờ vậy chúng tôi trở nên cạnh tranh hơn.” Ông Lệ nói.

Ông cũng cho biết, 6 năm sau khi Việt Nam gia nhập WTO, công ty TMA đã mở rộng từ 13 lên 15 thị trường, doanh số tăng gấp đôi, mở văn phòng tại Mỹ, Nhật, và Úc. Có lẽ không ngạc nhiên khi ông nói, theo quan điểm của TMA thì “hiệp định thương mại tự do nào cũng đều tốt.”

Ông Lệ thậm chí còn không lo ngại về những biểu hiện thiếu lao động có tay nghề, khi ngày càng nhiều công ty nước ngoài đến gia công phần mềm tại Việt Nam. “Chúng tôi phải cạnh tranh với họ để thu hút người giỏi… nhưng chúng tôi tin rằng khu nhu cầu tăng lên thì nguồn cung cũng sẽ tăng lên.”

Ông nói thêm, “Chúng tôi muốn có nhiều công ty IT nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, điều đó sẽ chứng tỏ Việt Nam là điểm đến của ngành gia công cho công nghệ cao.”

Sterlite Technologies và bài học về thương mại

Sự xuất hiện đột ngột của hàng nhập khẩu giá rẻ đã thúc đẩy công ty Sterlite Technologies của Ấn Độ phải xem xét lại chiến lược thương mại.

Công ty Sterlite Technologies tại Ấn Độ là một chuyên gia về truyền dữ liệu và truyền tải điện. Từ lâu công ty đã biết là ở thị trường phương Tây, các hiệp định thương mại đa quốc gia đóng vai trò then chốt trong phát triển kinh doanh. Nhưng công ty đã không chú ý lắm đến những hiệp định song phương mà Ấn Độ ký kết với các đối tác thương mại như Hàn Quốc và Nhật – cho đến công ty đột nhiên nhận thấy các sản phẩm cạnh tranh từ những quốc gia này xuất hiện trên thị trường nội địa, với những mức thuế nhập khẩu ưu đãi. “Chúng tôi chợt nhận ra có những hiệp định đã ký mà chúng tôi thực sự không để ý.” CEO công ty, ông Anand Agarwal nói, “Hiện nay chúng tôi ngày càng quan tâm hơn đến các hiệp định này; chúng tôi đã thấy là cần phải tham gia mức độ nào đó vào quá trình đàm phán, phải nhận biết vai trò của mình là gì trong quá trình phát triển.”

Một trong những bước phản ứng đầu tiên của Sterlite là: các bộ phận chuyên trách về xuất nhập khẩu được giao thêm nhiệm vụ theo dõi vấn đề ngoại thương. Trước đây, nhóm này chủ yếu theo dõi cơ cấu thuế xuất nhập khẩu giữa Ấn Độ và các thị trường. Nhóm được tăng cường năng lực chuyên môn, đào sâu các hiệp định để phát hiện từng tác động của thuế đến mỗi sản phẩm đầu ra cụ thể của Sterlite, cũng như đến mỗi nguyên liệu đầu vào cụ thể. Sterlite lập ra một bảng tổng hợp, với chi tiết mức thuế của mỗi sản phẩm cụ thể, với tác động của từng hiệp định song phương giữa Ấn Độ với nước khác, cũng như các hiệp định khu vực và quốc tế.

“Chúng tôi đào thật sâu để xem các hiệp định tự do thương mại làm chúng tôi bất lợi, bị tác động, hay có lợi.” Ông Agarwal giải thích, “Đó vẫn là những công việc chúng tôi làm trước đây, nhưng đến nay phải đẩy lên một cấp độ cao hơn.”

Với sự gia tăng về kiến thức, ông Agarwal cho biết, công ty tăng cường vai trò vận động chính phủ trong quá trình xây dựng các chính sách thương mại và đàm phán các hiệp định thương mại của Ấn Độ. “Điều chắc chắn là dẫn đến các bước tiếp theo, đó là chúng tôi phải tăng cường vị thế của mình trong các phòng thương mại, trong các cơ quan tham gia đàm phán với Bộ Thương mại mỗi.” Ông nói, “Tùy thuộc vào lĩnh vực bị ảnh hưởng và định hướng đàm phán, chúng tôi sẽ chọn ưu tiên cho vai trò của mình để tác động vào hiệp định.”

Bài viết được quan tâm

Bài viết mới nhất

Trang trên 376