“Tương lai quản trị là quản trị bằng tự trị, quản trị bằng văn hóa”

[BizLIVE] “Tương lai quản trị là quản trị bằng tự trị, quản trị bằng văn hóa”. Đó là quan điểm của ông Giản Tư Trung, Hiệu trưởng Trường Doanh nhân PACE, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển giáo dục (IRED) khi nói về tinh hoa quản trị.

-Tọa đàm ra mắc sách Quản trị bằng văn hóa tại REX

Hình ảnh 1: Buổi ra mắt Sách Quản trị bằng Văn hóa ngày 10/12/2023 - Tác giả GIẢN TƯ TRUNG

Cuộc đời của Giản Tư Trung, người sáng lập Trường Doanh nhân PACE, thực chất là câu chuyện về giáo dục, về doanh trí. Là nhân vật quen thuộc của giới truyền thông Việt Nam trong suốt nhiều năm nay với nhiều cách tân khác biệt về giáo dục, về sự học, về doanh trí, về hội nhập… ông được coi là một trong số ít những người tiên phong trong công cuộc “quốc tế hóa doanh trí” của doanh nhân Việt.

"Đúng việc", tác phẩm có tính “cách mạng” về nhận thức vừa ra đời của ông là một góc nhìn về câu chuyện khai minh. Khai minh thực chất là định nghĩa lại, là tìm về bản chất, là trả lại chân giá trị cho những khái niệm và những vấn đề căn cốt nhất của con người, của cuộc đời, của xã hội...

Và như ông viết trong tựa đề cuốn sách: “cuốn sách này nhằm chia sẻ với những người bạn đồng hành trên hành trình trở thành con người tự do”.

Trong tác phẩm mới của mình, ông có nói “Đúng việc” vừa là “đích đến”, lại vừa là “con đường” để tới đích của mỗi người, mỗi nhà, mỗi tổ chức và mỗi xứ sở. Ông thể nói rõ hơn “việc” ở đây là việc gì, và thế nào là “đúng”?

“Việc” ở đây có nghĩa là, công việc của bất kỳ ai trong đời cũng bao gồm làm người, làm dân và làm nghề.

Vì sinh là người thì phải làm người thôi, mà để làm người thì phải có nhân tính, phải có lương tri, mà để có lương tri thì phải được khai minh, khai sáng.

Còn làm dân thì ai cũng thuộc về một quốc gia, một xứ sở nào đó nên phải có trách nhiệm xã hội với quốc gia và với xứ sở đó như là một lẽ đương nhiên.

Còn làm nghề thì ai cũng phải làm việc để sống. Thường con người sẽ làm “nghề” ở 2 nơi, đó là, làm nghề ở công sở và làm nghề ở nhà. Làm nghề ở công sở thì có thể làm bác sỹ, doanh nhân, luật sư, công nhân…, còn làm nghề ở nhà thì bao gồm các “nghề” như nghề làm cha, nghề làm mẹ, nghề làm ông, nghề làm bà, nghề làm con...

Tuy nhiên, nếu gom lại tất cả mọi việc và mọi nghề mà con người làm trong đời thì chỉ có một việc, một nghề duy nhất, đó là nghề “làm người”. Bởi lẽ, làm dân hay làm nghề cũng là làm người. Bởi lẽ, nhìn vào cách làm dân hay làm nghề của một ai đó thì ta cũng có thể thấy “con người” của họ.

Còn thế nào là “đúng”? Chuyện đúng-sai, phải-trái, chân-giả, thiện-ác, chính-tà, tốt-xấu, hay-dở… thì nên căn cứ vào 4 cái “đạo” để minh định: đạo luật (của nhà nước), đạo lý (của làng, của nước, của thế giới tiến bộ), đạo thiêng (nếu mình tin vào một tôn giáo nào đó) và đạo sống (của riêng mình).

Nếu “đạo sống” của mình dựa trên “đạo nhân” (những giá trị phổ quát của nhân loại, những giá trị vượt không gian và thời gian) thì thường trong đạo sống này cũng đã bao gồm cả 4 cái đạo nói trên nên chỉ cần sống theo đạo sống của mình là đủ.

