Giữ chân CEO sau khi thâu tóm: Nên hay không?

Ngày càng nhiều doanh nghiệp đang nỗ lực giữ chân nhà lãnh đạo cấp cao của các công ty mà họ mua lại.

Đối với Jeff Weiner của LinkedIn Corp., dù quyết định bán công ty cho tập đoàn phần mềm Microsoft nhưng vẫn ở “chiếu trên”. Bởi lẽ, Microsoft đang ra sức lấy lòng Weiner, nhà sáng lập kiêm CEO của LinkedIn kể từ năm 2008, để ông chịu ở lại sau khi Tập đoàn đồng ý mua mạng xã hội chuyên nghiệp này với giá 26,2 tỉ USD. Weiner sẽ được trả gói lương khoảng 18 triệu USD vào năm 2017 và kiếm được ít nhất 43 triệu USD trong vòng 4 năm tới nếu ông đạt được những mục tiêu kinh doanh đặt ra, theo hồ sơ nộp lên cơ quan quản lý. Vào năm 2015, Weiner đã mang về tổng mức thu nhập khoảng 19,9 triệu USD, theo một báo cáo bổ nhiệm của LinkedIn.

Theo thương vụ 26,2 tỉ USD được công bố hồi tháng 6 vừa qua, Microsoft cũng cam kết cho Weiner quyền tự do điều hành LinkedIn như một đơn vị độc lập. LinkedIn là công ty công nghệ lớn nhất được giao quyền “tự trị” hậu sáp nhập trong thời gian gần đây, theo các nhà quan sát trong ngành.

Một thực tế là ngày càng nhiều doanh nghiệp đang nỗ lực giữ chân nhà lãnh đạo cấp cao của các công ty mà họ mua lại vì không muốn sự ra đi của những nhân vật chủ chốt này gây bất lợi cho quá trình thâu tóm công ty mục tiêu. Một số doanh nghiệp “chào mời” các CEO những vị trí quan trọng trong công ty sau sáp nhập cũng như hứa trả các khoản lương thưởng hậu hĩnh. Họ quyết định giữ lại ai, bỏ ai một phần dựa vào việc đánh giá độc lập các nhà điều hành tại cả công ty đi thâu tóm lẫn công ty bị mua.

Nhà bán lẻ số 1 thế giới Wal-Mart Stores rất muốn giữ chân Marc Lore, nhà sáng lập Jet.com Inc., sau khi ký kết thương vụ thâu tóm website mua sắm này với giá 3,3 tỉ USD vào mùa hè năm nay. Khi thương vụ hoàn tất vào ngày 19.9.2016, Lore đã trở thành CEO bộ phận thương mại điện tử Mỹ tại Wal-Mart, giám sát cả trang web Walmart.com lẫn Jet.com, một startup được thành lập vào năm ngoái và đến nay vẫn chưa có lãi.

Tương tự, Darius Adamczyk sẽ trở thành CEO của Honeywell International Inc. vào tháng 3.2017, 9 năm sau khi ông đầu quân cho tập đoàn công nghiệp đa quốc gia này qua thương vụ mua lại Metrologic Instruments Inc., mà ông là người đứng đầu. “Lúc đó, tôi không nghĩ rằng mình sẽ ở lại quá 1 năm”, Adamczyk nhớ lại.

CEO Marissa Mayer của Yahoo Inc. đã mua lại hơn 50 startup kể từ năm 2012. Khoảng 1/5 trong số các cấp phó dưới trướng của bà đều từng đứng đầu các startup mà bà mua lại. Trong số đó là Adam Cahan, người phát triển một ứng dụng xã hội có tên là IntoNow. Cahan cho biết ông ở lại một phần vì Yahoo cam kết sẽ giữ nguyên dàn nhân sự cũ của ông ít nhất trong 1 năm. Verizon Communications Inc. gần đây cam kết mua lại các tài sản web của Yahoo.

Những doanh nghiệp đi mua lại “giờ ngày càng nhận thức rất rõ mối quan hệ giữa việc sáp nhập hiệu quả dàn quản lý cấp cao với sự thành công của một thương vụ sáp nhập”, Tiến sĩ Jeffrey A. Krug, Đại học Bloomsburg, nhận xét. Tuy nhiên, thách thức hậu sáp nhập quá lớn đến nỗi “nhiều thương vụ sẽ vẫn tiếp tục thất bại”, ông nói. Tiến sĩ Krug đã nghiên cứu quá trình thay thế nhà điều hành trong hàng ngàn thương vụ thâu tóm doanh nghiệp tại Mỹ kể từ thập niên 1970. Tính trung bình, ông cho biết, các doanh nghiệp mất 1/3 số nhà điều hành của họ trong 2 năm đầu tiên bị mua lại.

