“Sổ tay doanh trí” kỳ trước (số ra ngày 05/07/2011 và 12/07/2011) có bàn về vị trí, vai trò và sứ mệnh của CEO trong doanh nghiệp từ góc nhìn của tư tưởng kinh doanh hiện đại (thông qua bài viết “Tại sao ngồi ghế CEO nhưng lại không làm việc của CEO?” và “Lãnh đạo thì cô đơn?”). Để minh chứng thêm cho việc ngày nay cần phải “định nghĩa lại CEO”, “Sổ tay doanh trí” kỳ này sẽ là chia sẻ của một người trong cuộc, A.G.Lafley - nguyên CEO toàn cầu của Tập đoàn Procter & Gamble. Dưới đây là trích lược nội dung chính bài viết của ông đăng trên Havard Business Review, tạp chí kinh doanh hàng đầu thế giới.
Công việc của CEO là gì? Liệu chúng ta đã thực sự hiểu hết vai trò và những công việc mà chỉ duy nhất CEO mới có thể đảm đương và nhất thiết phải nhận lãnh?
Qua thời gian tôi càng ngày càng nhận thấy sức mạnh trong lời nói của Peter Drucker (“cha đẻ” của quản trị kinh doanh hiện đại) về việc liên kết bên ngoài và bên trong, liên kết dài hạn và trước mắt vốn được coi là công việc tối thượng của CEO. Nếu vậy thì việc thực hiện cụ thể là như thế nào? Ta có thể tóm gọn lại thành 4 “sứ mệnh” cơ bản của một CEO ngày nay như sau:
1. Xác định khách hàng là yếu tố bên ngoài then chốt nhất
Mục đích cuối cùng của một doanh nghiệp là tạo ra khách hàng. Ai cũng biết khách hàng là ông chủ, là thượng đế, tuy nhiên hành động của chúng ta chưa tuân thủ những gì ta suy nghĩ và nhìn nhận.Hầu như tất cả mọi văn phòng và trung tâm cải tiến của P&G đều có các khách hàng cùng làm việc với các nhân viên. Tại trụ sở toàn cầu, chúng tôi thay thế hàng loạt những bức tranh của các nghệ sĩ chuyên nghiệp bằng những bức hình chụp lại khoảnh khắc mua hàng của các khách hàng trên thế giới và sử dụng các nhãn hiệu P&G trong cuộc sống thường nhật. Khách hàng rõ ràng là chủ thể bên ngoài trọng yếu nhất đối với P&G, tuy nhiên những đối tượng khác cũng không kém phần quan trọng: nhà bán lẻ, nhà cung cấp, các nhà đầu tư, các cổ đông và dĩ nhiên là các nhân viên.
2. Chúng ta nên kinh doanh cái gì và không kinh doanh cái gì?
Trong quá trình cân nhắc đi tìm câu trả lời cho vế đầu tiên trong câu hỏi của Peter Drucker - Chúng ta kinh doanh cái gì? - thì đồng thời chúng tôi cũng vật lộn với vế thứ hai của câu hỏi, vốn cũng quan trọng không kém - chúng ta không kinh doanh cái gì? Chỉ duy nhất CEO là người thấm nhuần sâu sắc quan điểm và tầm nhìn doanh nghiệp để thực hiện những quyết định khó khăn: Làm hay không làm; Nên hay không nên.
3. Cân bằng giữa hiện tại và tương lai
Trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế và suy thoái toàn cầu, các CEO càng bị thúc bách, họ phải quan tâm đến những nhu cầu trước mắt của tuần này, tháng này, quý này dồn dập hơn bao giờ hết. Những áp lực này chắc chắn sẽ dẫn tới sự cắt giảm đáng kể đầu tư vào giai đoạn trung và dài hạn. Các CEO cần thực hiện một số quyết định quan trọng sau để duy trì sự cân bằng tích cực giữa hiện tại và tương lai: Đầu tiên là vạch ra các mục tiêu tăng trưởng thực tế; tiếp đó là tạo ra một cơ chế cấp ngân sách linh hoạt; thứ 3 là phân bổ nguồn nhân lực theo cách xác định và phát triển những con người hiệu quả cho cả hiện tại trước mắt và tương lai dài hạn.
4. Xác lập các chuẩn mực và cùng đội ngũ bảo vệ các giá trị
Đây là ưu tiên tối thượng của tôi trong năm đầu tiên đảm trách vị trí CEO. Chỉ duy nhất CEO được giao phó trách nhiệm bảo đảm mục tiêu, giá trị và các chuẩn mực của công ty phù hợp với điều kiện hiện tại và tương lai cũng như hoạt động kinh doanh mà công ty đang thực hiện. CEO có thể và nhất thiết phải can thiệp kịp thời để đảm bảo các mục tiêu và giá trị luôn tập trung hướng về môi trường bên ngoài. Để duy trì lợi thế cạnh tranh và mức tăng trưởng, CEO phải thiết lập nên các chuẩn mực đảm bảo công ty chinh phục được những “giám khảo” uy quyền nhất và đương đầu với những đối thủ tài năng và xứng tầm nhất.
Nguồn Sổ tay Doanh trí của PACE, số ngày 19/07/2011, đã được phát hành trên báo Tuổi Trẻ
CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO
GIÁM ĐỐC ĐIỀU HÀNH - CEO
(CHIEF EXECUTIVE OFFICER)
Trong số hơn 110 chương trình đào tạo mà PACE đã và đang triển khai thành công trong suốt hơn một thập niên qua, Chương trình đào tạo Giám Đốc Điều Hành (CEO) là một trong số 5 chương trình đào tạo đặc biệt nhất do PACE nghiên cứu, thiết kế và biên soạn theo mô hình quản trị chuyên biệt của PACE. Chương trình này cũng nhằm góp phần "khởi đầu cho một thế hệ CEO mới" của Việt Nam, đồng thời, tiếp tục đồng hành cùng Doanh giới Việt Nam trên chặng đường “quốc tế hóa trình độ nguồn nhân lực cao cấp” (nhất là nhân lực quản lý và nhân lực lãnh đạo).