Để hiểu được đạo sống, hình thành được đạo sống của riêng mình, đồng thời sống được và bảo vệ được đạo sống này, đó chính là hành trình khai minh của mỗi người.

Như vậy, một quốc gia sẽ thịnh vượng và văn minh khi phần lớn người dân trong quốc gia đó đều làm đúng và làm tốt công việc của mình.

Một tổ chức sẽ thành công khi phần lớn đội ngũ của công ty đó đều làm đúng và làm tốt công việc của mình.

Một gia đình sẽ hạnh phúc nếu tất cả các thành viên trong gia đình đều làm đúng và làm tốt công việc của mình.

Một người sẽ có thành công và hạnh phúc như là hệ quả tất yếu mà họ nhận được khi người đó làm đúng và làm tốt công việc của mình.

Nếu hiểu “Đúng việc” theo cách đó thì “Đúng việc” sẽ vừa là đích đến, vừa là con đường để tới đích của mỗi người, mỗi nhà, mỗi tổ chức và mỗi xứ sở.

Hiểu được một cách thấu đáo thế nào là con người tự do đã khó, nhưng sống được như một con người tự do còn khó gấp ngàn lần… Trong thực tế, không ít người dù rất hiểu và vô cùng trân quý những giá trị cơ bản của tự do, tự trị, nội trị… nhưng rốt cuộc nhiều khi vẫn sống khá là nô lệ, ngoại trị, bị trị… Cuốn sách “Đúng việc” ông anh đã luận giải vấn đề này như thế nào?

Nếu bạn không sống với những gì bạn tin tưởng, rốt cuộc ban sẽ quay lại tin những gì bạn sống.

Thật vậy, một người quen ngày trước của tôi từng tâm sự rằng, khi mới khởi sự kinh doanh, anh đọc gần trăm cuốn sách về quản trị kinh doanh và có thêm nhiều hiểu biết, niềm tin và sức mạnh, và hừng hực khí thế quyết tâm rằng nhất định mình sẽ sống được với những tinh thần và giá trị kinh doanh như thế.

Nhưng rồi thời gian trôi đi, nhuệ khí đó trong anh mai một dần. Có khi anh hoang mang tự hỏi, phải chăng những gì mà anh đã dặn dò với chính mình ngày đó chỉ là khẩu hiệu đẹp đẽ treo trên tường, còn chính thực tế mà anh đang đối diện hàng ngày và những “chiêu thức” giúp anh tồn tại trong thực tế đó mới là chân lý?

Việc sống với những giá trị và giữ được đức tin của mình trong một xã hội bình thường đã khó, trong một xã hội mà cái sai đã tồn tại lâu đến mức thành cái phổ biến, và rồi cái phổ biến được đánh đồng với cái đúng, thì việc “đi ngược gió” để bảo vệ lựa chọn của mình lại càng khó đến đâu?

Điều thực sự quan trọng không hẳn là những gì viết ra trong cuốn sách, mà là những gì xảy ra sau khi gấp sách lại.

Tôi mong bạn đọc sẽ đón nhận nó với niềm tin vào “chuyện tử tế”, tin rằng, gieo nhân lành sẽ gặp quả ngọt, sống tốt thì những điều tốt đẹp sẽ đến với mình, tin rằng “thay đổi đến từ TÔI”, “Ta là sản phẩm của chính mình”. “đạo sống” mà ta chọn chính là “ông chủ” của đời ta.

Nếu ta tự do và biết tự chọn lựa cho đời mình một “đạo sống” và sống với “đạo sống” đó, sống đúng với con người mình thì cuộc đời mới hạnh phúc đích thực

Nhìn vào đời sống văn hóa, tinh thần của người Việt hôm nay, nỗi đau lớn nhất của ông là gì?

Những thực trạng mà chúng ta nhìn thấy ngày nay của con người, của gia đình, của tổ chức và của xã hội là bắt nguồn sâu xa từ việc có quá nhiều thứ chưa được trả lại chân giá trị của nó và có quá nhiều người chưa hiểu đúng và làm tốt những “công việc” của mình.