Nhưng một kịch bản khác hẳn đã diễn ra tại National Starch, công ty được đối thủ Corn Products International Inc. mua lại vào năm 2010. Tất cả 12 nhà điều hành cấp cao đã ở lại làm việc cho Ingredion Inc., công ty sau sáp nhập, cho đến đầu năm 2013. Có tới 6 nhà điều hành trước đây của National Starch đến nay vẫn còn làm việc ở Công ty. Ngay sau ngày Ilene Gordon, CEO khi đó của Corn Products, công bố thương vụ sáp nhập, bà và dàn lãnh đạo của bà ở Chicago đã bay sang New Jersey và ăn tối với những người đồng cấp ở National Starch tại một nhà hàng gần trụ sở của công ty này ở Bridgewater, New Jersey. “Chúng tôi muốn các bạn ở lại vì kiến thức cũng như sự hiểu biết công nghệ của các bạn”, Gordon nhớ lại đã nói như thế trong bữa tiệc.

Gordon cũng cam kết xây dựng một công ty hoàn toàn mới, với cái tên mới và kết hợp những gì tốt đẹp nhất trong văn hóa của 2 công ty. Để xoa dịu nỗi lo của một số nhà điều hành National Starch, bà đồng ý không chuyển 200 nhà khoa học của công ty này sang Chicago, thay vào đó quyết định bành trướng trung tâm công nghệ New Jersey của họ.

“Bà ấy muốn có được những bộ óc xuất sắc nhất ở cả hai công ty”, Jim P. Zallie, khi đó là CEO National Starch, cho biết. Gordon đã giao cho ông phụ trách bộ phận những sản phẩm chuyên biệt toàn cầu, một vị trí mới tại công ty sau sáp nhập.

Theo Laura Miles, điều hành bộ phận M&A toàn cầu của hãng tư vấn Bain & Co, so với cách đây 1 thập niên, giờ việc ban lãnh đạo của các công ty thâu tóm đi tìm hiểu dàn lãnh đạo ở công ty mục tiêu là chuyện bình thường. Điều đó cho thấy “bạn muốn giữ lại những tài năng xuất sắc nhất”, bà nói.

Đánh giá dàn lãnh đạo hai bên, cả bên thâu tóm lẫn bên bị mua lại, trong một thương vụ M&A cũng giúp gia tăng mối thiện cảm, theo đánh giá của công ty tuyển dụng nhà điều hành Egon Zehnder và hãng tư vấn AlixPartners. 15-20% công ty thâu tóm “có cái nhìn rất khách quan về văn hóa và nhân tài ở cả hai công ty”, so với chỉ 1% của năm 2006, theo ước tính của Ted. C. Bililies, đối tác điều hành tại AlixPartners.

Đánh giá 2 chiều không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với việc “phân chia” đồng đều các vị trí quan trọng trong công ty sau sáp nhập. Global Payments Inc. đồng ý mua lại Heartland Payment Systems Inc. cuối năm ngoái. Không lâu sau đó, Global Payments yêu cầu hãng tư vấn và kiểm toán PricewaterhouseCoopers (PwC) đánh giá dàn điều hành của cả hai công ty, theo Bob Carr, CEO khi đó của Heartland. Carr cho biết Global Payments đã chọn giữ lại chỉ 2 trong số 8 cấp phó dưới trướng của ông, nhưng một trong hai người đã từ chối đề nghị ở lại. Global Payments và PwC không bình luận.

Những nhà điều hành khác của Heartland dù không được giữ lại nhưng ra đi với khoản đền bù hậu hĩnh. Tuy vậy, họ lại không vui, Carr cho biết. “Họ không còn giữ được công việc mà mình yêu thích”, ông nói.

(Theo Nhịp Cầu Đầu Tư)

Chương trình đào tạo

CEO - GIÁM ĐỐC ĐIỀU HÀNH
CEO - Chief Executive Officer

Chương trình CEO của PACE là chương trình đào tạo CEO đầu tiên tại Việt Nam,
có bề dày triển khai hơn 2 thập kỷ và có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam.

Kể từ ngày ra đời, CEO luôn là chương trình phát triển năng lực quản trị và lãnh đạo
được doanh nhân lựa chọn theo học nhiều nhất.

Vui lòng xem thông tin chương trình
tại đây

Bài viết được quan tâm

Bài viết mới nhất

Trang trên 377