Vậy đâu là chân giá trị của mọi vấn đề, đâu là “công việc” quan trọng nhất mà nếu được hiểu đúng và làm tốt thì mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn và cả xã hội sẽ được vận hành một cách văn minh, thịnh vượng?

Cuốn sách này là một phương pháp luận cho vấn đề đích đến và con đường của con người, của mỗi người, mỗi nhà, mỗi tổ chức và mỗi xứ sở. Trong đó, có kiến giải về nghề giáo.

Nhưng một nghịch lý hiện nay là tất cả người làm nghề có đạo rất khổ sở, thậm chí có người còn thốt lên, “thà vô đạo thì sướng hơn”. Nghề giáo mà có đạo thì cũng khổ lắm! Liệu có thể dạy cho con trẻ những gì mình không tin, không hiểu? Nhất là dạy cho trẻ con nữa thì đó là tội ác. Thầy thuốc chưa có hóa đơn thì có không cấp cứu?...

Rất nhiều cách nghĩ, cách sống và cách làm của xứ mình đang thuộc về … người “ hành tinh khác”, không thuộc về trái đất này. Nhất là nhiều bạn trẻ ngày nay có sự nhầm lẫn về các giá trị về văn minh, như nhầm lẫn giữa tự do và hoang dã, giữa chân thật và trơ trẽn, giữa tự trọng và sĩ diện…

Tôi chỉ muốn góp một góc nhìn hạn hẹp của mình về hành trình trở thành con người trái đất, con người tự do của người Việt ta.

Nhiều năm trước lang thang trên quảng trường Trafalgal ở London, điều tôi chú ý không phải là bức tượng vị đô đốc tài ba Nelson sừng sững giữa trời, mà là dòng chữ khắc dưới chân tượng: “Nước Anh mong muốn mỗi người sẽ làm trọn công việc/ bổn phận của mình”( England expects that every man will do his duty)… Nước Anh mong muốn mỗi con người làm tốt, làm đúng công việc của mình, đó là làm người, làm dân, và làm việc.

Đóng góp lớn nhất của một con người cho cuộc đời là mang lại cho xã hội một con người tử tế, lương tri. Lớn hơn là đóng góp cho xã hội một gia đình tử tế, lớn lao hơn nữa là đóng góp cho xã hội một tổ chức tử tế.

Viết cuốn sách này tôi trăn trở nhiều về mình, về thời cuộc, và đặc biệt là những “trận chiến” diễn ra ngay xứ sở mình, liên quan đến bản chất và chân giá trị mọi vấn đề, thể hiện quan điểm về giáo dục, nhân sinh, cả hiện trạng và giải pháp hòa quyện trong đó... như con đường và đích đến của mỗi con người, mỗi xứ sở

Ngày 06/06/2016 vừa qua, Trường doanh nhân PACE vừa kỷ niệm 15 năm thành lập, đó cũng là 15 năm nỗ lực không ngừng để nâng cao trình độ doanh trí?

Thời PACE mới thành lập, giai đoạn 5 năm đầu, tri thức về quản trị kinh doanh của giới doanh nhân lúc lúc đó còn khá sơ khai, mình đưa kiến thức về cái gì cũng mới mẻ, 5 năm tiếp theo tri thức được doanh giới tiếp nhận dễ dàng hơn. 5 năm gần đây lại khủng hoảng kinh tế, mọi tri thức đem vào đều bị thử thách dữ dội.

Những thương hiệu hàng đầu thế giới đã từng làm đúng, làm tốt, tạo nên giá trị trường tồn, nhưng sau đó chính họ đã xa rời giá trị ban đầu đó và dẫn đến cái chết. Còn mình thì chưa chạm tới giá trị trường tồn đó nên càng bị thử thách nhiều hơn

Sau mấy trăm năm phát triển mải mê, doanh nhân thế giới đang phải quay lại những giá trị rất nền tảng, cơ bản. Nhưng mình chưa chạm đến giá trị đó thì lấy đâu quay về?

Điều hay là doanh nhân mình đang muốn chạm vào giá trị đó để tạo nên sự bền vững, nhưng nếu hạn chế về văn hóa thì không thể chạm vào giá trị đó, những phẩm giá bên trong.

Tư tưởng Nho giáo phong kiến chỉ tạo ra con người phận vị, con người công cụ, chứ không phải con người phẩm giá, tự do, lương tri.  

Khi tất cả những câu hỏi này được trả lời một cách thỏa đáng thì đó cũng là lúc nền giáo dục thực sự được canh tân. 

Mục đích của PACE là góp phần giải quyết vấn đề năng lực văn hóa, năng lực chuyên môn và năng lực lãnh đạo của doanh giới và doanh nghiệp.

Trong môi trường xã hội mà người ta đang đua nhau chạy theo bằng cấp bằng mọi giá, thì PACE lại có quan điểm hoàn toàn ngược lại, “Thượng tôn thực học”.

Điều này khẳng định một hướng đi, một cách làm, một tư duy mới mà nền giáo dục tiến bộ cần phải đạt được. Nó thoát ra khỏi khuôn khổ của những lối suy nghĩ sáo mòn trong cách học của người Việt hàng thế kỷ qua.

Khi nói đến hội nhập thế giới, nói đến tinh thần đua tranh, thì điều quan trọng đầu tiên nhất phải nói đến là hội nhập về tri thức, đua tranh về tri thức.

Kiến trúc văn hóa tổ chức
Hình ảnh 2: Buổi ra mắt Sách Quản trị bằng Văn hóa ngày 10/12/2023 - Tác giả GIẢN TƯ TRUNG

Biến người học thành “ông chủ” của quá trình giáo dục, nhận thức mới mẻ mang tính cách mạng đó đã được ông hiện thực hóa bằng những chương trình của PACE như thế nào?

Những năm đầu, chúng tôi đưa tri thức của thế giới vào Việt Nam, sau đó “đóng gói tri thức” bằng cách đưa những cuốn sách quản trị của thế giới vào Việt Nam. Tiếp theo là đưa những bộ óc lớn của thế giới vào Việt Nam, thông qua đó truyền bá những tư tưởng tiến bộ của thế giới cho người Việt.

Đến bây giờ, PACE đưa phương pháp quản trị toàn cầu vào Việt Nam, tiếp theo đưa những tổ chức toàn cầu về Việt Nam để PACE có năng lực toàn cầu về tầm nhìn, trí tuệ và phương pháp của mình, để góp sức cho doanh giới Việt trên hành trình toàn cầu hóa tầm nhìn, trí tuệ và phẩm cách của mình.

Mất 8 năm bàn thảo, chúng tôi mới hợp tác được với Tổ chức FranklinCovey chuyên về phát triển lãnh đạo và kiến tạo văn hóa hàng đầu thế giới. Khi hợp tác với họ thì sức mạnh của mình phát triển rất nhiều.

PACE cũng đã hợp tác với Tổ chức Balanced Scorecard Institute tổ chức toàn cầu, chuyên sâu về quản trị chiến lược và xây dựng hệ thống quản lý.

PACE có hiểu biết địa phương, kết hợp với phương pháp toàn cầu, để mang lại những giải pháp năng lực hữu ích nhất cho doanh giới và doanh nghiệp.

Tại PACE chúng tôi tin rằng, quản trị bằng tự trị, quản trị bằng văn hóa là tương lai quản trị của thế kỷ 21.

Bàn về quản trị, vừa rồi ông có xem clip “gây bão” giữa Chủ tịch Vingroup và Tổng giám đốc Viettel?

Đó là hai tập đoàn lớn đầy khát vọng. Chúng tôi cũng chia sẻ nhiều với ban lãnh đạo của Viettel và Vingroup về “quản trị mới và kinh doanh mới”.

Khi được nhiều tập đoàn chia sẻ về “quản trị mới” này chúng tôi rất vui và hy vọng những tư duy và phương pháp quản trị ưu việt sẽ ngày một lan tỏa và bám rễ trong cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam.

Còn về lan tỏa triết lý kinh doanh thì ngay từ ngày thành lập, PACE đã chia sẻ định nghĩa, “kinh doanh là kiếm tiền bằng cách phụng sự xã hội và không làm phương hại đến cộng đồng”.

Fomosa hiện nay là một ví dụ điển hình cho việc đi ngược lại tư tưởng kinh doanh này.

Song hành với tư tưởng kinh doanh tiến bộ là phương cách quản trị hiện đại.

Tương lai quản trị là quản trị bằng tự trị, văn hóa. Bên cạnh quản trị bằng mục tiêu, bằng quy trình, bằng quyền lực, mỗi người sẽ làm việc bằng lương tri, phẩm giá của mình, chứ không chỉ bằng tiền bạc hay vì quyền lực và phận vị.

Nếu quản trị mà thiếu yếu tố lương tri, văn hóa, thì đó là cai trị. Cai trị là đảo ngược lại xu thế, như vậy làm sao thu hút người tài về, chắc chắn thất bại, bởi con người sẽ ngày càng nhân văn hơn.

Dự án Phát triển hạt giống lãnh đạo IPL của PACE đã mang đến cho xã hội 4 thế hệ học viên với 90 “hạt giống” lãnh đạo đầy triển vọng?

Đây là một dự án giáo dục khai phóng kết hợp với phát triển lãnh đạo.

Dự án này nhằm tuyển chọn những người trẻ ưu tú tuổi từ 21-27 có khát vọng và tố chất lãnh đạo, rồi tiếp sức cho những “hạt giống” này trên hành trình “thự học, khai phóng và chuyên sâu” để trở thành “con người tự do, công dân trách nhiệm và chuyên gia ưu tú”.

4 thế học viên đã ra trường và phần lớn đã khởi nghiệp hay giữ các trọng trách trong các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, điều mà những người làm chương trình tự hào nhất, đó là, tất cả các “hạt giống” luôn ý thức về việc sống với tinh thần và giá trị của IPL trong công việc và cuộc sống hàng ngày của mình.

Bởi lẽ, IPL không chỉ là tên của một chương trình đào tạo, mà còn là tên của một nền văn hóa, một nền văn hóa mà tất cả những người tham gia muốn theo đuổi và chia sẻ.

Có thời gian nghiên cứu sâu về lịch sử kinh thương và doanh trí Việt, theo ông đâu là những điểm tích cực và… tiêu cực nhất?

Doanh nhân nào cũng thấy thân phận của đất nước trên thế giới, khát khao cháy bỏng vươn lên, phát triển, tinh thần tự tôn dân tộc, muốn góp công góp sức vào vị thế của Việt Nam, đó là động lực tích cực nhất để hội nhập.

Dù bây giờ năm châu bốn biển đều là nhà, nhưng tinh thần tự tôn dân tộc giúp chúng ta cạnh tranh sòng phẳng, chịu khó học hỏi, tâm thế nhược tiểu giảm đi rất nhiều, nhất là trong kinh doanh.

Những năm vừa qua dù là khủng hoảng kinh tế nhưng doanh nhân đi học rất đông, riêng ở Trường trung bình mỗi tháng có ít nhất 1.000 học viên là các doanh nhân, giám đốc tham gia học tập. Bất kể hoàn cảnh nào khi mở cửa ra, họ ý thức được sự yếu kém của mình, đó là cũng là điểm tích cực

Nhưng hạn chế lớn nhất  là tầm nhìn và tầm văn hóa. Những doanh nghiệp đi xa phải có hai yếu tố này. Phải có tầm nhìn của “người trái đất” để kinh doanh tại Việt Nam, chứ chưa nói đến chuyện người Việt Nam đi kinh doanh toàn trái đất.

Điểm tiêu cực nữa là sự đua tranh bằng mọi giá. Cổ nhân có nói đạo làm người là “cái gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác”, nhưng bây giờ rõ ràng có nhiều thứ chính mình không dám ăn, dám uống lại bán cho người khác. Kinh doanh chụp giật, ăn xổi ở thì, hàng giả, hàng nhái… tràn ngập.

Nhưng tôi hiểu tại sao. Làm ăn là làm người. Nhìn cách người ta làm ăn là biết con người họ thế nào! Làm chồng hay làm cha cũng là làm người. Mọi người trên thế gian chung quy chỉ làm một việc thôi, đó là làm người.

Nhìn vào sự chuyển động của các thương hiệu Việt, ông có lo ngại nhiều không khi làn sóng M&A đang làm biến mất các thương hiệu mạnh?

Phải nhìn dưới hai góc độ, mua bán thương hiệu là chuyện bình thường của quy luật thương trường, mạnh được, yếu thua. Nhưng ngược lại về mặt quốc gia, khi hàng loạt thương hiệu Việt bị thâu tóm, đó là còn là vấn đề chính trị, chứ không chỉ là vấn đề thị trường.

Tại sao quốc gia đó không hà hơi tiếp sức cho doanh nghiệp trong nước để có được thương hiệu hùng mạnh mà các quốc gia như Hàn Quốc và Nhật Bản đã từng làm?

Trường hợp này cũng giống hàng loạt người giỏi ra đi nước ngoài. Về  mặt quốc gia, đây là chuyện rất tệ hại. Tuy nhiên, về mặt cá nhân chuyện đó vô cùng bình thường, con người có quyền tự do chọn nơi phù hợp để sống, để làm viêc, nhất là bối cảnh bây giờ, năm châu bốn biển đều là nhà, mình cần tôn trọng điều đó.

Nhưng chuyện 14 bạn vô địch của Đường lên đỉnh Olympia qua Úc học rồi ở làm làm việc và định cư, chỉ một em quay về thì không nên quy kết đó là yêu nước hay không yêu nước.

Cũng giống như một công ty mà nhân tài không đến làm việc thì không thể trách người tài mà phải trách chính công ty đó.

Một doanh nghiệp nếu người tài du học không về, người tài trong nước thì ra đi, người tài thế giới thì không đến thì còn gì để phát triển. Con người mới là tài nguyên lớn nhất của một quốc gia

Con đường từ doanh nhân trở thành nhà giáo, nhà nghiên cứu giáo dục của riêng ông?

Tôi đã trải qua nhiều nghề, nhưng cuối cùng chọn nghề giáo. Bản chất của nhà giáo là tiếp sức cho sự học của người khác, là giúp người khác học.

Tôi chọn việc tiếp sức cho sự học của hai đối tượng chính là ông sếp và ông thầy, hai người đó mà thay đổi sự học của mình thì lớp học của họ sẽ khác, doanh nghiệp của họ sẽ khác.

Nếu chỉ kinh doanh thuần túy thì chẳng dại gì làm giáo dục. Tôi chọn nghề này trước hết vì thích, cũng như viết cuốn sách này. Sau sở thích là trách nhiệm công dân và trách nhiệm nghề nghiệp.

Anh có phải trả giá nhiều không cho quyết định này?

Tôi không nghĩ đó là trả giá, hy sinh, mà là lựa chọn thôi. Lựa chọn lớn nhất là lựa chọn cuộc đời, lựa chọn con người mình.

Tôi muốn trở thành con người tự do, làm được điều mình thích, đồng thời có thể giúp ích cho người khác. Chọn chính mình sau đó mới chọn nghề.

Công việc đó hợp với chất con người của mình. Nghề giáo cũng là một nghề như bao nghề khác thôi, nhưng trong bối cảnh Việt Nam hiện nay thì nghề giáo cũng rất ý nghĩa.

Hài hòa giữa nghiên cứu và giáo dục đã mang lại cho anh điều gì mới mẻ?

Nghiên cứu giúp cho sự học của tôi sâu hơn, nhất là sự học khai phóng và giúp tôi làm công việc giảng dạy hiệu quả hơn, nhất là về văn hóa, triết học, về giáo dục.

Tôi tin rằng, sự học có chiều sâu sẽ tác động đến con người lớn lắm, làm thay đổi cả tâm can, trở nên khai minh và giải phóng với trái tim có hồn và cái đầu minh định hơn.

Tôi thích bàn về “sự học” hơn là bàn về “giáo dục”, vì sự học là chuyện của mình, do mình và vì mình, có thể bắt đầu ngay lúc này nếu mình muốn, còn giáo dục là chuyện của thiên hạ, do thiên hạn và vì thiên hạ, nên chung chung và mông lung lắm. Còn dạy thực chất là giúp cho người ta học.

Tôi ít khi bàn về sự dạy, vì chừng nào người thầy chưa thay đổi sự học của mình thì sự dạy không thể thay đổi. Học để sửa mình chứ không phải sửa công ty, sửa học trò.

Sự học khai phóng của người thầy kỳ diệu lắm, giúp người thầy thay đổi sự dạy một cách tự nhiên. Còn sự học khai phóng của doanh nhân giúp họ thay đổi kỳ diệu cách quản trị, cách kinh doanh, từ đạo trọc phú hay con buôn… đến đạo doanh nhân.

Tôi có niềm tin trong giáo dục là không ai thay đổi mình ngoài chính mình, nói theo cách nói của nhà canh tân văn hóa Phan Châu Trinh là “Tự lực khai hóa”, hay còn gọi là giáo dục tự thân. Còn tôi nói một cách dễ hiểu hơn “ta là sản phẩm của chính mình”.

Trong các khóa học “Quản trị cuộc đời” do chính ông biên soạn và giảng dạy, anh vẫn thường chia sẻ với các bạn học viên khi làm một điều gì đó muốn bền vững thực sự hãy đặt trên nền tảng “vì mình"? Quá trình tự khai phóng của riêng anh có đầy thử thách?

Có rất nhiều cách "vì mình", nhưng cách "vì mình" khôn ngoan nhất là "vì người". Câu nói này thì con người tự do sẽ kiến giải khác, con người chưa tự do sẽ kiến giải khác. Khi làm được điều gì đó thực sự có giá trị cho xã hội thì xã hội sẽ cho bạn đủ, thậm chí là dư thừa... với điều kiện bạn phải xả thân. 

Sống là một cuộc tìm kiếm, tìm kiếm những giá trị tuyệt vời nhất để bồi đắp trở lại cho cuộc sống và cũng là để trả lời cho câu hỏi lớn “Sống để làm gì?”. Mọi thứ đều bắt đầu từ cá nhân mỗi con người. Một đất nước tốt là do mỗi cá nhân tốt. Tôi muốn bắt đầu từ mỗi cá nhân, chứ không bắt đầu từ mọi người. Mọi người thì không ai cả.

Quá trình tự thân khai phóng của tôi là hành trình quá gian nan, đó là cả quá trình “giải độc” từ từ, để hướng đến con người tự do, sống cuộc đời mình muốn.

Mình cũng sinh ra trong bối cảnh đất nước này, tự mình trải qua môi trường giáo dục đó, tự đúc kết và chia sẻ thực trạng và nguyên nhân. Đồng thời nỗ lực tiếp cận với sự học khai minh và khai phóng.

Chân lý không thuộc về số đông, cũng không thuộc về kẻ mạnh, mà thuộc về những người có hiểu biết.

Chính vì vậy, tìm đến những cuốn sách, những bài viết, những tác giả có hiểu biết, cùng với cá tính đi đến cùng bản chất và chân giá trị của mọi khái niệm và mọi vấn đề của mỗi người sẽ cách khai minh và giải phóng bản thân mình tốt nhất. 

Kim Yến (bizlive.vn) 
[BizLIVE phỏng vấn 27/08/2016​​​​​​​] 

Xem thêm Sách Quản trị bằng Văn hóa - TS. Giản Tư TrungSách Quản trị bằng Văn hóa - Tác giả: TS. Giản Tư Trung

 

Chương trình đào tạo

MBC - QUẢN TRỊ BẰNG VĂN HÓA
MBC - Management By Culture | PACE

Cách thức Xây dựng & Chuyển đổi Văn hóa Doanh nghiệp
trong một thế giới đầy biến động và trong một thời đại mà con người ngày càng trở nên độc lập và tự do hơn.

“Quản trị bằng văn hóa là tương lai của quản trị.
Không một tổ chức nào có thể trở nên độc đáo, lớn mạnh và bền vững
mà không quan tâm sâu sắc đến văn hóa và văn hóa tổ chức”
- Tiến sĩ GIẢN TƯ TRUNG

Vui lòng xem thông tin chương trình
tại đây

Bài viết được quan tâm

Bài viết mới nhất

Trang trên 375